Mafia rác

|

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, nhiều cư dân sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã “thu gom” được hàng kg ruồi nhặng mỗi ngày. Hiện tượng ấy đã khiến họ bức xúc chặn hàng loạt xe rác từ thành phố lên khu xử lý tại xã này. Cán bộ thành phố đã xuất hiện để giải quyết bức xúc tạm thời. Nhưng với đơn vị có chức năng “đặc biệt” là xử lý rác thải cho thành phố, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị (Urenco), vẫn còn nhiều việc phải giải quyết.

Kỳ 2: Nơi dòng nước đổi mầu

Khi ban giám đốc Urenco10...”gặp hạn”

Cuối năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã công bố quyết định triệu tập, bắt tạm giam bốn tháng để điều tra đối với ba cá nhân, gồm: Ông Ngô Xuân Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Từ Liêm (nguyên Giám đốc Urenco 10); ông Bùi Trí Bình, Phó Giám đốc Urenco 10; ông Tống Ngọc Thanh, nguyên cán bộ Phòng Kinh doanh Urenco 10 (đã thôi việc).

Thông tin cho thấy, quá trình điều tra bước đầu xác định vào năm 2015, Urenco 10 thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã ký kết hợp đồng số 000162A với Công ty CP Môi trường và Xử lý rác thải An Dương (Nghệ An) để vận chuyển, xử lý chất thải tại Công ty Formosa Hà Tĩnh và một công ty TNHH khác. Tuy nhiên, thực tế Công ty Urenco 10 chỉ hoàn thiện hồ sơ, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống cho Công ty An Dương, mục đích hưởng tiền từ hoàn thiện hồ sơ và xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Urenco 10 không tiếp nhận xử lý nước thải theo như hợp đồng với Công ty An Dương.

Trước đó, ông Hoàng Văn Đắc (Chủ tịch HĐQT Công ty Urenco 10) bị đình chỉ nhiệm vụ từ ngày 16-10-2017 đến nay để phục vụ công tác kiểm tra nội bộ của công ty mẹ - Urenco. Việc này cũng xuất phát từ việc Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội (PC49 trước đây) kiểm tra việc phân loại, bán rác thải y tế nguy hại của Công ty Urenco 10. Trong văn bản gửi tới Urenco, PC49 Hà Nội cho biết đã phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kiểm tra xe ô-tô BKS 88K-4414 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, phát hiện trên xe chở 135 vỏ can nhựa (loại dung tích 20 lít), 2.419 kg xi lanh nhựa (không có kim tiêm) đã qua sử dụng. Chủ xe khai nhận đã mua số hàng trên từ Công ty Urenco 10 không có hợp đồng, hóa đơn chứng từ.

PC49 Hà Nội đã tiến hành xác minh, làm rõ việc Công ty Urenco 10 đã bán số hàng trên. Số hàng này là chất thải y tế nguy hại đã qua xử lý tại công ty và lò hấp chất thải y tế ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đã xác minh, Công ty Urenco 10 cũng đã bán 84 vỏ can nhựa và 2.220 kg bơm xi lanh nhựa cho một người không rõ địa chỉ.

Việc Urenco 10 bán bơm xi lanh nhựa đương nhiên vi phạm quy định trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của lò hấp chất thải y tế mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Và đương nhiên, những sai phạm mới được phát hiện kể trên sẽ khiến hàng loạt chất thải nguy hại bị phát tán ngoài môi trường.

Điều bất thường ở đây là để xử lý rác thải nguy hại, người ta không nhất thiết phải đem công nhân của mình vào môi trường cực kỳ khó... ngửi của nơi tập kết rác sinh hoạt. Nhà máy xử lý rác thải nguy hại, nếu hoạt động đúng chức năng, cũng không cần phải nằm trong khu vực đầy ruồi nhặng và mùi xú uế ấy. Việc xây dựng một khu xử lý rác thải nguy hại nằm lẫn trong khu xử lý rác thải sinh hoạt đã tiềm ẩn nguy cơ rác thải nguy hại sẽ dễ dàng bị trộn lẫn với rác sinh hoạt. Để từ đó, những mối nguy hại chưa được triệt để xử lý đã có cơ hội tái quay trở lại môi trường sinh hoạt của con người.

Đến việc xả thải ra sông Cầu

Trực tiếp có mặt tại bãi rác Nam Sơn, chúng tôi chứng kiến cảnh xe rác vào bãi sẽ tập kết tại các điểm tập trung rác tại hướng đông, bắc và tây (chủ yếu là tập trung tại hướng đông.) Tại điểm này thì cứ khoảng 6 xe rác đổ xuống thì sẽ có một xe đất đổ lấp lên và sau đó xe ủi sẽ ủi rác cho bằng xuống, sau đó sẽ ủ rác. Sau khi ủ, rác sẽ được chuyển sang khu đốt rác hướng tây và khu xử lý hướng nam. Tiếp đó, lượng chất thải này sẽ được chuyển đến hướng bắc của bãi rác. Chung quanh bãi rác là một con kênh chạy vòng quanh. Điểm cuối cùng của con kênh nằm ở hướng tây của nhà máy nơi có hai cống, tạm gọi là cống số 1 và cống số 2.

Tại cống số 1 có hai đường ống mầu trắng chạy vào cống, khi mưa xuống cống số 1 này sẽ xả (cống số 1 thường được che khuất bởi nó nằm dưới chân một quả đồi đất. Cống số 2 nằm cách đó khoảng 200 m. Cống này lớn hơn, nhìn thẳng ra cầu Lai Sơn trước mặt.

Nước bị ô nhiễm ở khu vực gầm cầu Lai Sơn.

Chính giữa trung tâm hai cống này là cây cột có lắp camera an ninh chiếu thẳng ra hướng... ngoài cống. Ở vị trí này không có cổng ra vào, không có hoạt động của công nhân làm việc hay máy móc thiết bị của bãi rác nhưng vẫn được lắp đặt camera quan sát để bảo vệ an ninh!?

Những ngày đầu tháng 5, trời mưa lớn, cống số 1 xả nước thải mạnh có mầu đen, mùi hôi nồng kinh khủng như mùi bể xả ở hướng bắc trong bãi rác. Dòng nước chảy mạnh men theo kênh chảy đến cầu Lai Sơn, xã Hồng Kỳ - Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (cách đó khoảng 200 m). Qua cầu, dòng nước đen theo bờ mương đất chảy lắt léo qua những quả đồi thấp vắng người, từ đó đổ thẳng ra sông Cầu đoạn thuộc địa phận xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Chỉ bằng mắt thường có thể thấy rõ, những ngấn nước đen vẫn còn bám trên thân đám cây dại mọc hai bên bờ mương. Lượng nước xả ra lớn, dòng chảy rất xiết.

Từ cầu Lai Sơn, men theo dòng nước khoảng 3,5 km là tới sông Cầu. Ở nút giao này, dòng nước đen của bãi rác hòa lẫn vào nước sông Cầu luôn chảy xiết. Mọi dấu vết được xóa sạch khi mầu đen được mầu nước sông tự nhiên pha loãng. Duy chỉ còn phần nước quẩn lại ở vùng nước tiếp giáp hai dòng là vẫn mang sắc mầu của dòng nước đến từ bãi rác thải.

Việc bãi rác Nam Sơn xử lý chất thải đúng quy trình hay sẽ lợi dụng mỗi khi trời mưa lớn để xả thẳng xuống con mương ngoài bãi rác, rồi từ đó đổ thẳng ra sông Cầu có lẽ phải do cơ quan chức năng vào cuộc để giải đáp. Nhưng, những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận tại đây, có lẽ đã phần nào chứng minh rằng, đối với khu liên hiệp xử lý rác thải lớn nhất cho thành phố, nếu không có phương án giám sát và xử lý thật nghiêm minh và chặt chẽ, sai phạm là rất dễ xảy ra.

(Còn nữa)