Nhiều mô hình kinh tế lâm nghiệp ở Điện Biên hiệu quả

|

Nhận thấy thuận lợi từ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp sinh trưởng các loại cây dược liệu, như: sa nhân, thảo quả… nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên đã chủ động mua cây giống để trồng dưới tán rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh có 89 mô hình trồng cây sa nhân, thảo quả do các cộng đồng bản, các hộ gia đình ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên trồng dưới tán rừng; tổng diện tích hơn 250ha. Việc phát triển các mô hình này đem lại lợi ích kép cho chủ rừng, bởi ngoài được chi trả công chăm sóc, bảo vệ rừng từ dịch vụ môi trường rừng thì các chủ rừng có có thêm nguồn thu từ thu hoạch sa nhân, thảo quả.

Mường Chà là huyện có nhiều cộng đồng bản, hộ gia đình thực hiện thành công mô hình trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng. Do vậy, triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Chà đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động đăng ký triển khai các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp, để chính quyền các xã chủ động kế hoạch thực hiện.