Ứng phó tình trạng sụt lún nghiêm trọng bờ sông Sài Gòn

|

Khai thác nước ngầm quá mức, gia tăng tải trọng từ các công trình xây dựng, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp… đang là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng sụt lún tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có các giải pháp ngăn ngừa kịp thời, nguy cơ thành phố trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước “chìm” dần dưới mực nước biển sẽ không còn xa.

Sụt lún diện rộng

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi quay trở lại khu vực sạt lở nghiêm trọng tại bờ kè kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh) để ghi nhận tình hình thực tế tại đây. Tận mắt chứng kiến cho thấy, bờ kè bị sạt lở, cây cối, nhiều nhà cửa của người dân bị kéo đổ rạp, nghiêng hẳn ra phía sông. Một số hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn, nhưng những hộ ở lại thì đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

Bờ kè Thanh Đa (phường 25) tiếp tục sụt lún nghiêm trọng. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh và UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất dời 32 hộ dân để bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão sắp đến.

Tháng 6/2023, một đoạn kè dài ở khu vực này đã bị sạt lở, gây thiệt hại cho người dân. Báo cáo của UBND phường 25 (quận Bình Thạnh) cho thấy, phạm vi hư hỏng, sụt lún có chiều dài khoảng 220m, rộng 2,5m, chiều sâu lún khoảng 0,5 - 0,8m, một số vị trí sụt lún đến 1m. Nguyên nhân sơ bộ là do nền móng một số nhà dân bị rỗng do cát và vật liệu xây dựng bị nước rút ra sông qua đường thoát nước ngầm khi nước triều rút làm sụt lún đỉnh kè.

Tương tự, tại các hẻm 67, 89 đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh), nhiều nền móng của các tòa nhà đang bị nứt, độ nứt khoảng 10 - 20cm. Theo phản ánh của ông Lê Tài Mận (ngụ hẻm 89 đường Nguyễn Hữu Cảnh), tình trạng sụt lún ở đây diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, vài năm nay, cường độ sụt lún diễn ra phức tạp hơn, khiến nền móng của nhiều nhà dân bị nứt, làm cho người dân sống trong tâm trạng bất an, lo lắng.

Một số đoạn trên đường Nguyễn Hới (phường An Lạc, quận Bình Tân) cũng bị lún nền đất, khiến cho nhiều nền nhà thấp hơn hẳn so mặt đường. Thậm chí nhiều nhà bị lún, nứt không thể sử dụng được, phải bỏ hoang. Theo kết quả quan trắc của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố, An Lạc là địa bàn có tốc độ lún cao nhất thành phố, với hơn 81cm trong hơn 10 năm qua.

Không những vậy, tình trạng sụt lún nền móng cũng đang xảy ra ở một số công trình trường học, khu chung cư trên địa bàn phường An Khánh (TP Thủ Đức) và nhiều khu vực khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trung Kiên cho hay, các nghiên cứu khoảng 5 năm trở lại đây cho thấy, thời gian qua, thành phố có nơi sụt lún lên tới 81cm, nơi thấp nhất là 1,99cm, tính trung bình là khoảng 23,27cm. Độ sụt lún nền bình quân hằng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức khoảng 2cm/năm, cá biệt có nơi đến 6cm/năm. Cộng hưởng với đó là hiện trạng lượng nước mưa tăng đột biến, mực nước sông dâng cao hơn bình thường.

Nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong các năm 2005, 2014, 2017 cho thấy, các địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ sụt lún đáng kể, gồm: Quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và TP Thủ Đức. Quận Tân Bình và Quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.

Những khu vực tập trung nhiều công trình thương mại có tốc độ lún cao hơn, khoảng 7 - 8cm/năm. Quan trắc lún bằng phân tích InSAR (kỹ thuật dựa trên độ lệch pha của tín hiệu radar) của nhóm nghiên cứu Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, sụt lún đất nền tại thành phố giai đoạn năm 2006 - 2020 có mức độ nghiêm trọng ở các quận nội thành và Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân.

GS, TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nước xâm nhập vào đất, làm nhão đất. Túi nước ngầm dưới sâu bị khai thác quá mức, tạo thành những khoảng trống trong lòng đất, gây lún.

Không những vậy, nhiều khu vực đang chịu tải một khối lượng lớn công trình nhà cao tầng, chung cư. Quá trình đào móng xây dựng các công trình đã tác động rất nhiều đến kết cấu địa chất khiến tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Sụt lún gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Trong đó, dễ thấy nhất là tình trạng ngập úng đô thị và nguy cơ đe dọa đến hạ tầng đô thị lẫn các công trình ngầm.

Sụt lún nền đất cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ngập nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đừng để giải pháp nằm trên giấy

Mới đây, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, HĐND và UBND thành phố về thực hiện quy định pháp luật trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2010 đến 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề, quy hoạch được phê duyệt vừa qua có nội dung xử lý vấn đề sụt lún, xử lý rác thải và chống ngập của thành phố hay không, bởi đó là những yếu tố tác động gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của thành phố. Không chỉ vậy, đây cũng là một trong những vấn đề liên quan quy hoạch không gian ngầm cho thành phố.

Để hạn chế tình trạng sụt lún trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học cho rằng, thành phố cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, trước hết là cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, song song với đó là các giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm...

Theo các chuyên gia của JICA, sụt lún đất nền tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề nghiêm trọng, cần phải xem xét nhiều giải pháp ứng phó. Các giải pháp này cần được thực hiện trong thời gian dài và phải được chuyển giao công nghệ. Một trong những kế hoạch hàng đầu để hạn chế sụt lún đất nền là kiểm soát việc khai thác nước ngầm quá mức.

Về phía cơ quan chức năng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày và tiến tới chấm dứt việc khai thác nước ngầm. Mặt khác, thành phố cũng sẽ thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không có giấy phép khai thác.

Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Cũng theo góp ý của các chuyên gia môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh cần lập bản đồ chi tiết về những nơi có tốc độ sụt lún cao để tránh cấp phép xây dựng những công trình lớn. Bên cạnh đó, hạn chế việc xây dựng các công trình lớn ở khu vực ven sông để chống sạt lở.