Lý Sơn mùa trồng tỏi

|

Mùa trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một thời điểm đặc biệt, thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch. Đây là quãng thời gian người dân đảo chuẩn bị cho một vụ tỏi duy nhất trong năm.

Tinh hoa từ công sức và thiên nhiên

Sau nhiều tháng chăm sóc tỉ mỉ, người nông dân sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Hành tỏi trên đảo Lý Sơn phát triển trong môi trường giàu khoáng chất từ các ngọn núi lửa cổ đại, cùng với gió biển mang hơi mặn từ đại dương.

Chị Nguyễn Thị Tằm sống ở thôn Trung Yên, thuộc khu vực đảo Lớn Lý Sơn. Chị sống gắn bó với đất, với những vạt hành, ruộng tỏi… Đấy là niềm tự hào, cũng là nguồn thu nhập chính cho gia đình chị. Mỗi năm, người Lý Sơn như chị Tầm bắt đầu trồng một ít hành cho dịp Tết Nguyên đán và trồng tỏi cho mùa thu hoạch tháng 2, từ những ngày cuối thu, đầu đông, khi những cơn gió lạnh thổi về. Vùng đất chị Tằm canh tác có lớp đất mầu nâu thẫm, mịn màng, chứa đựng bao nhiêu khoáng chất quý từ các núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước, đem lại vị đậm đà riêng biệt cho từng nhánh hành, củ tỏi nơi đây.

Chị Tằm vui vẻ chia sẻ rằng: “Mỗi lần xuống đồng là một niềm hạnh phúc, bởi vụ mùa mới không chỉ hứa hẹn, mà còn là dịp để vun trồng những niềm tự hào về loại tỏi nổi tiếng của đảo”. Mỗi mùa gieo trồng, chị Tằm dành nhiều thời gian chăm chút từng luống tỏi bằng cả trái tim. Từ việc làm đất, xuống giống, nhổ cỏ, bón phân, chị luôn tự tay chăm sóc để chắc rằng mỗi cây con đều được nuôi dưỡng đủ đầy từ lòng đất, khí trời. Chị Tằm cười tươi: “Củ tỏi không chỉ là cây trồng, mà còn là “của để dành” giúp gia đình ổn định cuộc sống và tiếp tục mơ ước”.

Người dân Lý Sơn coi công việc trồng hành, trồng tỏi không chỉ là nghề mùa vụ mà còn là cách giữ gìn, phát triển vùng đất thiêng của tổ tiên. Họ gieo vào từng luống đất cả niềm tin, lòng tự hào danh tiếng của nông sản Lý Sơn.

Ông Đặng Xuân Cần thuộc khu vực đảo Bé, một người nông dân giàu kinh nghiệm ở đảo Lý Sơn, đã chia sẻ một cách đầy tinh tế về đặc điểm đặc biệt của tỏi Lý Sơn và hồ tiêu Phú Quốc (Kiên Giang): Điều tạo nên hương vị độc đáo của các loại nông sản này không chỉ nằm ở kỹ thuật trồng trọt hay các yếu tố chăm bón mà phần lớn là nhờ “gió biển”. Với ông, gió biển không chỉ mang theo hơi mặn mà còn chứa đựng khí trời trong lành, làm cho cây tỏi ở Lý Sơn cũng như hạt hồ tiêu ở Phú Quốc có mùi thơm đặc trưng, khác biệt.

Ông Cần lý giải rằng, nhờ gió biển đều đặn thổi qua từng cánh đồng trên đảo, cây tỏi Lý Sơn nhận được lượng khoáng chất tự nhiên. Những làn gió ấy đã thẩm thấu vào từng ré hành, tép tỏi, tạo nên độ chắc và hương vị thơm nồng mà khó nơi nào có thể sánh được. Chính gió biển đã biến sản phẩm nông nghiệp nơi đây trở nên nổi tiếng như cách hồ tiêu Phú Quốc vang danh nhờ hương vị đậm đà khó cưỡng.

Cách cắt nghĩa giản dị mà thấm đượm tình yêu đất, yêu biển của ông Cần không chỉ giúp người nghe hiểu hơn về sản phẩm của mình, mà còn truyền tải niềm tự hào về quê hương với đặc sản độc đáo nhờ thiên nhiên ưu đãi. Những nông dân Lý Sơn như ông Cần đã không chỉ trồng trọt mà còn gìn giữ và chia sẻ nét văn hóa đặc trưng của vùng biển đảo này qua từng tép tỏi, củ hành đượm vị biển trời.

Mùa trồng tỏi tháng 10.

Mồ hôi kết tinh trong sản phẩm

Ông Đặng Xuân Cần nhớ lại hành trình bền bỉ của ông cha khi khai hoang đất ven biển để trồng hành, tỏi. Đất trên đảo khô cằn, bạc màu vì gió biển và nắng rát, nhưng người dân Lý Sơn không bỏ cuộc. Để có được những thửa ruộng dọc bờ biển như ngày nay, họ đã phải san lấp mặt bằng, nhặt từng viên đá và cải tạo đất suốt nhiều năm. Với ông Cần và chị Tằm, hành trình này không chỉ là công việc mà còn là sự kế thừa kinh nghiệm, quyết tâm của tổ tiên, những người đầu tiên phát hiện ra rằng tỏi Lý Sơn, khi được chăm sóc đúng cách, có thể tạo ra hương vị độc đáo, khác biệt so với những vùng khác trên đất liền.

Ông Cần kể, khi thu hoạch những mẻ hành, tỏi đầu tiên ở vùng đất này, ông cha họ nhận ra rằng sản phẩm của mình có mùi thơm nồng đặc trưng và vị đậm đà hiếm nơi nào sánh bằng. Để rồi cây hành, cây tỏi gắn bó với vùng đất đảo, để mỗi mùa trồng trọt đều là một lần nhắc nhở con cháu. Tỏi không chỉ là sản phẩm mang lại sinh kế cho gia đình, mà còn là cách để tỏ lòng biết ơn đất trời, biển cả của quê hương. Những luống hành, tỏi không chỉ đơn thuần là cây trồng mà còn minh chứng cho tình yêu và ý chí bền bỉ của người dân nơi đây, những con người không ngại gian khó, luôn gắn bó với từng tấc đất, từng cơn gió biển mặn mòi.

Dưới ánh nắng khắc nghiệt, gió mặn của biển, người dân đảo Lý Sơn xưa đã bền bỉ cải tạo những thửa đất nghiêng dựa vào vách núi để trồng trọt. Họ tạo ra những ruộng bậc thang nhỏ xinh bằng cách xếp đá thành hàng rào, giữ lại từng mảng đất quý giá đã được nhặt sạch sỏi đá. Qua năm tháng, người dân nơi đây trở nên khéo léo trong việc tận dụng mọi tấc đất, với những thửa ruộng nhỏ nhưng trĩu nặng tâm sức.

Khung cảnh này gợi liên tưởng đến cao nguyên đá Hà Giang, nơi đồng bào người H’Mông, người Dao… trồng cải mèo và ngô trên những thửa ruộng bậc thang cao chót vót. Ruộng được tạo nên từ mồ hôi và bàn tay kiên trì. Cả hai vùng đất này đều đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân không ngừng tìm cách hòa mình vào đất trời, nâng niu từng mầm cây, từng vụ mùa nhỏ bé. Nét tương đồng giữa Lý Sơn và Hà Giang là sự thấu hiểu giá trị lao động, ý chí vươn lên, và tình yêu đất, yêu nghề của người dân, dù đó là một hòn đảo giữa đại dương hay dãy núi cao hùng vĩ.

Hành, tỏi, hồ tiêu... đều là những thứ gia vị. Từ tỏi Lý Sơn lại nghĩ đến tiêu Quảng Nam, đặc biệt là ở vùng Tiên Phước, nơi người nông dân vẫn luôn tự hào về cây hồ tiêu của mình. Hồ tiêu Tiên Phước thơm nồng, cay đậm. Họ nói “tiêu Tiên Phước là ngon nhất và không có để bán”! Điều đó như là cách để nhấn mạnh chất lượng vượt trội của tiêu nơi đây, vừa thể hiện sự tự hào về nông phẩm của mình. Thực tế, vì hồ tiêu Tiên Phước được trồng số lượng có hạn, người dân địa phương thường giữ lại để sử dụng cho gia đình hoặc chỉ bán cho khách hàng quen, khiến tiêu trở nên khan hiếm…

Còn tỏi Lý Sơn thì sao? Nó là một kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, khách du lịch ra đảo ngoài những trải nghiệm, trong tâm tưởng họ luôn dặn mình phải mua một ít tỏi Lý Sơn về làm quà. Đó mới là một sự khẳng định và khẳng định tỏi Lý Sơn không nơi nào sánh nổi.

Huyện đảo Lý Sơn có khoảng 320 ha đất trồng tỏi, tổng sản lượng tỏi tươi thu được khoảng 2.800 - 3.000 nghìn tấn/năm. Tỏi Lý Sơn không có mùi hôi và đặc biệt nổi tiếng với giống tỏi cô đơn, chỉ có một tép duy nhất.