Đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang
Bà Lê Thị Liễu, nhà ở ngay trước nhà máy chế biến mủ cao-su của Công ty TNHH Phương Triều Đại, bức xúc: Kể từ khi nhà máy chế biến mủ cao-su này hoạt động vào năm 2009 đến nay, cuộc sống hàng trăm hộ dân trong vùng phải chịu khổ sở. Hằng ngày mùi hôi thối nồng nặc và khói thải từ nhà máy theo gió xộc vào khu dân cư khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Môi trường bị ô nhiễm nặng buộc những người dân sinh sống chung quanh nhà máy suốt ngày phải đóng cửa kín mít và đeo khẩu trang cả khi ngủ.
Bà Phan Thị Dung ở buôn Cư Yuốt cho biết thêm: Không chỉ ô nhiễm không khí do mùi hôi, khói thải của nhà máy gây ra, nhà máy chế biến mủ cao-su này còn xả nước thải chưa qua xử lý vào các hồ chứa và ra ngoài môi trường. Khi có mưa lớn, một lượng nước thải đen kịt, có váng, bốc mùi hôi thối tràn ra khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt của người dân...
Thấy nước giếng có mầu vàng đục và khác thường, năm 2015 bà Đặng Thị Hoa cùng một số hộ dân sinh sống gần nhà máy đã góp tiền để lấy mẫu nước mang lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm nước giếng gia đình. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước có độ pH thấp, độ đục cao, hàm lượng sắt cao, không đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT. Từ đó đến nay, nhiều hộ dân đã không dám dùng giếng nước để ăn uống, sinh hoạt mà phải mua từng bình nước về sử dụng, khiến cuộc sống vốn đã vất vả nay càng khó khăn hơn.
Phân hiệu Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh nằm trên địa bàn buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, chỉ cách nhà máy chế biến cao-su khoảng 300 m cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm khí thải. Phân hiệu là nơi học tập của khoảng 100 em học sinh chủ yếu là con hộ nghèo và con em đồng bào dân tộc thiểu số buôn Cư Yuốt. Các giáo viên phụ trách lớp ở đây cho biết, do mùi hôi từ nhà máy chế biến mủ cao-su xộc thẳng vào trường nên mùa nắng nóng, nhiều học sinh bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Một số phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình nên đã xin chuyển trường cho con đi học nơi khác dẫn đến số học sinh ở phân hiệu này ngày một giảm dần.
Xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường
Trong khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước và mùi hôi tại nhà máy chế biến mủ cao-su của Công ty Phương Triều Đại chưa được khắc phục thì tối ngày 5-11-2017, người dân phát hiện nhà máy chế biến mủ cao-su này xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và chảy tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Ông Hồ Viết Tiến ở buôn Cư Yuốt nhớ lại: “Đêm hôm ấy, lợi dụng lúc trời mưa, người của nhà máy chế biến mủ cao-su đã bơm nước thải lên đồi phía sau nhà máy để nước thải chảy tràn lan xuống đường giao thông giữa buôn và khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân chúng tôi đã dùng điện thoại quay lại để làm bằng chứng. Hôm sau, chúng tôi đã mời chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện về làm việc thì phía Công ty Phương Triều Đại trả lời là do công nhân của nhà máy nối nhầm ống bơm nước khiến nước thải tràn ra môi trường”.
Mới đây nhất là vào ngày 2-6-2018, người dân buôn Cư Yuốt tiếp tục phát hiện Công ty Phương Triều Đại đổ chất thải mầu đen ra môi trường tại khu vực đồi đất của gia đình ông Lê Đình Thanh bên cạnh nhà máy chế biến mủ cao-su của công ty. Bà con đã báo cho UBND xã Cư Pơng và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Búc đến lập biên bản hiện trường. Theo biên bản, tại thời điểm kiểm tra, trên đất trồng cau, bơ, mít có 2.700 hố khoan chưa trồng cây, mỗi hố có đường kính rộng 80 cm, chiều sâu khoảng 70 cm và hai hố lớn có đường kính rộng khoảng 15 m, chưa xác định chiều sâu, trong hố có chứa chất lỏng mầu đen đúng như phản ánh của người dân.
Làm việc với Công ty Phương Triều Đại, đơn vị này cho biết, nhà máy chế biến của công ty đang trong quá trình tạm dừng hoạt động để sửa chữa, vệ sinh, bảo dưỡng có phát sinh một lượng bùn thải trong quá trình xử lý nước thải tại bể hiếu khí. Đối với lượng bùn thải này, công ty đã cho hộ ông Lê Đình Thanh làm phân bón vi sinh. Tuy nhiên, quá trình bón phân vi sinh cho cây trồng liên tục gặp mưa lớn, lượng nước mưa đọng lại trong các hố khoan, tạo nên chất bùn lỏng mầu đen, công ty đã yêu cầu hộ ông Thanh tạm dừng việc bón phân cho cây trồng để không phát tán rộng bùn thải ra môi trường.
Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Đác Lắc Nguyễn Hoàng Tùng cho biết: Sau khi nhận kiến nghị của huyện Krông Búc về việc Công ty Phương Triều Đại đổ bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường, ngày 13-6-2018, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đác Lắc đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, lấy mẫu bùn thải (thu gom từ hệ thống xử lý nước thải) của Công ty Phương Triều Đại. Các kết quả thử nghiệm mẫu bùn thải do Trung tâm Nghiên cứu và Quan trắc môi trường nông nghiệp miền t rung và Tây Nguyên - Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện cho thấy các thông số trong bùn thải là thấp hơn giới hạn cho phép tại QCVN 50:2013/BTNMT. Tuy nhiên, trong quá trình thu gom và vận chuyển bùn thải, công ty chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Chủ tịch UBND xã Cư Pơng Trần Thành cho biết: Sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu chất thải của nhà máy chế biến mủ cao-su của Công ty Phương Triều Đại từ Sở Tài nguyên và Môi trường, xã đã thông báo đến toàn thể người dân. Tuy nhiên, người dân cho rằng mẫu kiểm nghiệm là không chính xác nên các hộ dân vẫn tiếp tục tập trung đông người trước nhà máy để phản đối. UBND xã đang tích cực vận động người dân không tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời đề nghị các ngành chức năng cần kiểm nghiệm lại mẫu chất thải của nhà máy chế biến mủ cao-su này một cách khách quan để người dân được yên tâm.
Cần xử lý dứt điểm
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng do nhà máy chiến biến mủ cao-su của Công ty Phương Triều Đại gây ra đã nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Theo phản ảnh của người dân, trong những năm qua ngoài việc gửi hàng chục đơn thư kêu cứu đến chính quyền xã Cư Pơng và các ngành chức năng của huyện, tỉnh thì trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu hội đồng nhân dân xã, huyện, tỉnh, người dân đều phản ảnh về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này và đề nghị các ngành chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, đến nay nhà máy chế biến mủ cao-su này vẫn hoạt động ngày đêm, còn tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Bức xúc trước việc nhà máy chế biến mủ cao-su gây ô nhiễm môi trường nhưng các cấp, các ngành của huyện, tỉnh chậm xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn. Từ năm 2017 đến nay, người dân buôn Cư Yuốt đã nhiều lần tập trung đông người phản đối Công ty Phương Triều Đại xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, thậm chí lập cả ba-ri-e chặn đường không cho xe chở mủ cao-su ra vào nhà máy, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Đỉnh điểm của tình trạng này là ngày 22-6, người dân buôn Cư Yuốt đã tụ tập trước cổng nhà máy, dùng gỗ, đá tảng ngăn chặn không cho xe tải chở mủ ra vào nhà máy dẫn đến xô xát giữa người dân và nhân viên của công ty khiến hai người dân bị thương phải nhập viện là bà Phan Thị Dung và bà Đoàn Thị Hiền, cùng trú tại buôn Cư Yuốt.
Để giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân, bảo đảm môi trường sống trong lành cũng như ổn định sản xuất của nhà máy, các ngành chức năng tỉnh Đác Lắc cần sớm làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những vi phạm, tránh để khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.