Đừng bỏ phí mỏ vàng vì... đi ngủ sớm!

|

“Khi mặt trời lặn ở Hà Nội cũng là lúc Tạ Hiện lên đèn. Nếu bạn muốn thực sự hòa mình vào nhịp sống của thành phố quyến rũ này, đặc biệt là tìm hiểu văn hóa của người dân, hãy đi bộ vào những con ngõ nhỏ, ngồi ghế đẩu và gọi một cốc bia”. Đó là lời mở đầu trong video clip mà CNN Travel giới thiệu về “phố Tây” Tạ Hiện - một trong những điểm nhấn ban đêm hấp dẫn nhất mà kênh truyền hình uy tín này khuyến nghị du khách nên trải nghiệm, khi đến Thủ đô Hà Nội. Chỉ tiếc số lượng những điểm đến hút khách như thế không nhiều. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định: du lịch Việt Nam đang bỏ phí mỏ vàng với trữ lượng vô tận, chỉ vì thói quen đi ngủ quá sớm!

Mỏ vàng chờ khai thác

Theo thống kê, Việt Nam hiện đang đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên - văn hóa được UNESCO công nhận. Chỉ tính riêng lượng khách quốc tế, chúng ta đã đón tới 15,5 triệu lượt năm 2018 và phấn đấu đạt 18 triệu lượt khi năm 2019 kết thúc. Thế nhưng, tuy giữ vững đà tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây, lượng khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến vẫn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu). Không những thế, tuy khách quốc tế có thời gian lưu trú tại Việt Nam lâu hơn nhưng chi tiêu bình quân theo ngày ít hơn hẳn (96 USD/ngày), so với mức 330 USD/ngày ở Singapore và 115 USD/ngày ở Thái Lan. Cũng theo số liệu của Tổ chức Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), tổng đóng góp của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam chiếm 9,1% tỷ trọng GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch chỉ khiêm tốn chiếm 4,5%. Trong khi số liệu tương ứng của hai nước láng giềng Campuchia là 28,3% - 26,5% và Lào là 14,2% - 23,1%, dù họ chưa hề là những cái tên thành công trên bản đồ du lịch.

Đặc biệt, theo khảo sát của Tổng cục Du lịch thì trong vòng năm năm trở lại đây, từ 50 đến 60% mức chi tiêu chủ yếu của du khách tại Việt Nam là dành cho thuê phòng lưu trú và ăn uống. Chỉ có 7 đến 10% tổng chi phí chuyến đi được dành cho hoạt động tham quan kèm vui chơi, giải trí. Khỏi cần nhìn đâu xa, du khách quốc tế đang hào hứng mở hầu bao tới 60 - 70% chi phí tại Thái Lan và Malaysia cho chủ yếu là các hoạt động kinh tế đêm đặc sắc và hấp dẫn. Vì thế, có thể khẳng định vị thế đứng đầu trong Chỉ số thành phố điểm đến toàn cầu (GDCI) về thu hút du khách lưu trú qua đêm bốn năm liên tiếp mà Bangkok nắm giữ là minh chứng cho vai trò quan trọng của phát triển kinh tế đêm, như một đòn bẩy hữu hiệu kích thích tăng trưởng du lịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu vắng hoạt động ban đêm cuốn hút thực sự là sự lãng phí lớn cho ngành du lịch Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung bởi đó chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”. Đó cũng là lý do khiến số lượng du khách tới nước ta tuy tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch lại có tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó TGĐ Công ty lữ hành Saigon Tourist cho biết, “hằng năm, chúng tôi phục vụ trung bình hơn 300 nghìn lượt du khách đa quốc tịch đến tham quan Việt Nam, trong đó chủ yếu là hai loại hình: theo tour trọn gói và Free&Easy. Đối với khách chọn hình thức đầu, vì lịch trình tham quan gần như kín hết cả ngày nên mức chi tiêu của họ chủ yếu dừng lại ở việc mua sắm quà lưu niệm. Trong khi đó, đối tượng chọn Free & Easy lại là nguồn thu chính cho nền kinh tế đêm. Thực tế, buổi tối chính là khoảng thời gian mà du khách chi tiêu nhiều nhất cho vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện đang thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc những khu vực công cộng được phục vụ khách sau 24 giờ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của họ, vô cùng lãng phí”.

Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến TP Hồ Chí Minh, tuy thu hút tới 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 nhưng chỉ giữ chân họ ở lại được 2,6 ngày/người. Và Cần Giờ, vốn được kỳ vọng là điểm nhấn du lịch của thành phố năng động bậc nhất này cũng chỉ nhận về khoản chi tiêu ít ỏi 400 nghìn VNĐ/ngày của du khách. Thủ đô Hà Nội, vốn coi du lịch là ngành kinh tế lớn nhất cũng chỉ thuyết phục khách quốc tế chi tiêu từ 91,5 đến 113,5 USD/ngày, khách nội địa từ 60,5 đến 76 USD/ngày. Và thủ phủ du lịch Đà Nẵng, với bao nhiêu danh xưng, giải thưởng du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với bài toán nan giải, lượng du khách tăng nhưng chi tiêu bình quân, số ngày lưu trú và doanh thu dịch vụ đều giảm trong nửa đầu năm 2019.

Từ phát triển tự phát...

Nghịch lý lượng tăng - chất giảm của ngành du lịch vốn tồn tại nhiều năm qua đều xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu: thiếu vắng những sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn, đặc biệt mang tính giải trí về đêm. Đến Hà Nội, ngoài lang thang ở “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến hay hòa mình vào không gian đi bộ quanh Hồ Gươm hai đêm cuối tuần, ngoài thưởng thức múa rối nước tại Nhà hát Thăng Long hay xem show thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” cách trung tâm khá xa, du khách chỉ còn cách ngậm ngùi về khách sạn đi ngủ. Cho dù sở hữu nhiều di sản vật thể cũng như phi vật thể, nhiều làng nghề thủ công truyền thống cùng văn hoá ẩm thực vô cùng hấp dẫn, Hà Nội vẫn chưa thể thuyết phục du khách dừng chân, thay vì là trạm trung chuyển để khách nối chuyến tới Hạ Long, Ninh Bình... như xưa nay vẫn thế.

Đến TP Hồ Chí Minh, ngoài “À Ố Show” sáng đèn vài đêm, ngoài con phố đi bộ Nguyễn Huệ hay Bùi Viện - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão để tản bộ - uống bia và “chém gió”, du khách chẳng còn lựa chọn nào khả dĩ hơn. Đà Nẵng chỉ sôi động và thu hút lượng khách lưu trú kỷ lục trong khoảng thời gian diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF). Còn lại, sức hút của những Cầu Vàng, Bà Nà Hill, thế giới giải trí Cocobay... vẫn không thể níu kéo du khách chọn lựa nghỉ đêm tại đây, thay vì chạy xe vào di sản Hội An (Quảng Nam). Những thành phố du lịch khác còn nghèo nàn hơn, khi ngoài tản bộ dọc các khu phố Tây chạy ven đường Nguyễn Thiện Thuật - Trần Phú (Nha Trang), Phạm Ngũ Lão (Huế), ven bến Ninh Kiều (Cần Thơ)... hoặc mua sắm những mặt hàng giá rẻ chất lượng cũng rẻ trong các khu chợ đêm, khách chẳng biết giải trí gì cho đỡ phí thời gian. Doanh thu từ du lịch trong khung giờ từ 6 giờ tối tới 6 giờ sáng hầu như bị bỏ ngỏ.

Lý do chủ yếu khiến kinh tế đêm chưa phát triển còn nằm ở những mặt tiêu cực có thể phát sinh, như một hệ lụy tất yếu trong quá trình vận hành, hoàn thiện. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, kinh tế đêm còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược bài bản là do các địa phương còn nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý, thời gian hành chính, thu hút nhà đầu tư... PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) từng đưa ra ý tưởng tổ chức dịch vụ câu cá đêm để du khách trải nghiệm sông nước Tiền Giang từ năm 2007. Nhận thấy khách chỉ coi Tiền Giang là điểm nghỉ chân trong ngày rồi quay về TP Hồ Chí Minh nghỉ qua đêm, ông thấy quá lãng phí. Nhưng cái nhăn mặt của một lãnh đạo địa phương khiến ông ngạc nhiên, bởi vị này lo dịch vụ này dễ làm nảy sinh mại dâm trá hình, rất khó kiểm soát. Vì thế, cần thay đổi quan niệm kinh tế đêm đồng nghĩa với những địa chỉ kinh doanh nhạy cảm, luôn gắn liền với các tệ nạn xã hội - ông Thịnh nhấn mạnh. Đồng quan điểm với ông, TS Lương Hoài Nam cũng khẳng định, “kinh tế ban đêm không đồng nghĩa với các tệ nạn xã hội. Ngược lại, chính sự thiếu quan tâm đến việc tổ chức và quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm mới là cơ hội cho các loại tệ nạn, các loại kinh tế ngầm phát triển với rất nhiều hệ lụy”.

... đến những bước đi ban đầu

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị từng xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Nhận rõ vai trò đòn bẩy tăng trưởng và giúp tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam của định hướng phát triển kinh tế đêm, tháng 7-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế đêm hiệu quả của Trung Quốc. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm theo đúng chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, những tháng gần đây, các địa phương đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực, trong cả tư duy lẫn cách quản lý, vận hành để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đêm hiệu quả, lành mạnh và bền vững. Hà Nội dự kiến thí điểm phố đi bộ cả tháng, không chỉ dịp cuối tuần. Mở rộng biên độ hoạt động dịch vụ cho một số địa điểm đến 2 giờ sáng, giao quận Hoàn Kiếm xây dựng quy chế quản lý - hoạt động cho không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, cấp phép các sự kiện văn hóa tổ chức thường niên quanh hồ... là những đầu việc mà Thủ đô đang triển khai. Từ tháng 8-2019, Vinh đã có phố đêm Cao Thắng. Các hộ kinh doanh tại đây sẽ được thành phố hỗ trợ trong ba tháng đầu như miễn một số loại phí, thuế. Vũng Tàu cũng sẽ có phố đi bộ cùng khu dịch vụ du lịch vào ban đêm được quy hoạch trên trục đường Thùy Vân - Bãi Sau. Phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng bên sông Hàn (Đà Nẵng) sẽ hoạt động đều đặn từ 18 giờ đến 2 giờ sáng. Dự án “Sáng và Sống” đang được triển khai tại Huế nhằm tạo ra nhiều dịch vụ về đêm cho du khách. Quảng Bình xây dựng hai sản phẩm là khám phá Đồng Hới về đêm bằng xe điện và phố chợ đêm. Hạ Long đang có kế hoạch biến quần thể Bãi Cháy thành khu vui chơi giải trí sầm uất về đêm của cả tỉnh Quảng Ninh...

Về lâu dài, không dừng lại ở những sản phẩm quen thuộc (như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/7, bar - karaoke - vũ trường nhỏ lẻ...) như hiện nay, sự đầu tư bài bản của chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm sẽ là tiền đề để xây dựng những tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn, những show diễn nghệ thuật đậm sắc màu văn hóa bản địa, những lễ hội thường niên hoành tráng... Tất cả sẽ trở thành thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng cho du lịch nước nhà, để du khách luôn chọn Việt Nam như một điểm đến hàng đầu. Và khi đến rồi thì vui vẻ ở lại, vui vẻ chi tiêu ngày càng nhiều và vui vẻ làm giàu cho kinh tế du lịch. Tương lai ấy rất gần, chỉ cần chúng ta đừng bỏ phí mỏ vàng, đừng lưu giữ thói quen đi ngủ sớm!