Đề xuất cần thiết quy định không gian chiều cao ở đô thị

|

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 điều. Dự thảo luật đề cập một số điểm mới như tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước…

Dự thảo sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ 7, vào tháng 5-2024.

Nêu ý kiến tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề cập tới nội dung “tái thiết đô thị”. Theo ông, cần làm rõ nội dung này. “Tái thiết đô thị là bỏ cũ, xây mới, cơi nới hay làm mới, đô thị cổ, cũ, xuống cấp, không đạt chuẩn làm lại, hay do thiên tai, địch họa phải tái thiết... Cần giải thích từ ngữ đối với nội dung này”, ông Ngô Sách Thực nêu ý kiến.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực

Mặc dù dự thảo luật đã bổ sung khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, nhưng theo ông Ngô Sách Thực, rất cần thiết quy định không gian chiều cao. Ở nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lý thuyết “không gian sinh lời”. Thực tiễn, nhiều khu đô thị ở nước ta phải khống chế chiều cao của các công trình. Nhiều khu dân cư mật độ nhà cao từ 30 đến 50 tầng, rất dày, nên nếu không có quy định rất khó xử lý vi phạm.

Ông Ngô Sách Thực cũng cho rằng, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chỉ bổ sung nguyên tắc “không phá vỡ quy hoạch chung, bảo đảm môi trường, cảnh quan” là chưa đủ. Vừa qua nhiều khu đô thị thay đổi phân khu, chức năng, cốt đường tạo ra thiệt hại, bức xúc trong nhân dân, do đó cần phải quy định trách nhiệm nếu điều chỉnh sai, gây thiệt hại cho người dân; cần có quy định chặt chẽ về thay đổi quy hoạch và hệ quả pháp lý.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Nêu thực tế, việc thực hiện quy hoạch thường xảy ra những bất cập trong thi hành, chấp hành, xảy ra tranh chấp có một phần do luật không quy định về vai trò của nhân dân và MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng quy hoạch ở đô thị và nông thôn, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất trong dự thảo luật cần quy định cụ thể MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia xây dựng, góp ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư giám sát hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, thu hồi, đền bù đất đai, nhà ở và tài sản của công dân trong quy hoạch đô thị và hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.