Dồi dào nguồn cung
Những ngày cuối tháng 11 này, tại hệ thống siêu thị của Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầy ắp hàng trên kệ với đa dạng chủng loại. “Năm nay được dự báo sức mua sẽ tăng do kinh tế phục hồi sau đại dịch. Nhưng tôi cũng yên tâm phần nào khi theo dõi thông tin trên báo chí là nguồn hàng được thành phố chủ động chuẩn bị dồi dào. Vào các hệ thống siêu thị cũng luôn đầy hàng, tha hồ mua sắm”, chị Lại Thị Hương Lan đang mua hàng tại siêu thị Co.opmart Văn Thánh (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, Saigon Co.op sẽ chuẩn bị khoảng 10 nghìn tỷ đồng hàng Tết, tăng 20-50% tùy nhóm hàng so tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Còn lại dành cho thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết. Cận Tết, các siêu thị Co.opmart sẽ có nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị ảnh hưởng bão lũ.
Giữa năm nay, Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 cũng như thực hiện bình ổn giá cả thị trường giai đoạn cao điểm cuối năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Doanh nghiệp cũng dự báo về cung - cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp. “Nhiều nhà cung cấp là các HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ được chúng tôi hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng mà Saigon Co.op là đối tác trung gian bảo đảm đầu ra cho hàng hóa”, ông Thắng nói.
Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) Lâm Quốc Thanh, ngay từ giữa năm 2024, hệ thống bán lẻ của tổng công ty đã được chỉ đạo triển khai tới tất cả đơn vị thành viên, trung tâm phân phối chuẩn bị nguồn hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025.
Hệ thống bán lẻ Satra đã tăng cường dự trữ hàng hóa, tập trung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng bình ổn thị trường; bảo đảm giá cả hợp lý, hàng hóa chất lượng. Trong khi đó, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự kiến tăng 8% lượng hàng mùa Tết so năm ngoái, tổng giá trị 550 tỷ đồng. Hiện cơ bản nguồn hàng phục vụ Tết của Vissan đã chuẩn bị xong, với các sản phẩm tập trung chính là thịt tươi sống, thịt chế biến… Để kích cầu, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mãi theo hình thức cuốn chiếu, trong đó các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên giảm giá đến 30%.
Tại tỉnh Bình Dương, thời điểm này, các đơn vị bán lẻ đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Trong đó, Giám đốc Go Bình Dương Võ Nhất Vũ cho biết, Go đã chuẩn bị kỹ đáp ứng nhu cầu hàng hóa những tháng cuối năm. Go cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi cuối năm hấp dẫn nhằm kích cầu mua sắm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà, rau củ, hệ thống đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ trước để thu mua sản lượng lớn và bảo đảm giá thành đầu vào ổn định.
Các loại hàng hóa thiết yếu bảo đảm giá cả luôn thấp hơn từ 5-10% so giá thị trường theo từng thời điểm. Yêu cầu hàng hóa phải bảo đảm số lượng, chất lượng để điều động ứng phó. Các doanh nghiệp bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo sự điều phối của các cơ quan chức năng.
Sở Công thương tỉnh Bình Dương thông tin, theo kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đầu mối tham gia với tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng hơn 13.725 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khoảng 2.750 tỷ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Cụ thể, hoạt động phân phối có các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON... Qua đó, người tiêu dùng được tăng thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn. Về danh mục hàng bình ổn thị trường, so năm 2024, chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng. Sở Công thương tỉnh Bình Dương lưu ý, trong dịp trước, trong và sau Tết, các siêu thị và Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Dương, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) tham gia thực hiện bình ổn thị trường mặt hàng thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cam kết bảo đảm số lượng và thực hiện bán theo đúng giá bình ổn đã đăng ký, thấp hơn giá thị trường 5-10%.
Doanh nghiệp thực phẩm, các chuỗi siêu thị tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đã sẵn sàng hàng hóa phục vụ dịp Tết 2025. |
Kiểm soát chặt giá cả, nguồn hàng
Để chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm đã khẩn trương triển khai các kế hoạch bình ổn giá, kích cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý. Trong đó, chương trình bình ổn năm nay có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn năm ngoái. Các doanh nghiệp còn bổ sung muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu...
Theo Sở Công thương thành phố, dự kiến, năm nay, doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 23 nghìn tỷ đồng phục vụ 2 tháng mùa Tết Nguyên đán 2025, trong đó có khoảng 9.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Danh mục hàng bình ổn đợt này được mở rộng, bổ sung nhiều mặt hàng. Doanh nghiệp tham gia chương trình được hỗ trợ giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Ba Huân Phạm Thị Huân cho biết, doanh nghiệp sẽ tăng nguồn cung khoảng 10% so năm ngoái để bảo đảm nguồn hàng lương thực, thực phẩm luôn sẵn có, đáp ứng nhu cầu cao của người dân trong những ngày Tết. Đồng thời, công ty cam kết duy trì giá ổn định, phối hợp chặt chẽ Sở Công thương tham gia các chương trình hỗ trợ tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân đón Tết an vui.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ chủ động xây dựng các phương án và đề xuất giải pháp với các cơ quan chức năng để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, ngăn chặn nguy cơ thiếu hàng hay gián đoạn nguồn cung gây biến động giá. Song song đó, Sở phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn, khuyến khích các đơn vị áp dụng mức chiết khấu ưu đãi. Còn theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Phan Thị Khánh Duyên, Sở kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp địa phương, các ngành tổ chức các điểm bán hàng bình ổn theo 25 điểm bán hàng sở đề xuất. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, hàng hóa lưu thông phải có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Các nhóm hàng bình ổn thị trường là sản phẩm được sản xuất trong nước gắn kết chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sở Công thương tỉnh Bình Dương cũng vừa phát động tháng khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2025 (từ ngày 2/12 đến 31/12/2024), tháng “siêu khuyến mãi” (từ ngày 25/11 đến 25/12/2024) nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.