Ba mươi năm ấy...

|

Ba mươi năm đối với lịch sử lâu dài của một đất nước, một dân tộc, thời gian có là bao. Chỉ như cái chớp mắt mà thôi. Ba mươi năm đối với một đời người lại chẳng ngắn chút nào. Người xưa nói: Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm. Ba mươi đã là tuổi trưởng thành, tự mình đứng vững trên đôi chân của mình. Bốn mươi là tuổi đủ sáng suốt để không còn nhầm lẫn. Năm mươi là tuổi biết mệnh trời, tuổi đỉnh cao của trí tuệ.

Ba mươi năm có ý nghĩa biết bao khi đời người gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại.

Nhân ngày xuân năm nay, xin có đôi điều về Ba mươi năm ấy.

Trước hết, xin nói về Ba mươi năm Bác Hồ bôn ba tìm đường cứu nước. Bác ra đi từ Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) năm 1911, tuổi vừa hai mươi mốt. Ba mươi năm sau, Bác đặt chân trở lại trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, tuổi đã năm mươi cộng một. Sách Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh ghi: "Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động". Bác đã nghĩ gì và nói gì? Những người cùng đi không kể lại nhiều. Nhưng sự "đứng lặng hồi lâu, xúc động" của Bác đã nói lên tất cả. Ra đi từ một thanh niên yêu nước, có chí hướng nhưng chưa rõ con đường, trở về đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, một lãnh tụ dân tộc thần tượng với "Ðường cách mệnh" soi sáng lối đi lên.

Bốn tháng sau khi về nước, từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5, Bác chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương, bàn nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Bác nói: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Bốn năm sau, Cách mạng Tháng Tám thành công.

Cái ngày Bác về nước ấy đã được nhà thơ Tố Hữu miêu tả trong mấy vần thơ rộn rã niềm vui:

Ôi sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Lại xin nói về: Ba mươi năm đời ta có Ðảng.

Mười lăm tuổi, 1945, Ðảng đã lãnh đạo toàn dân đứng dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Cũng từ đó đất nước bước vào thời đại Hồ Chí Minh.

Hai mươi bốn tuổi, 1954, Ðảng ta cùng quân dân ta Chín năm làm một Ðiện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng. Ðã giải phóng nửa nước và đưa miền bắc lên chủ nghĩa xã hội. Ðã đánh bại một đế quốc to, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.

Năm 1960, Ðảng tròn ba mươi tuổi. Trong buổi mít-tinh kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, Bác Hồ nói: "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại".

Vĩ đại vì Ðảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Vì Ðảng ta từ ngày mới ra đời, liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Ðảng ta đang lãnh đạo nhân dân thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong...

Bác có thơ rằng:

Ðảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi

biết bao nhiêu tình!

Tố Hữu reo lên khi bước vào năm mới:

Anh chị em ơi!

Ba mươi năm đời ta có Ðảng

... Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm

Mùa Xuân đó, con chim én mới

Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh

Ðời ta gương vỡ lại lành

Cây khô cây lại đâm cành nở hoa...

Mười lăm năm sau, năm 1975, Ðảng ta tròn 45 tuổi. Cuộc chiến đấu ròng rã 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược đã giành được thắng lợi hoàn toàn. "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc" (Báo cáo của đồng chí Lê Duẩn tại Ðại hội IV của Ðảng).

Chuyện tiếp theo tôi muốn nói là "Ba mươi năm đổi mới", chủ đề chính của bài viết này.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1986, khi Ðại hội VI của Ðảng khai sinh ra Ðổi mới.

Có người hỏi: Ba mươi năm ấy, Ðổi mới đã từ đâu đi đến đâu?

Tôi nhớ lại: Năm ấy Ðổi mới ra đời giữa lúc đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trầm trọng đến mức vào tháng 1-1988, trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi về đánh giá tình hình sau một năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: "Tôi thường ví xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không có một vị thuốc thần nào lập tức có thể đứng dậy đi ngay và chạy ngay được".

Ấy vậy mà sau 30 năm, liệu có quá lời chăng khi nói bệnh nhân đã trở thành lực sĩ. Cứ mười năm một, người lực sĩ ấy lại nhảy thêm một bước.

Bước nhảy thứ nhất (1986-1996): Từ khủng hoảng đến ra khỏi khủng hoảng. Sau mười năm đầu Ðổi mới, Ðại hội VIII của Ðảng (tháng 7-1996) khẳng định: "Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Bước nhảy thứ hai (2001-2010): Từ ra khỏi khủng hoảng đến ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Tiếp nối 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VIII, năm 2001, năm mở đầu thế kỷ 21, Ðại hội IX của Ðảng đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2006, tổng kết 20 năm Ðổi mới, Ðại hội X của Ðảng nhận định: Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Cuối năm 2010, mục tiêu đề ra cho mười năm đã cơ bản hoàn thành trên thực tế.

Bước nhảy thứ ba (2011-2020): Từ ra khỏi tình trạng kém phát triển đến trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2011, nhìn lại thập niên đầu thế kỷ, Ðại hội XI của Ðảng đánh giá: Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp). Mười năm 2011-2020, phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bốn năm đầu của bước nhảy này gặp nhiều trắc trở. Ðấu tranh cho bước tiến mới trở nên quyết liệt hơn. Ổn định kinh tế vĩ mô bị đe dọa nghiêm trọng rồi từng bước ổn định dần. Tăng trưởng kinh tế suy giảm rồi lại phục hồi. Ðáng mừng là mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2014 đã đạt được, trong đó 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch. Năm 2015, có cơ sở để thực hiện một bước chuyển mạnh hơn về phía trước.

Ðại hội XII sắp tới (quý I-2016) sẽ có tiếng nói rất quyết định cho bước nhảy thứ ba.

Ðể kết thúc câu chuyện Ba mươi năm ấy, tôi muốn một lần nữa khẳng định niềm tin của mình: Ðổi mới là con đường rộng thênh thang. Nhưng đổi mới không nhẹ nhàng như dạo công viên. Cũng gập ghềnh lắm đó. Xin cùng nhau đọc lại bài thơ Ði đường của Bác Hồ năm xưa:

Ði đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Xuân Ất Mùi, 2015