Khơi dòng thịnh vượng

|

Để tăng gia tốc cho nền kinh tế, Việt Nam cần phải tiến hành cùng lúc và nhịp nhàng hai yêu cầu lớn, vừa cải cách kinh tế trong nước, vừa hội nhập quốc tế hiệu quả. Những diễn biến trong các mối quan hệ quốc tế đang cho thấy những lực cản mới trong xu thế hội nhập toàn cầu, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Nhưng, đà chậm lại này, xét ra là khoảng lặng cần thiết để Việt Nam hoàn thiện cả về lý luận và chương trình hành động đối với việc cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bối cảnh mới, cách nhìn mới

Nhiều học giả tin rằng, các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những cam kết rất mạnh mẽ sẽ tạo nên động lực và sức ép cho quá trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam. Đó là một phần lý do có những người cảm thấy thất vọng khi tổng thống mới đắc cử Đô-nan Trăm (Donald Trump) tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP.

Song, thiết nghĩ, với nền kinh tế Việt Nam, sự mất đà của TPP, nếu có, lại có thể được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, như một động lực để kinh tế Việt Nam chọn được hướng đi dứt khoát, rõ ràng trong chặng đường hội nhập tới.

Chúng ta đứng trước đòi hỏi phải thúc đẩy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, để nhanh chóng đạt được mục tiêu thịnh vượng cho người dân, nhưng trên thực tế vừa qua, cứ 10 năm tăng trưởng, Việt Nam lại tụt đi 1% và xu hướng giảm dần vẫn còn đó. Nỗi lo tụt hậu so với các nước đã được nhìn nhận không còn là nguy cơ, nhưng quá trình cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng để tìm ra động lực tăng trưởng mới, vẫn diễn ra khá chậm chạp.

Và cũng đứng trước việc phải tìm lời giải cho hàng loạt câu hỏi như: Phải chăng các hiệp định thương mại tự do và cam kết hội nhập chưa tạo ra đủ áp lực cho cải cách trong nước?

Nhìn vào làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam thời gian qua cũng như xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, có thể thấy khu vực này đang là một động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng GDP. Thế nhưng, phải thẳng thắn, lý do chính họ đến là để tận dụng các lợi thế về xuất xứ, chi phí khi những cam kết của Việt Nam về hội nhập, tham gia kết nối với các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản…, có hiệu lực, chứ không hoàn toàn vì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam. Do đó, sự chuyển dịch này không phải thước đo chính xác về mức độ cải cách môi trường đầu tư trong nước.

Hơn thế, cũng cần phải đặt một câu hỏi - Liệu rằng, khi sự tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn lực đầu tư bên ngoài, nền kinh tế có rơi vào tình trạng bị chia cắt rõ nét giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; giữa khu vực thành thị và nông thôn hay không…? Câu trả lời là có, khi nhiều cơ hội được chỉ ra khi Việt Nam gia nhập WTO hay các cam kết thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu hay EU, dường như chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được…

Có thể thấy, nếu chỉ chờ những áp lực bên ngoài từ các hiệp định thương mại tự do tác động tới các kế hoạch cải cách nền kinh tế, chắc rằng, nền kinh tế Việt Nam khó có thể tạo nên những bước đột phá như kỳ vọng.

Đầu tháng 11-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng, một là về đổi mới mô hình tăng trưởng và hai là nâng cao hiệu quả hội nhập. Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Đó là hành trình chúng ta phải đi để thực hiện được mục tiêu đưa thứ hạng của nền kinh tế Việt Nam đạt tới quy mô lớn hơn nữa. Điều ấy, không chỉ tùy thuộc vào những hiệp định thương mại. Nhưng, vấn đề còn lại là cần đến sự sắp xếp lại tư duy để hiện thực hóa quyết tâm và đồng thuận trên.

Áp lực đổi mới phải từ bên trong

Phải khẳng định lại, trọng tâm của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là phân bố lại mọi nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đó. Nói một cách hình ảnh, nếu coi nền kinh tế là một hồ nước mang đến sự sống, nguồn lực đầu tư là dòng chảy về từ sông, suối, khe, lạch…, thì hồ nước chỉ thật sự có ích khi lòng hồ trong và sạch. Câu hỏi đang được đặt ra, sau giai đoạn 5 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế (2011-2015), liệu “hồ nước” kinh tế Việt Nam có còn chỗ cho các dòng chảy mới? Hay nói một cách khác, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2017 và những năm tới với hành trang như thế nào?

Nếu xét về đầu tư, chúng ta đang huy động đầu tư khá cao so với thông lệ, nhưng hiệu quả đầu tư chưa tương xứng. Với Trung Quốc, trong thời kỳ tăng trưởng nhanh từ năm 1991 đến 2003, tỷ lệ đầu tư trong GDP là 39,1%; tỷ lệ tăng trưởng GDP là 9,5% và suất đầu tư tăng trưởng là 4,1. Còn với thời kỳ tăng trưởng nhanh của Nhật Bản giai đoạn 1961-1970, mức tăng trưởng GDP là 10,2%, tỷ lệ đầu tư trên GDP chỉ là 32,6% và do vậy, suất đầu tư tăng trưởng chỉ là 3,2…

Quay lại với Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ đầu tư trên GDP là 31,8% nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ là 5,9%, do vậy, suất đầu tư tăng trưởng lên tới 5,39. So sánh giữa các nguồn lực đầu tư, thì hiệu quả đầu tư nhà nước có cải thiện chậm, hiệu quả thấp hơn. Trong khi đó, mức huy động qua ngân sách, bội chi và thâm hụt ngân sách đều ở mức cao dẫn đến mức nợ công cao và tăng nhanh.

Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất cao, đang ở mức khoảng 26-28% tổng đầu tư toàn xã hội. Cho đến thời điểm này, không thể phủ nhận vai trò của FDI trong công nghiệp ngày càng tăng, chiếm 50% trong công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu… nhưng nếu tiếp tục tăng theo cách ấy, sự lấn át của FDI tới các dòng vốn trong nước sẽ đáng báo động.

Thêm vào đó, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa cải thiện được hiệu quả hoạt động, thì khu vực tư nhân đang mất đà và hao hụt độ máu lửa trong kinh doanh. Sự gia tăng của số doanh nghiệp thua lỗ, số doanh nghiệp đăng ký và đóng cửa doãng ra về hai chiều, là những chỉ dấu cho thấy, nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế sẽ rất khó huy động thêm nguồn vốn.

Để khơi thông mọi nguồn lực tạo nên sự thịnh vượng cho quốc gia, quá trình cơ cấu lại cần xoáy vào việc phân bố lại nguồn lực. Nói đúng hơn là cần phải thay đổi cách thức phân bố nguồn lực. Bên cạnh đó là phải thiết lập các thị trường nhân tố sản xuất. Cụ thể, đó là vận hành hiệu quả thị trường đất đai, thị trường tài chính, tiến đến thay thế cơ chế hành chính xin - cho trong phân bố nguồn lực bằng cơ chế phân bố theo tín hiệu thị trường.

Chúng ta cũng cần thực thi tái cơ cấu khu vực nhà nước chứ không chỉ là doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, trọng tâm phải là xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, phải để hệ thống tài chính được vận hành đúng chức năng. Đặc biệt, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng không thể cứ đi bên rìa của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương như lâu nay. Thay vào đó, nó phải trở thành mục tiêu của kế hoạch này.

Đã đến lúc, chúng ta không thể không thay đổi tư duy, cách thức thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng. Bởi, chỉ có vượt lên lợi ích cục bộ của ngành, địa phương thì nền kinh tế Việt Nam mới vượt qua được ngưỡng quy mô nhỏ để đạt được giấc mơ thịnh vượng…

Nguyễn Đình Cung

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương