Nhiều khu tái định cư ở Thái Nguyên không hiệu quả

|

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư tám dự án tái định cư trên địa bàn, thời gian thực hiện từ năm 2010 đến nay, số vốn đầu tư lên đến gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số dự án không mang lại hiệu quả, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, làm nhân dân bức xúc.

Sạt lở, dở dang

Với mục đích tốt đẹp là bố trí dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc đến tái định cư để ổn định cuộc sống, cuối năm 2013, UBND Thái Nguyên giao cho Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư xây dựng dự án tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ rộng hơn ba ha, số vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2017. Tuy nhiên, tính đến tháng 4-2016, dự án tái định cư thi công được khoảng gần 87% khối lượng xây lắp các hạng mục, trong đó hạng mục san nền đạt 92% khối lượng, hạng mục thoát nước đạt 71% khối lượng, cấp nước đạt 93% khối lượng; các hạng mục đường giao thông, nhà văn hóa và cấp điện đã hoàn thành và chủ đầu tư đã thanh toán 14 tỷ đồng thì xảy ra sạt trượt, lở ta-luy dương rất lớn, toàn bộ dự án phải dừng lại, dở dang từ đó đến nay.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, thuê đơn vị tư vấn xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan và đề xuất phương án khắc phục. Nguyên nhân được đưa ra là do đơn vị khảo sát, thiết kế xây dựng công trình chỉ thực hiện khoan điểm, kết hợp quan trắc địa chất và khoan vào mùa khô nên không lường hết được địa chất phức tạp của toàn bộ khu vực xây dựng dẫn đến không có biện pháp gia cố bền vững cho công trình, mà chỉ đưa ra phương án bạt mái ta-luy. Đơn vị tư vấn giám sát không có mặt thường xuyên tại công trình dẫn đến báo cáo chậm về diễn biến sạt lở. Đơn vị thẩm tra, thẩm định chuyên ngành xây dựng chưa lường hết mức độ phức tạp của địa hình, địa chất, thủy văn công trình nên không có yêu cầu đối với chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế có phương án khảo sát, thiết kế cho phù hợp như xây kè, gia cố áp mái ta-luy dương kiên cố.

Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Phạm Duy Hùng cho biết: “Mỗi khi hồ Núi Cốc tích nước, mực nước dâng lên, cuộc sống của gần 30 hộ ở vùng bán ngập rất khó khăn. Vì thế, khi Nhà nước đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Vạn Thọ, người dân rất phấn khởi, nhưng xây dựng chưa xong thì xảy ra sạt lở. Chỉ khi nào thật an toàn chúng tôi mới cho chuyển dân đến khu tái định cư sinh sống”. Cuối năm 2016, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng đã đề xuất phương án khắc phục sạt lở. Đến nay UBND tỉnh Thái Nguyên chưa quyết định phương án nào, vì để khắc phục sạt lở, quy mô dự án sẽ tăng lên hàng chục tỷ đồng.

Chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn có trách nhiệm lớn nhất đối với sự cố sạt lở, phải dừng thi công khu tái định cư xã Vạn Thọ hơn hai năm qua, gây lãng phí, bức xúc dư luận. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ đầu tư và các bên liên quan dường như chưa được quan tâm.

Thiếu nước sinh hoạt

Dự án di dân vùng có nguy cơ sạt lở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cũng do Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên làm chủ đầu tư, có tổng số vốn đầu tư lên đến gần 44 tỷ đồng, tái định cư cho 60 hộ dân, suất đầu tư bình quân lên tới 733 triệu đồng/ hộ, được xây dựng từ năm 2016. Đến cuối tháng 6- 2018 mới có 45 hộ đến ở, nhưng sau đó một số hộ quay trở về nơi ở cũ. Đến đây, chúng tôi thấy khu tái định cư rất thiếu sức sống, một số hộ đã bỏ nhà tại khu tái định cư để quay trở về nơi ở cũ, số khác hằng ngày vẫn phải về nơi ở cũ canh tác rất vất vả. Nguyên nhân chủ yếu là do, diện tích đất được cấp tại khu tái định cư rất hẹp, không có đất để sản xuất, chăn nuôi, không phù hợp tập quán của đồng bào dân tộc Mông, đặc biệt là không có nước sinh hoạt.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Thái Nguyên Nguyễn Văn Hợp lý giải: “Hệ thống cấp nước sinh hoạt là giếng khoan bơm lên bể chung để cấp nước cho các hộ dân. Các hộ dân phải đóng tiền điện để vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt. Nhưng khu tái định cư 100% là hộ dân tộc Mông nghèo, không có tiền đóng góp. Ngày 26- 7- 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đi kiểm tra công trình cho thấy máy bơm nước vẫn hoạt động, bể chung đủ nước cung cấp cho các hộ dân”. Tuy nhiên, các hộ dân ở khu tái định cư lại phản ánh, công trình cấp nước chỉ hoạt động được khoảng ba tháng rồi “đắp chiếu”. Trên thực tế, chúng tôi thấy nhiều hạng mục của công trình cấp nước đã hư hỏng dù thời gian đưa vào sử dụng chưa lâu. Hầu hết trụ vòi không còn nên thời gian qua các hộ phải mua sắm can nhựa để đi xin nước cách nhà hai km mang về nấu ăn, uống, còn tắm giặt thì phải xuống sông. Việc xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt bằng máy bơm điện là không hợp lý, không mang tính bền vững, vì người dân không có trình độ vận hành, bảo dưỡng, chi phí cao so với điều kiện kinh tế của cộng đồng, hư hỏng không có khả năng sửa chữa nên công trình được đầu tư tiền tỷ đã nhanh chóng “đắp chiếu”, lãng phí.

Mặc dù vẫn còn 15 hộ chưa chuyển đến khu tái định cư xã Văn Lăng, nhưng ta-luy dương ở khu vực này đã bị sạt lở, nếu không đầu tư khắc phục thì không thể bố trí dân cư vì nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Người dân phải mua can nhựa chở nước về sinh hoạt hằng ngày.

Nhiều bất cập khác

Tổng số tiền mà Nhà nước đã đầu tư xây dựng tám dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2010 là gần 200 tỷ đồng, mục tiêu bố trí hơn 430 hộ dân ở vùng bán ngập hồ Núi Cốc, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở... đến tái định cư nhưng đến nay mới bố trí được 331 hộ dân. Người dân mong muốn chuyển đến khu tái định cư sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhưng trên thực tế thì ngược lại. Ở tất cả các khu tái định cư, diện tích đất ở cấp cho mỗi hộ rất ít, nơi rộng nhất từ 300-400 m²/hộ, có nơi chỉ từ 140- 170 m²/hộ. Với diện tích này thì chỉ đủ làm nhà ở, không có đất để sản xuất, chăn nuôi, thậm chí không có chỗ để làm công trình vệ sinh, không phù hợp lối sống, phong tục tập quán, phương án sản xuất của người dân. Điển hình là nhiều hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò thì chất thải tràn ra chung quanh, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm những gia đình bên cạnh bức xúc.

Việc chọn vị trí xây dựng khu tái định cư cũng tỏ ra không phù hợp, như khu tái định cư xã Văn Lăng được xây dựng trên địa hình đồi núi; một số công trình được đầu tư xây dựng tại khu tái định cư chất lượng kém, hiệu quả thấp. Dư luận nhân dân, đặc biệt là nhiều người dân sinh sống tại các khu tái định cư đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần thanh tra việc xây dựng, hiệu quả đầu tư của các khu tái định cư này, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm nhằm tránh thất thoát, lãng phí. Qua đó, có giải pháp tích cực để ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân tại các khu tái định cư trên địa bàn.