Thành viên mới của Câu lạc bộ mười nghìn tỷ
* Thành Châu, Minh Thư
Ðột phá từ thu hút đầu tư
Năm Giáp Ngọ ghi dấu bước "phi mã" của Hà Tĩnh khi tổng thu ngân sách đạt gần mười hai nghìn tỷ đồng. Nói về con số đầy ấn tượng này, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Ðến lúc này, tỉnh đã cơ bản về đích trước một năm các chỉ tiêu chủ yếu của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2011-2015).
Nếu nhìn ngược về bốn năm trước, Hà Tĩnh chỉ thu ngân sách được hơn một nghìn tỷ đồng, thì khép lại năm 2014, thu ngân sách đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với năm 2013 và hơn 10 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thành công lớn nhất của tỉnh chính là việc đã viết tên mình vào bản đồ thu hút đầu tư một cách hiệu quả. Theo Trưởng ban Quản lý KKT Hà Tĩnh Hồ Anh Tuấn, tại KKT Vũng Áng, có gần 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đăng ký 22 tỷ USD. Năm 2014, KKT Vũng Áng đã giải ngân được 3,2 tỷ USD.
Hà Tĩnh trở thành "đất lành" với ba trong số bốn nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Chưa dừng ở đó, "đại gia" thứ tư - Xin-ga-po cũng đã lên chương trình cho những động thái xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.
Chiến lược đa mũi nhọn
Tập trung đột phá phát triển công nghiệp, Hà Tĩnh đồng thời dành hàng trăm tỷ đồng để "kích cầu" hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất... cho nông nghiệp, nông thôn. Cùng với công tác quy hoạch, Hà Tĩnh đã công bố 13 sản phẩm chủ lực (cây, con) để khuyến khích đầu tư. Ðó chính là thể hiện sự lo lắng một cách căn cơ, để tái cơ cấu kinh tế hợp lý và bền vững, tránh cảnh "tỉnh giàu, dân nghèo".
Nhờ kích cầu hỗ trợ vốn đầu tư và chính sách đúng về liên kết hóa, doanh nghiệp hóa, đã tạo sự hấp dẫn, để người dân từ vùng đồng bằng đến miền núi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hà Tĩnh có 5.556 mô hình sản xuất cho doanh thu từ 100 triệu đồng lên hàng chục tỷ đồng/năm. Ðây là hạt nhân để xây dựng thành công nông thôn mới, với 26 xã "về đích" nông thôn mới trong năm qua, trở thành một trong ba tỉnh dẫn đầu phong trào này trên toàn quốc.
Theo đánh giá của đồng chí Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, mức thu nhập GDP tính theo đầu người của tỉnh cao so với khu vực, nhưng đang thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bằng chiến lược đa mũi nhọn, Hà Tĩnh chú trọng phát triển công nghiệp, đi đôi ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và tạo môi trường thuận lợi cho đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ... "Ðòn gánh" miền trung đầy khó khăn đang thoát nghèo, bằng những nỗ lực tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hà Tĩnh xác định tập trung đột phá vào công nghiệp, đồng thời dành ưu tiên cho nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... Ðây là định hướng phát triển bền vững, tránh cảnh "tỉnh giàu, dân nghèo".
Thắp sáng "vệ tinh"
* Kiến Giang
Khi Samsung đẩy mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam đạt con số ấn tượng 12,6 tỷ USD, những tưởng sẽ mang đến không ít cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước với vai trò "vệ tinh" cho thương hiệu lớn này. Nhưng tính đến đầu năm 2015, trong số 97 doanh nghiệp vệ tinh chỉ có bảy doanh nghiệp Việt Nam. Thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản - Canon, kể từ khi thành lập hồi năm 2001 đến nay, tình hình thu hút "vệ tinh" từ doanh nghiệp bản địa cũng chẳng khá hơn.
Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không thể trở thành "vệ tinh" của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)? Có một thực tế khác, theo lời chia sẻ của người trong cuộc - ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HÐQT Công ty ô-tô Trường Hải (Thaco). Ðó là, khi các "đại gia" nước ngoài vào Việt Nam đều kéo theo các nhà sản xuất ruột của mình. Do đó, muốn chen chân được vào mạng lưới này, cần có cơ chế để các doanh nghiệp vệ tinh FDI kia liên kết và hợp tác với doanh nghiệp trong nước theo hướng chuyển giao công nghệ mới. Ðiều này sẽ tạo lối ra và đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Giám đốc CTCP Nhựa Hà Nội Bùi Văn Nam chỉ ra thực tế: "Các công ty lớn vào Việt Nam có những chính sách đặc thù riêng cho các vệ tinh từ nước họ theo sang. Ðơn cử như các doanh nghiệp Việt Nam thường được yêu cầu giảm giá hằng năm là 5%, nhưng doanh nghiệp vệ tinh FDI thì không, thậm chí còn được ưu ái về giá cao hơn. Chưa kể, có những ông lớn nước ngoài đưa ra chính sách chỉ mua hàng qua trung gian". Còn nhớ, để trở thành nhà cung cấp của Honda Việt Nam, từ năm 1997, CTCP Nhựa Hà Nội phải trải qua nhiều cuộc khảo sát, đánh giá về tiêu chuẩn hệ thống, trình độ quản lý, cơ sở vật chất ban đầu và tái đánh giá các năm sau. Nhưng không có nhiều doanh nghiệp nội đủ sức và đủ kiên trì để đeo đuổi sự nghiệp làm "vệ tinh" như Nhựa Hà Nội.
Theo Bộ Công thương, khoảng cách giữa khả năng các doanh nghiệp cung ứng nội địa với các doanh nghiệp FDI hiện rất lớn, bởi gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự thất thế của doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi mang tên "công nghiệp hỗ trợ" còn đến từ thực tế chưa chủ động được vật liệu đầu vào cơ bản khiến việc có được lợi thế về giá thật vô cùng khó khăn. Vậy nên, mới nói, dù có được "đá trên sân nhà" đi nữa, thì với hầu hết doanh nghiệp muốn khai phá thị trường sản phẩm hỗ trợ, đường xa còn lắm gập ghềnh...
Xét đến cùng, một khi xác định công nghiệp hỗ trợ là mũi nhọn, sẽ cần tới không chỉ những ưu đãi đầu tư trong ngắn hạn, mà dài hơi hơn, là một chiến lược bài bản cho một ngành đầy tiềm năng nhưng vẫn non trẻ này.
OCOP Quang Ninh
* Quang Thọ
Từ "nâu" sang "xanh"
Với bước đột phá chuyển từ "nâu" sang "xanh" trong tăng trưởng kinh tế, các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang thể hiện sự quyết tâm trong xây dựng những thương hiệu sản phẩm "Made in Quảng Ninh" có "chỗ đứng" ở thị trường trong và ngoài nước.
Khởi sự từ cuối năm 2013, chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (còn gọi là OCOP), đặt mục tiêu sẽ hình thành các tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu để phát triển, thương mại hóa các sản phẩm truyền thống. Chạm thềm năm mới nhìn lại, OCOP ở Quảng Ninh đã đi được chặng đường ban đầu đầy khó khăn, để "ngấm" đến từng người làm ra sản phẩm và trở thành "bà đỡ" cho những thương hiệu sản phẩm đã "bén duyên" thị trường.
Trong không gian ngát hương chè Ngọc Thúy, Ô Long, chị Hà Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh ở huyện Hải Hà, tâm sự về chặng đường từ một người thu mua các loại chè búp khô đưa sang Trung Quốc bán kiếm lời cho đến khi ý thức mạnh mẽ về việc tạo nên dòng sản phẩm chè trên đất mình. Chị Quỳnh bảo: Vào thời điểm này, OCOP đúng là chuyện thời sự. Ðược hỗ trợ từ OCOP, người dân quê tôi có thể làm giàu từ cây chè sạch.
Nếu đến xã Việt Dân, huyện Ðông Triều, OCOP là sản phẩm na dai. "Nghệ nhân" Phạm Thanh Tịnh - người đã dày công tìm ra cách thụ phấn giúp cây sai quả, tăng vụ thu hoạch. Nhờ đó, người trồng thu được 200 triệu đồng/ha, gấp 10 lần trước đây. Hưởng ứng OCOP, bác Tịnh làm tổ trưởng phụ trách sản xuất na dai sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2013, sản phẩm na dai sạch đã được Sở Khoa học và Công nghệ trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể na dai Ðông Triều. Từ khi thực hiện OCOP, việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm trở nên dễ dàng và khả thi hơn với người nông dân.
Chiến lược dài hạn
Xác định, OCOP là một chương trình dài hơi, Quảng Ninh nỗ lực phát triển mở rộng con số 30 đơn vị đăng ký tham gia với 65 sản phẩm. Qua rà soát, tỉnh đã chọn 34 sản phẩm thuộc sáu nhóm: Thực phẩm và đồ uống, thảo dược, trang trí nội thất và lưu niệm, dịch vụ, vải, may mặc. Một số sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, hàng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu. Có năm nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu chứng nhận và ba chỉ dẫn địa lý nhận được văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có lô-gô, bộ nhận diện sản phẩm được phê duyệt. Từ việc triển khai OCOP, Quảng Ninh hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Một tín hiệu vui cho thấy bước chuyển biến của mô hình tăng trưởng là nhiều doanh nghiệp chuyển từ đầu tư công nghiệp, xây dựng sang đầu tư vào nông nghiệp. Rồi sự xuất hiện của mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch khá hiệu quả. Một số doanh nghiệp trong nước và quốc tế muốn tham gia đầu tư vào nông thôn theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất như Nhà máy chế biến nông sản Ðông Triều. Cũng trong năm nay, các địa phương sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã đăng ký và đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng những đơn hàng lớn. Từ đó đưa chương trình OCOP vào hợp tác du lịch với tỉnh U-đon Tha-ni (Thái-lan), Luông-pha-bang (Lào), Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Thực tế chứng minh, OCOP là một hướng đi hiệu quả để nhân lên giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Giá trị ấy không chỉ dựa vào những di sản "trời ban", mà bằng cả sự sáng tạo, công sức của những người con ở nơi đầu tàu kinh tế vùng đông bắc Tổ quốc.
Cơ hội khi gió đảo chiều
* DOÃN TRƯỜNG
Ba năm làm nên kỷ lục
Ðối với một quốc gia từng trải qua thời gian dài nhập siêu cao, việc năm 2014 trở thành năm thứ ba liên tiếp xuất siêu quả là một "liều thuốc tinh thần" quý. Ðiều ấn tượng chính là mức tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt trên 10%.
Niềm vui dẫu đầy vẫn có dự cảm về nguy cơ nền kinh tế mất cân đối, khi mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến hai phần ba con số xuất siêu do được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Hãy thử điểm qua các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, không khó để nhận thấy thực trạng phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ... Trung Quốc. Do vậy, chính các doanh nghiệp Trung Quốc đang được hưởng lợi từ xuất siêu của Việt Nam. Lỗ hổng của một nền sản xuất trong nước còn yếu kém và thiếu tự chủ rõ ràng cần sớm được lấp đầy.
Lựa chọn chính sách
Ngay sau khi Việt Nam lập kỷ lục xuất siêu năm thứ ba liên tiếp, Bộ Công thương đưa ra dự đoán, năm 2015 nền kinh tế có thể trở lại nhập siêu. Với mức dự kiến từ 6 tỷ đến 8 tỷ USD. Lập luận của bộ này chính là, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đã đạt đỉnh và khó có thể duy trì được mức cao như vài năm qua. Quan trọng hơn, thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường lớn và thực hiện đầy đủ hơn các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)... Với hàng loạt chính sách miễn thuế, chính sách đầu tư thông thoáng, dịch vụ mở cửa, doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam từ đó sẽ có nhu cầu lớn nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất..., tạo sức ép lên nhập khẩu.
Bình luận về khả năng nhập siêu trở lại, nhiều chuyên gia cho rằng, trong "nguy" lại có "cơ". Lúc này, định hướng chính sách sẽ buộc phải lựa chọn một cách quyết liệt giữa hai con đường: Tập trung hơn nữa cho thu hút FDI, chấp nhận trở thành một quốc gia gia công trong khi vẫn chưa thể kiểm soát được sự "lỗ - lãi" của các doanh nghiệp này. Hoặc quyết tâm làm chủ cuộc chơi. Tập trung đầu tư, tăng sức mạnh của doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng tính chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập, thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước, tìm kiếm cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Ðó là con đường để xuất siêu mang tính thực chất, hiệu quả và bền vững hơn. Hiển nhiên, khi ấy "thành tích" xuất siêu sẽ là niềm vui trọn vẹn.
Nhập siêu trở lại là tín hiệu tích cực về việc gia tăng đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Và hơn cả là tạo nên sức ép để doanh nghiệp trong nước gia tăng sức mạnh, làm chủ cuộc chơi.
Dùng hàng Việt không chỉ là yêu nước
* Hồng Lâm, Ðại Ðồng
Từ nhiều góc độ, có thể nói chưa bao giờ tâm lý "chuộng hàng Việt" lại "lên ngôi" như vài năm nay. Bà Mai Thị Hà, cán bộ Hội Phụ nữ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh nhớ lại, khi cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, ban đầu, cả bốn thành viên trong gia đình không có ấn tượng gì. Thế nhưng, đến giờ, gia đình bà trở thành "mối ruột" của hàng Việt. "Cái hay là, hơn 300 phụ nữ của khu phố nơi gia đình tôi cư ngụ, gần như 100% đều chọn hàng Việt để mua sắm"- bà Hà cho biết thêm.
Còn chị Trần Thị Tuyết Mai, cán bộ Trường ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thì nhận mình "nghiện" hàng Việt. Từ góc độ của người làm kinh tế, bà Hoàng Thị Mỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Mai Trần (quận Bình Tân) tính toán, nếu hàng Việt có mức giá cả cạnh tranh hơn nữa thì nhiều loại hàng nhập khẩu sẽ không còn chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Ðể khiến người tiêu dùng tin và yêu hàng Việt, dĩ nhiên không thể không nói đến sự nhập cuộc của doanh nghiệp với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - Phạm Thị Huân, hào hứng: "Mỗi lần tham gia cuộc vận động thông qua các chương trình bán hàng bình ổn, phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn..., tôi đều trực tiếp có mặt tại hiện trường "nghe cho đầy hai lỗ tai" để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.
Tổng công ty Máy Ðộng lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam từ chương trình bán máy móc, thiết bị cho nông dân trả chậm, hỗ trợ lãi suất, mà sản lượng tăng trưởng mạnh.
Sự thành công trong chặng đường chinh phục trái tim người tiêu dùng Việt còn phải kể đến sự tiếp sức thiết yếu của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. 19 năm qua, Hội đã thu hút hơn 2.000 thương hiệu Việt có thực lực tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, giúp 71% số người tiêu dùng quan tâm hơn đến hàng Việt và hơn 90% số người dân biết đến Cuộc vận động ý nghĩa nói trên. Hội còn hợp tác với các tổ chức nước ngoài để tìm cách đưa hàng Việt vươn xa đến nhiều thị trường ngoài nước.
Nhìn nhận khách quan, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo sự chuyển biến tích cực về tiêu dùng ở nước ta và có được sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Tại "đầu tàu" kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã giảm nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ 50 đến 70% so với trước, song vẫn tạo ra các sản phẩm được thị trường đón nhận. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Rạng Ðông Hồ Ðức Lam, phân tích: Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm sản xuất trong nước chính là góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Công ty cổ phần phân bón Bình Ðiền thành công ở cả thị trường trong và ngoài nước, lại có bí quyết đơn giản - muốn cạnh tranh, chất lượng phải vượt trội. Ðiều ấy tưởng như đương nhiên và đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi tâm huyết thật sự từ mỗi doanh nghiệp.
Năm 2015, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, một khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN mở cửa. Muốn sống còn trên sân nhà, doanh nghiệp cần chiến lược để tâm lý "chuộng hàng nội" bén rễ sâu hơn trong thói quen tiêu dùng của người Việt.
Nhiều sản phẩm của các địa phương tỉnh Quảng Ninh thu hút sức mua của người dân và du khách.
5 năm qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thành công vượt ra ngoài khuôn khổ của một phong trào. Khi niềm tin trở lại với người tiêu dùng, cũng là lúc cơ hội rộng mở hơn với thương hiệu Việt.