Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét

|

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp đang duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và chỉ giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Kết quả sản xuất tăng cao

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu và Nga, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu 6 tháng của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. “Cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có nhiều đơn đặt hàng đến hết tháng 10. Cả năm chúng tôi đã phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 8%”, ông Trịnh kỳ vọng.

Nhìn nhận kết quả này, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực và có sự tăng trưởng rõ nét trong 3 tháng gần đây với tốc độ tăng tháng 5, 6, 7 đều hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành chủ lực của công nghiệp nước ta, tiếp tục đà tăng trưởng rõ nét hơn, hơn 12% trong 3 tháng liên tiếp, làm cho sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 9,5% so cùng kỳ. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động và có kết quả sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: ngành điện, điện tử; ngành gỗ và sản phẩm gỗ; ngành dệt may, da giày; nhóm ngành sắt thép; hóa chất; cao-su... Cùng với đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so cùng kỳ và vẫn tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của dân cư. Những chuyển biến tích cực đã góp phần tạo tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Còn theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Công thương, có được kết quả trên là do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã có sự chuyển biến tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận những thị trường mới trong thời gian tới. Cùng với đó, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đã được củng cố mạnh mẽ và tích cực từ các chính sách hỗ trợ sản xuất như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; kết quả thu hút giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khả quan, giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước… Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội thị trường, phục hồi các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông sản, thực phẩm...

Nỗ lực hơn để giữ đà tăng trưởng

Theo báo cáo từ nhà cung cấp các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Sự cải thiện đáng kể được ghi nhận ở tất các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 6 sang tháng 7 làm tăng thêm sự lạc quan rằng chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước. Tuy vậy, vấn đề chính đối với các doanh nghiệp hiện nay là theo kịp nhu cầu. Trong khi sản xuất được đẩy mạnh, các doanh nghiệp vẫn buộc phải sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng yêu cầu đặt hàng mới, từ đó khiến hàng tồn kho giảm với mức mạnh nhất từng được ghi nhận. Các nhà sản xuất sẽ cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn và tiếp tục bảo đảm mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong những tháng tới.

Dù được cải thiện nhiều nhưng sức khỏe của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước vẫn còn yếu, những điểm nghẽn của sản xuất công nghiệp trong thời gian vừa qua chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, nền sản xuất còn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là các khu vực FDI. Giá trị gia tăng từ các ngành công nghiệp trong nước còn thấp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện, còn ba địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ như: Điện thoại thông minh, ti-vi, ô-tô... và một số mặt hàng xuất khẩu như: Giày dép, gỗ, điện thoại và linh kiện tuy phục hồi tích cực nhưng chưa về lại mức đỉnh của năm 2022.

Trong những tháng cuối năm, tình hình xung đột tại một số quốc gia còn phức tạp, khó lường, sự phục hồi của các đối tác thương mại vẫn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu có thể xảy ra và hoạt động xuất khẩu tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, một số mặt hàng của nhóm FDI. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU hay Mỹ vẫn có thể phải đối mặt với áp lực các cuộc điều tra phòng vệ thương mại và rào cản kỹ thuật. Thị trường trong nước phục hồi còn chậm, chỉ số giá trong nước vẫn chịu áp lực thực hiện từ một số chính sách.

Do đó, bà Thắng cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp. Cụ thể, Bộ Công thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô-tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Cuối cùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế thấp nhất việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu khi trong nước đã sản xuất được; và đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử.