Giao thông đi trước mở đường, khu công nghiệp tạo lực đột phá
Sau ngày tái lập tỉnh, kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương quyết tâm vượt qua thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Nhằm phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp tập trung nhằm đi trước mở đường tạo động lực phát triển.
Trong điều kiện còn khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề ra những quyết sách tạo đột phá nhằm huy động nguồn lực để phát triển. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông được Bình Dương thực hiện rất sớm từ năm 1997, thông qua việc đầu tư theo hình thức BOT, tỉnh đã giao Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 13. Công trình có chiều dài 62km với 6 làn xe nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay) đã tạo động lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển. Từ thành công của Quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội hóa đã góp phần đánh thức các vùng đất tiềm năng như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo lực thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá.
Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương. |
Chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương và công nghiệp hóa làm đòn bẩy phát triển. Huy động nguồn lực xã hội hóa, nhất là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore được hợp tác với đối tác từ Singapore phát triển, đã lan tỏa thúc đẩy nhiều khu công nghiệp mới tại Bình Dương ra đời. Nếu năm 1997, tỉnh Bình Dương có 7 khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 1.500 ha thì đến nay, tỉnh đã có 29 khu công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, thị, thành phố với diện tích 12.663 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%.
Nhờ hạ tầng khu công nghiệp thuộc hàng đầu của cả nước và hạ tầng giao thông thuận lợi, trong những năm qua thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Dương rất hiệu quả và tác động mạnh để kinh tế phát triển. Đến nay toàn tỉnh đã thu hút 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 706 nghìn tỷ đồng và 4.211 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 40,3 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 13 tỉnh, thành phố nước ngoài; tỉnh đã tổ chức thành công 4 kỳ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis. Tập trung phát triển đô thị theo hướng thông minh, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Bình Dương đã đạt hơn 84%; đặc biệt, Vùng thông minh Bình Dương 5 năm liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (SMART21); 3 lần liên tiếp vào danh sách Top7 Cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu và năm 2023, Bình Dương được vinh danh Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới của năm.
Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Mỹ Phước 3 ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. |
Năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và gấp hàng chục lần so với ngày tái lập tỉnh. Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người ước đạt 172 triệu đồng, tăng hơn 29 lần so với năm 1997; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh dịch vụ đạt ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng hơn 87,6 lần; thu ngân sách ước đạt 73.257 tỷ đồng, tăng gần 89,7 lần.
Mô hình đặc biệt của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Nguyên nhân làm nên sự thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương chính là sự đoàn kết, đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu vì dân giàu nước mạnh. Quá trình đó, nhờ nỗ lực to lớn của chính quyền địa phương trong việc phát huy tối đa các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đưa kinh tế Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. Với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tận dụng nội và ngoại lực để thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế công nghiệp. Đáng trân trọng trong quá trình phát triển kinh tế, nhân dân tỉnh Bình Dương biết nhìn xa trông rộng, chung tay vì lợi ích lớn lao, đồng thuận góp phần trong quy hoạch nhằm tạo nên hạ tầng những khu công nghiệp, hạ tầng những khu đô thị, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt,... làm nền tảng đột phá trên quê hương mình để tạo lực phát triển.
Sản xuất động cơ điện tại doanh nghiệp có vốn đầu tư Italia ở Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Mỹ Phước 3. |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã kế thừa những thành quả phát triển của tỉnh Sông Bé; tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng Bình Dương phát triển nhanh, bền vững, văn minh, giàu mạnh. Đến nay, sau hơn 26 năm nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả bước đầu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Quá trình này được tỉnh luôn bám sát và vận dụng một cách linh hoạt chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, không ngừng nỗ lực tạo lập và khai thác những tiềm năng, lợi thế, để kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân Bình Dương ngày càng được ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, hơn 25 năm qua tỉnh Bình Dương đã đạt thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội nhờ vận dụng sáng tạo cơ chế thị trường tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư tư nhân nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa. Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã liên tục thể hiện quyết tâm chính trị cao, đề ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời, cho phép phát huy lợi thế tự nhiên của địa phương bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, trong vùng phát triển kinh tế năng động. Bên cạnh đó, tỉnh đã kiên trì thực hiện chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư; Trải thảm đỏ chào đón trí thức”.
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Bình Dương. |
Tiến sĩ Cao Đức Phát cũng nêu rõ, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và hoạt động theo cơ chế thị trường hội nhập quốc tế một cách hiệu quả. Thông qua việc huy động vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trước hết là đường giao thông và các khu công nghiệp, nhờ đó môi trường kinh doanh cũng liên tục được cải thiện và Bình Dương luôn ở tốp đầu theo Chỉ số PCI; các khu công nghiệp của tỉnh được vận hành theo cách tiếp cận quốc tế, nhất là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore...
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, sự phát triển của tỉnh Bình Dương là một mô hình rất đặc biệt của Việt Nam trong kỳ thời đổi mới, thể hiện ở các khía cạnh:
Thứ nhất là sự phát triển của tỉnh chưa có tiền lệ và hoàn toàn mang tính sáng tạo bắt đầu xuất phát từ những yêu cầu đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân mà xuất hiện lên những sáng kiến rất là mới từ việc sử dụng đất đai, từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ việc thu hút phát triển các doanh nghiệp tại địa phương và những vấn đề liên quan giải quyết đời sống của nhân dân.
Thứ hai, thành công của tỉnh Bình Dương là tốc độ phát triển nhanh để mang lại sự đổi mới cho cả mảnh đất rất khó khăn, vốn là nghèo nhưng chỉ trong vòng hơn 25 năm mà quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng gấp gần 120 lần, thu nhập của người dân tăng lên 29 lần. Đấy là điều kỳ diệu của tỉnh đã thúc đẩy đưa địa phương trở thành một trong 5 tỉnh, thành có thu nhập đầu người cao nhất trong cả nước.
Thứ ba, đặc trưng của Bình Dương là sự phát triển chung của tỉnh gắn liền với đời sống của người dân với mục tiêu tối thượng mà Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn mong muốn nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho người dân. Đó là sự phát triển kinh tế gắn liền với cải thiện đời sống nhân dân và người dân được quyền hưởng thụ tất cả những thành tựu phát triển của tỉnh nhà.