Nhiều nơi thiếu mầu xanh
Hà Nội được gọi là "Thành phố Xanh". Nhưng hiện tại, có lẽ nghĩa đen của từ "xanh" này chỉ hợp với một số tuyến đường nội đô, nơi từ lâu vẫn giữ được những hàng cây lớn, những vùng bóng mát che phủ đường đi, "làm mát" cho hệ thống biệt thự, công thự, những công trình lớn hay một số nhà dân sinh phân bố hai bên. Ðó là các phố như Hoàng Diệu, Phan Ðình Phùng, Ðiện Biên Phủ, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám… Cùng với đó là khu vực các hồ nước, vườn hoa, công viên lâu năm, được coi như những "lá phổi" quý giá của Thủ đô, như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Giảng Võ, hồ Ðịnh Công…, vườn bách thảo, Công viên Thủ Lệ, Công viên Lê-nin, vườn hoa Lý Thái Tổ…
Nhìn từ trên cao, sẽ thấy những "vùng xanh" tập trung ở một số khu vực trung tâm. Ra xa hơn, mầu xanh dần thưa thớt, thay vào đó là sự chen chúc các loại mái nhà. Xa hơn nữa, nơi đang mọc lên dày đặc các khu đô thị, khu chung cư mới, mầu xanh trở nên lọt thỏm. Ở những khu vực này, hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên mới mọc lên không kịp, chìm trong "rừng" vật liệu bê-tông, kính, đá và tấp nập các phương tiện giao thông.
Cây xanh giúp cân bằng, điều hòa không khí, tạo cảnh quan, bóng mát cho người dân nhưng lại đang rất thiếu. Thực trạng này đã phần nào được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhận ra và triển khai trồng mới các hàng cây nhỏ dọc một số tuyến đường. Ðương nhiên, người dân còn phải đợi cây nhỏ lớn lên và nhiều năm nữa mới phát huy hiệu quả.
Cây bị "đe dọa"
Tuy nhiên, ngược lại động thái tích cực này, là tình trạng các cây lớn, những hàng cây cao cho bóng mát đứng trước nguy cơ bị đốn hạ khi thành phố triển khai chỉnh trang đô thị, mở những tuyến đường mới, mở rộng những con đường đã quá tải.
Như hiện nay, số phận hàng cây vạm vỡ, xanh tốt hai bên đường Phạm Văn Ðồng - quận Cầu Giấy đang ở trong tình thế cấp bách này. Ðây không phải lần đầu cây xanh bị "đe dọa". Mà cách đâu không lâu, khi mở rộng đường Nguyễn Trãi, xây dựng đường sắt trên cao Hà Ðông - Cát Linh, hàng cây lớn, đẹp nối qua khu vực quận Thanh Xuân đã bị chặt đi. Dư luận cũng sục sôi với vụ việc chặt hàng loạt cây lớn để trồng mới vào năm 2015.
Nhìn rộng và xa hơn, đến những hàng cây lớn rất đẹp dọc những con đường ngoại thành, những vùng cây xanh tốt xen kẽ hoặc bao bọc các làng quê. Chẳng lẽ cứ mỗi khi mở đường mới, mở rộng đường cũ, phát triển các khu đô thị, khu chung cư, những hàng cây, vùng cây như thế lại tiếp tục bị đối xử "không công bằng"?
Hãy tái sử dụng
Vấn đề rất quan trọng phụ thuộc vào cách nhìn của những người có trách nhiệm và người dân các địa bàn trong sự phát triển đô thị, giao thông Hà Nội. Ðường sá, nhà ở đương nhiên đều nhằm phục vụ đời sống dân sinh, nhưng không lo bảo vệ tài sản thiên nhiên, không quan tâm giữ cảnh quan, môi trường, thì cây "cũ" sẽ bị bỏ đi không thương tiếc. Thay vào đó là tình trạng "trắng cây", và nếu trồng mới thì phải rất lâu sau mới có thể cho được bóng mát. Và nghịch lý cứ tái diễn là không gian mới mở đến đâu thì mầu xanh lại mất đi, giảm đi đến đó; mầu xanh còn thiếu nhưng cây xanh lại bị bỏ.
Ngược lại, nếu coi những hàng cây, những vùng xanh là tài sản quý đã qua hàng chục năm, qua cả đời người mới có được, thì cần có các phương án bảo vệ, tái sử dụng hợp lý để cây tiếp tục được chăm sóc, tiếp tục hữu ích cho những không gian đô thị, giao thông mới, cho đời sống dân sinh. Có thể đào lên, không gây tổn thương đến rễ và chăm sóc để bảo đảm cây vẫn sống được, sau đó trồng lại vào hai bên hè đường mới. Có thể đưa cây từ tuyến đường chuẩn bị thi công đến trồng trên tuyến đường khác đã hoàn thành. Có thể tìm hiểu nhu cầu cần cây xanh ở các địa bàn dân cư, khu đô thị, khu chung cư, công viên, vườn hoa mới… để đưa cây đến trồng. Có thể tìm nhiều cách khác nhau nhưng hãy trên quan điểm tái sử dụng, phát huy giá trị của cây.
Và có lẽ cũng không thừa nếu các cơ quan ngành tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng… phối hợp xây dựng kế hoạch tái sử dụng cây xanh Hà Nội để chủ động đáp ứng cho công việc này. Quyết định bỏ cây đi có thể rất nhanh, nhưng giữ cho cây sống để tiếp tục làm xanh, sạch, đẹp cho Hà Nội sẽ hiệu quả, ý nghĩa và tiết kiệm, và chắc chắn là hợp lòng dân.