Soi mình vào những công việc thường ngày, từ việc lớn đến việc nhỏ, để thấy những gì đã làm tốt và những gì còn non kém, tưởng đâu dễ dàng, nhưng không phải thế.
Sớm xuân nay, soi mình vào mây sáng, trời trong, bỗng thấy thiêng liêng mỗi ngọn nắng, nhành cây trên dải đất thiêng liêng nguồn cội, dải đất quật cường, gan góc, từng bao phen binh lửa, bão giông.
Ðiều gì đã làm nên sức mạnh Việt Nam? Câu trả lời đầu tiên là sức mạnh trong máu thịt của một dân tộc mà mọi con dân sinh ra từ bọc trứng Mẹ Âu Cơ. Lòng yêu nước, trí tuệ Việt Nam kết tinh từ truyền thống là con đường lớn đưa dân tộc chúng ta tiếp bước trường kỳ lịch sử, thắng thực dân, phong kiến hàng nghìn năm đô hộ, thắng giặc ngoại xâm dù chúng có sức mạnh vật chất, vũ khí mạnh hơn gấp bội. Nhưng cuối cùng kẻ mạnh không phải là kẻ có nhiều tiền của, xe tăng, tàu chiến, máy bay và nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. Kẻ thù đã khuất phục dân tộc ta bởi sức mạnh của văn hóa, trí tuệ, mà tiêu biểu là đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Một dân tộc đã viết nên những bản Tuyên ngôn bất tử: Nam quốc sơn hà, Cáo Bình Ngô, Tuyên ngôn Ðộc lập... dân tộc ấy nhất định sẽ chiến thắng!
Sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ nhân dân vĩ đại, nhân dân anh hùng. Và sức mạnh của nhân dân lại được kết tinh từ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó, "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Sử cũ chép rằng, trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, tháng 1-1258, quân giặc sau khi tiêu diệt nước Ðại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc như chẻ tre. Quân Ðại Việt bị đánh lui, vua Thái Tông gấp rút rời Thăng Long xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Người em lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ "Nhập Tống" vào mạn thuyền, ý khuyên vua nên nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Ðộ, ông bình tĩnh trả lời: "Ðầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!".
Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc luôn ngời sáng lòng dân yêu nước thương nòi, khi đất nước lâm nguy thì muôn người như một, không chỉ con trai ra trận mà "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "còn cái lai quần cũng đánh". Một thành mười, mười thành trăm, cả dân tộc kết lại "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", làm nên những Ðiện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - những Chi Lăng, Bạch Ðằng,
Ðống Ða trong thế kỷ hai mươi.
Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của lòng Dân-ý Ðảng. Ngọn đèn sáng soi của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong 85 năm qua gắn liền với những chiến công vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðảng của chúng ta được đồng bào, đồng chí gọi bằng cái tên thân thiết, "Ðảng ta muôn vạn công nông/ Ðảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin" (Tố Hữu).
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mỗi độ xuân về là lúc chúng ta kỷ niệm ngày ra đời của Ðảng. Xuân là khi kết thúc những ngày giá rét. Xuân là mới, là trẻ, là vui. Nguồn sức xuân của Ðảng hòa quyện trong mạch nguồn sức mạnh to lớn sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta.
Năm 2015, toàn Ðảng ta tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng. Ðại hội XII sẽ nhìn lại chặng đường năm năm qua, bàn kế sách cho chặng đường phía trước, và tổng kết 30 năm đổi mới đất nước. Ðây là những công việc đại sự. Trong những công việc to lớn và hệ trọng ấy, việc đổi mới, chỉnh đốn Ðảng gắn liền với vận mệnh đất nước và sự sống còn của Ðảng. Có thể nêu những con số tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát, tổng kim ngạch xuất khẩu, bình quân lương thực đầu người... để minh chứng cho sự chuyển mình "trong mơ" ấy. Nhưng chỉ riêng nói về hạt gạo, đủ thấy người dân xứ sở này đã làm nên kỳ tích, từ chỗ lúc nào cũng canh cánh lo "cái ăn" cho xã hội, nhiều năm nay đã xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Ðến bây giờ, chỉ có điều trăn trở lớn là làm sao cho những người chân lấm tay bùn giàu lên từ hạt gạo, từ đồng đất quê mình?
Thành tựu là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng cũng có người bàn, dịp tổng kết 20 năm đổi mới (2006) Ðảng đã nhận định rồi. Mười năm qua, ngọn gió đổi mới liệu còn giữ được cường độ ấy? Hay là đã đứng im? Thậm chí có những việc thụt lùi? Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII mới đây rung chuông báo động về tình trạng nợ công, nợ xấu, hai khoản "song nợ" đã sắp chạm ngưỡng an toàn. Phát triển nhanh phải đi liền với phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Thời nào cũng phải nhớ điều "khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc". Sinh thời Bác Hồ nói giản dị hơn "Dân dĩ thực vi thiên" (Dân lấy cái ăn làm trời). Ðương nhiên, thời nay không còn lo thiếu đói, nhưng điều mong muốn cháy bỏng của người nông dân là làm sao bán được nông sản, thực phẩm, chấm dứt cái điệp khúc dài dài "mất mùa giá lên, được mùa rớt giá". Mấy năm nay tại các hội nghị, hội thảo, người ta nói nhiều về "chuỗi giá trị", những là "chuỗi" trong sản xuất, trong liên kết làm ăn, trong tiêu thụ sản phẩm; những là tỷ giá cánh kéo giữa vật tư, nguyên liệu và giá gạo, giá mía, rau, hoa quả... Nhưng về đến chợ quê thì xem ra còn đìu hiu lắm, những "chuỗi", những tỷ giá còn mênh mông, xa vời lắm. Hình như đâu đó, đường lối thì rõ, đường đi thì chưa, như nhà nông ta thường nói.
Như nhà nông ta thường nói, ý Ðảng-lòng Dân đã gặp nhau ở những điều căn cốt, là xây dựng nhà ta giàu, làng ta đẹp, nước ta mạnh. Nhưng vẫn còn nhiều chuyện phiền lòng trong từng việc, từng khâu, từng thời gian, từng bộ phận cán bộ, đảng viên, khiến niềm tin nơi dân vơi cạn. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, về xây dựng Ðảng đã chỉ rõ những căn bệnh nặng nề trong bộ máy của Ðảng, Nhà nước, những căn bệnh phổ biến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền. Chúng ta đã thực hiện những giải pháp đồng bộ, nhất là giải pháp kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, nhưng nạn tham nhũng, quan liêu, cơ hội, thói đạo đức giả gắn liền với lợi ích nhóm vẫn chưa giảm, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Vẫn còn quá nhiều cán bộ, đảng viên chỉ nói mà không làm, "nói như quả núi, làm như hòn cuội". Anh cao giọng nói về đạo đức nhưng ở anh thiếu một việc làm gương mẫu, điều mà cách đây gần 200 năm Cụ Tam Nguyên Yên Ðổ Nguyễn Khuyến đã viết "chỉ cốt túi mình cho nặng chặt/trăm năm mặc kệ tiếng chê khen". Anh tuyên chiến rất mạnh với chống tham nhũng, nhưng phía sau anh là những ngách nhỏ, sân sau, những đệ tử sẵn sàng cắt cho anh khoản phần trăm béo bở từ các dự án. Anh nói về tấm lòng, đạo đức người cộng sản, về chỗ đứng "người đầy tớ" rất xuôi, nhưng lại chìa tay ngược cho ai đó chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy tuổi... Cái khó trong đấu tranh phê bình là thế. Ðó là kẻ thù luôn giấu mặt, hoặc mang một khuôn mặt khác.
Ðảng ta, Dân ta đã thấy rõ những thiếu sót, khuyết điểm. Và gần bốn năm qua chúng ta đã dốc sức cho công việc hệ trọng đổi mới, chỉnh đốn Ðảng. V.I. Lê-nin từng chỉ rõ: "Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại; vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình; và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình". Còn Bác Hồ căn dặn chúng ta: "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Ðã thấy rõ những nguy cơ của một Ðảng cầm quyền. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta cần một giải pháp lớn, giải pháp của các giải pháp là gì?
Ðổi mới và sáng tạo là con đường đi lên của đất nước, của Ðảng ta. Hết thảy mọi sáng tạo phải được đặt trên một cái nền văn hóa lớn, một cốt cách dân tộc nhân nghĩa, thông minh, tài trí. Dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân sẽ cho chúng ta giải pháp lớn, đưa đất nước đi lên, vượt qua mọi chông gai, làm nên những mùa xuân mới.
Năm 2015, toàn Ðảng ta tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng. Ðại hội XII sẽ nhìn lại chặng đường năm năm qua, bàn kế sách cho chặng đường phía trước, và tổng kết 30 năm đổi mới đất nước. Ðây là những công việc đại sự. Trong những công việc to lớn và hệ trọng ấy, việc đổi mới, chỉnh đốn Ðảng gắn liền với vận mệnh đất nước và sự sống còn của Ðảng.