Bản lĩnh Việt Nam trong một thế giới đầy biến động

|

Năm 2016 đi qua để lại những dư âm băn khoăn, lo lắng, khó đoán định. Có lẽ, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến nhiều sự kiện quốc tế ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác giữa các quốc gia như hiện nay. Trước thực tế đó, Việt Nam đã thể hiện một bản lĩnh vững vàng và một tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Năm 2016, thế giới chứng kiến các vụ khủng bố đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, liên tiếp nổ ra ở những thành phố lớn, vốn rất yên bình ở châu Âu, đặt ra thách thức với nền “hòa bình vĩnh cửu” ngự trị ở châu Âu từ năm 1945. Nội chiến ở Xy-ri tạo ra hai chiến tuyến có sự giằng co ác liệt và là nơi các nước lớn thể hiện ảnh hưởng, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia khác. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy, trả thù hoặc tạo ra bất ổn ngay trong lòng các nước có dính líu cuộc chiến ở Xy-ri.

Việc nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, làm cho cục diện thế giới thay đổi. Đây không đơn giản là chuyện một nước muốn rời khỏi tổ chức khu vực, mà còn thể hiện xu hướng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở nhiều nơi. Nạn đói nghèo, dịch bệnh, xung đột, bất ổn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có những tác động quan trọng tới các vấn đề quốc tế, trong đó có “số phận” chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á…

Bức tranh thế giới và khu vực phức tạp tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội cho Việt Nam. Vấn đề là nhân lên các cơ hội và biến các thách thức thành cơ hội. Việt Nam có đủ điều kiện để phát huy cơ hội, hạn chế thách thức vì nước ta nằm ở một khu vực địa chiến lược quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5-2016, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma từng nhấn mạnh: Lý do tôi có mặt tại đây vì Việt Nam có vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ đối với khu vực, mà theo tôi còn cả thế giới.

Việt Nam là một đất nước đang phát triển năng động trong một khu vực lớn, năng động của thế giới. Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trước một thế giới đầy biến động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới, khẳng định chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XIV thông qua chính phủ mới, cam kết lấy tinh thần phục vụ, kiến tạo, đưa đất nước tiếp tục quỹ đạo đổi mới, hội nhập, tạo dựng và thúc đẩy niềm tin trong nước và quốc tế.

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào tháng 11-2016, phát biểu ý kiến trước 1.800 cán bộ và sinh viên Đại học Quốc gia Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong một thế giới đầy biến động, mặc dù hai nước còn không ít khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, những thành tựu to lớn mà hai nước đạt được là minh chứng sinh động, khẳng định con đường phát triển mà hai Đảng, hai nước lựa chọn là rất đúng đắn.

Sau 30 năm đổi mới và 21 năm là thành viên “mái nhà chung ASEAN”, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ASEAN. Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu chiến lược ở Xin-ga-po, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang, thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua. Ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để cơ hội không trở thành sự nuối tiếc, triển vọng chỉ là sự thất vọng, con đường duy nhất để biến ước vọng trở thành hiện thực là tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Phát biểu của Chủ tịch nước truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam chung tay bảo vệ hòa bình khu vực...

Bài học từ Brexit cho thấy rằng, lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực phải được hài hòa. Các nước thành viên bảo vệ lợi ích các quốc gia của mình, nhưng cũng phải chú ý tới nghĩa vụ và trách nhiệm với các tổ chức khu vực mà mình tham gia, nhằm bảo đảm sự thống nhất và đoàn kết. Vì thế, theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Việt Nam cùng các thành viên ASEAN nỗ lực xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thông qua các dự án lớn về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Bên cạnh củng cố tăng cường quan hệ với ASEAN, cân bằng quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ, là một trong những trọng tâm ngoại giao lớn của Việt Nam. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 32,3 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2016, tăng gần 2% so với năm trước. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 9-2016 được đánh giá thành công trên ba khía cạnh: Một là, tăng cường tin cậy chính trị; Hai là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, hiệu quả; Ba là, kiểm soát tốt bất đồng, ổn định tình hình trên biển.

Có thể khẳng định rằng, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa đã góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Các nỗ lực chính trị trong ba thập kỷ qua để trở thành một thành viên có uy tín trong cộng đồng quốc tế là một trong những thành tựu đáng tự hào của Việt Nam.

Trong một năm đầy biến động và bất ổn, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của mình. Những thách thức trong năm 2016 cũng đồng thời là cơ hội để Việt Nam nắm bắt thời cơ, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế. So với các khu vực khác, như Trung Đông, Bắc Phi…, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực tương đối ổn định, tập trung những nền kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện để thể hiện sự chủ động, tích cực hơn nữa, cũng như nâng cao vị thế đất nước.