Ấy vậy mà té ngửa. Rước dâu, vợ hắn 9X đời đầu, đẹp long lanh. Riêng cái nét thuần hậu, nết na là không son phấn nào làm phai phôi cho được.
“Thế vợ mày với... bình vôi có liên quan gì đến nhau không”, một ông bạn cắc cớ hỏi làm cả đám suýt sặc. Hắn lại gật đầu xác nhận. “Nhờ duyên bình vôi mà nên vợ, nên chồng đấy”. Kể ra, chuyện vợ chồng hắn cũng như duyên kỳ ngộ vậy.
Số là, Toàn sưu tập, trao đổi và sống khỏe nhờ cổ vật. Người buôn đồ cổ, ngoài việc kinh doanh ra thì còn là đam mê. Nhưng riêng với bình vôi, nếu không mua được thì hắn mất ăn, mất ngủ. Mà mua được rồi cũng mất ăn, mất ngủ vì... ngắm. Không ngờ, từ tập tục mang tính chất dân dã, ăn trầu đã được nâng lên thành nghệ thuật với bao nhiêu tuyệt tác kèm theo nó. Sang có đồ ăn trầu của sang, hèn có đồ ăn trầu của hèn. Tầng lớp giàu có, quý tộc cung đình thì dùng ngà, dùng ngọc, tầng lớp bình dân thì dùng gốm, dùng sành. Bao nhiêu thế hệ ăn trầu là có bấy nhiêu kiểu dáng, tất thảy đều độc đáo, phong phú, tinh xảo đến mức chỉ nhìn là không cưỡng lại được ham muốn sở hữu. Giờ, tục ăn trầu không thịnh hành như xưa, chỉ xuất hiện tại các làng quê. Chẳng biết nó còn tồn tại được đến bao giờ vì giới trẻ ngày nay ít ai mặn mà với miếng trầu, quả cau nữa. Vì thế, nghe tiếng ở đâu có bình vôi đẹp, lạ mà hắn chưa có, thể nào hắn cũng lặn lội tới bằng được. Có những lần lái xe thâu đêm, đến nơi, chiếc bình vôi bằng đồng dùng trong cung đình Huế xưa kia vừa bị bán mất, hắn tiếc đến mức đập đầu vào tường. Cũng có lần, chiếc bình vôi có quai cầm hình cá tiên tuột khỏi tay khi lưỡng lự trả giá.
Lần ấy, lặn lội ngót ba ngày mới tìm được vào bản người Tày ở tận Ba Bể, Bắc Cạn, hắn suýt ngất khi được nhìn thấy tận mắt chiếc bình vôi men ngọc quai hình con tôm có từ thời nhà Lý, thế kỷ 11-12. Thoạt nhìn hắn đã thấy có gì đó khiến mình rung động, run rẩy. Người đi mua bán sành sỏi, chả ai dại gì mà để lộ cảm xúc như vậy. Chủ nhân của chiếc bình, một ông lão sặc mùi rượu, người chỉ còn nắm xương còm cũng run không kém khi dứ dứ cho hắn xem. Nhìn thấy thái độ của hắn, ông già tinh quái phát ra cái giá mà theo hắn, không hề hời tí nào. Dù sao hắn cũng đã quyết mua. Hiềm nỗi, chưa kịp trả tiền, thì đã có tiếng thánh thót, nhẹ và thanh nhưng cũng khiến ông lão giật thót người.
- Bố...
Liền theo đó là một cô gái bước ra. Hắn ngẩn ngơ. Cứ như tiên giáng trần. Tiên nữ lướt đến bên ông bố, đoạt lấy chiếc bình vôi, mất hút sau tấm rèm thổ cẩm mà hắn vẫn đứng trân trân. Ông lão xoắn vặn hai tay, sau đó đập đập vào vai hắn. Hắn sực tỉnh. Lão nhắn nhủ:
- Thôi anh cứ về đi. Sáng mai đến đây. Cái con bé này... Nó trẻ người non dạ, anh đừng chấp.
Hắn ngủ nhờ trong bản. Hàng xóm kể, nhà ông lão không phải người ở đây. Họ vốn là người dưới xuôi. Cô con gái chào đời được hai năm thì bà mẹ mất. Ông lão ở vậy nuôi con nhưng vì hoàn cảnh túng quẫn lại thêm thương nhớ vợ, trở nên nghiện rượu nặng. Cô con gái thì đang học đại học ở Hà Nội, đang về nghỉ hè. À, hóa ra cô gái là người thật chứ không phải tiên giáng trần. Càng có cớ để ngày mai băng qua chiếc cầu tre kẽo kẹt, bên dưới là chân đồi với con suối sâu hun hút để leo vào nhà ông lão. Cô gái bước ra từ bếp, trắng ngần tươi trẻ, tương phản mạnh với khung cảnh già nua nghèo nàn. Mắt cô hoe đỏ, không biết do khói hay do khóc.
Thấy hắn, cô gay gắt:
- Ông đi đi. Chiếc bình vôi này là của tôi, bố tôi không có quyền bán.
- Đừng cố giữ nó con ạ.
Ông bố từ nhà bước ra, lấy tay đỡ ngực, ho một tràng dài. Cô gái cau mày, toan chạy đến đỡ bố nhưng ý chừng còn giận nên dùng dằng chưa muốn nhấc chân.
- Đấy bố xem, rượu vào nó thế đấy. Cái xà tích bạc bố đã bán mất rồi. Bố còn muốn nấu tan cái bình vôi của con thành rượu uống nữa hả?
Hắn quả có ngửi thấy mùi rượu.
Ông bố lập tức quay vào nhà, mang hẳn be rượu ra sân, đặt lên chiếc bàn đá. Ông vỗ vỗ xuống ghế. Chẳng có cách nào khác, hắn đành ngồi nhắm cùng ông lão. Luôn ba, bốn chén dốc cạn, liếc nhìn cô con gái giậm chân, giậm tay bất lực đã bỏ vào buồng, lão bắt đầu rề rà kể:
- Tôi nghèo kiết xác từ lúc thanh niên. Mẹ nó con nhà quyền quý. Phải lòng nhau nhưng chẳng ai tác thành. Tôi phải rủ bà ấy bỏ trốn. Lên hẳn rừng xanh núi thẳm, không ai tìm được mà làm phiền nữa. Rồi thì cuốc đất trồng sắn, khai hoang dựng nhà lập cửa. Bà ấy chịu khổ cũng giỏi. Lúc có bầu nó, chẳng có gì bồi dưỡng ngoài vài con cá suối kho khô. Đẻ nó trong căn nhà mưa gió dột nát, sức bà ấy yếu dần. Con bé cũng ốm đau quặt quẹo. Còn ít tiền giắt lưng mang theo, bà ấy dành để mua thuốc cho nó, còn mình thì nhờ bà con tìm tạm lá lẩu uống qua ngày. Năm nó hai tuổi thì bà ấy mất. Tôi gà trống nuôi con, cực khổ trăm bề. Cái bình vôi ấy, nó là của bà ngoại nó cho mẹ nó. Bà ngoại nó lại được cụ ngoại nó cho. Rồi cụ ngoại nó hẳn cũng được truyền từ nhiều đời lại. Họ đều đi làm dâu ở những gia tộc cao sang cả. Đến lượt mẹ nó thì rơi vào tôi. Tôi cứ nghĩ, chắc vượng khí của nó hết rồi. Tôi muốn bán phắt đi, không để cho con bé cầm theo khi đi lấy chồng. Chả may, số nó lại gặp phải ông chồng vô tích sự như mẹ nó...
Tiếng khóc từ buồng trong vẳng ra nức nở. Hắn não ruột đứng dậy. Không quên bỏ lại tấm danh thiếp dù nhìn quanh trong nhà chẳng thấy chiếc điện thoại nào.
Trở về ngôi nhà ngói cây mít ở Cẩm Nguyên, Toàn ngẩn ngơ mất cả tháng trời. Cứ đi ra lại đi vào, thở dài thườn thượt. Hắn ngắm đi ngắm lại “gia tài” bình vôi của mình. Vài trăm cái có lẻ. Thiếu chiếc bình vôi men ngọc quai hình con tôm có từ thời Lý ấy, tất cả những chiếc này liệu có ý nghĩa gì? Bà hắn lo lắng đến toát mồ hôi. “Mày bị bỏ bùa hay sao đấy hả con”? Có khi bị bỏ bùa thật cũng nên. Cô con gái ấy... Ở cái chốn thâm sơn cùng cốc ấy sao lại có lắm thứ quý giá đến nhường vậy. “Cháu bị bỏ bùa thật đấy bà ạ”, hắn úp mở trả lời.
Bẵng đi một thời gian, hắn tưởng không bao giờ còn có cơ hội nhìn lại chiếc bình vôi men ngọc thời Lý thì có một số điện thoại lạ gọi đến. Tim đập dồn, hắn linh cảm đó là một mối hàng lớn. Thì ra cô gái ở bản người Tày tít tận Bắc Cạn đã quyết định bán chiếc bình vôi cho hắn. “Để lấy tiền chữa bệnh gan cho bố”, cô nói như thanh minh. Hắn mừng suýt rụng tim. Vừa mua được đồ quý lại được gặp lại người đẹp. Song, chưa kịp khăn gói lên đường thì lại thấy một số điện thoại lạ nữa. Giọng cũng hụt hơi, thều thào, van nài. Đó là ông bố cô gái. Ông xin hắn đừng mua chiếc bình vôi ấy. Ông gần đất xa trời rồi, không cần phải chữa chạy gì cả. Cứ để nó làm của hồi môn cho con, giữ để phòng thân, lúc nào cần kíp lắm mới bán. Hắn chả dám hứa gì, ậm ừ cho qua chuyện.
Suốt đường đi đến điểm hẹn ở gần trường cô gái, hắn không khỏi có những băn khoăn. Không hiểu có chuyện gì ám muội không? Đầu tiên thì ông bố đòi bán, cô con gái kiên quyết phản đối. Giờ lại là cô con gái muốn bán, ông bố nhất định không cho. Cứ như là trong phim. Hắn xem lại chiếc bình vôi lần nữa. Vẫn đúng là chiếc ấy, không phải đồ giả.
- Nhưng chắc phải điều chỉnh thêm chút về giá cả...
Cô gái nói. Hắn nheo mắt nhìn thẳng, chỉ thấy cô gái đỏ bừng mặt, cúi đầu.
- Là bao nhiêu?
- Dạ, gấp đôi giá bố em đưa ra.
Hắn giật mình đánh thót. Giá ấy là kịch trần. Không ai có can đảm và chịu chơi để trả hơn.
- Em nghĩ sao về giá ấy? Ý anh là, em tham khảo ở đâu để phát giá?
Hắn hình như có vẻ hơi sẵng. Cô gái luống cuống. Trông lại càng đẹp.
- Em... Đó là số tiền em ước tính có thể chi trả đủ để điều trị bệnh gan cho bố em. Bố em đang nằm viện, em đang vô cùng sốt ruột. Nếu có thể, xin anh quyết định thật nhanh để em khỏi đi tìm bán chỗ khác.
Hắn dặn lòng mình phải tỉnh táo. Vì thế, hắn muốn lùi lại vài ngày để suy nghĩ. Nhìn cái dáng mảnh mai của cô gái, hắn bỗng động lòng. Người con gái ấy cần lắm một bờ vai để nâng đỡ, chở che.
Hắn bốc máy gọi lại cho ông bố, không gặp được. Đó là số của người ông lão nhờ gọi cho hắn. Đâm liều. Hắn lại lái xe một mạch lên Bắc Cạn, lặn lội vào bản người Tày, vượt qua cây cầu mục nát bé tí tẹo bắc qua khe suối giữa hai quả đồi. Cửa đóng then cài lỏng lẻo. Mấy cột thanh long vẫn hoa trắng quả đỏ. Nhưng có vẻ hoang vắng rợn ngợp. “Đi bệnh viện rồi. Gan nặng lắm. Cô con gái phải bỏ học giữa chừng về đưa bố xuống tỉnh rồi lại xuống Trung ương. Lâu lắm rồi chưa thấy về. Không biết tình hình thế nào”, người hàng xóm tốt bụng ngày nào cho hắn ngủ nhờ qua đêm bảo vậy. Hắn lại bổ về xuôi, đến bệnh viện tìm. Cô gái hốc hác tiều tụy bên ông bố nằm bẹp trên giường cùng với mớ dây dợ, ống truyền dịch quanh người. Hắn đã quyết.
Lúc đưa chiếc bình vôi cho hắn, cô gái cắn chặt răng để nước mắt khỏi trào ra. Hắn quay mặt, đi như chạy.
Nhiều đêm thức trắng ngắm chiếc quý nhất trong gia tài bình vôi của hắn, hắn vẫn tự hỏi lòng mình quyết định này đúng hay sai? Nghĩ nhiều thành ra lẩn thẩn. “Mày vẫn bị bỏ bùa hả con”, bà hắn lại hỏi. Thường thì bà chẳng bao giờ hỏi đến chuyện kinh doanh mua bán của hắn, chỉ nhắc hắn luôn giữ cái tâm, đừng để đồng tiền làm mờ mắt thôi. Hắn cũng chẳng bao giờ “khoe” về giá trị của những cổ vật mà hắn tậu được với bà. Nhưng lần này thì hắn kể tông tốc. Không che giấu cả việc cô gái kia rất đẹp. Nghe xong, bà hắn hấp háy mắt, bảo:
- Thế thì con gọi cho cô gái ấy đi. Nói với nó rằng con sẽ không bao giờ bán đi chiếc bình vôi kỷ vật của nó.
Ai ngờ, câu đầu tiên khi vừa bắt máy, cô gái cũng khẩn cầu hắn y như vậy.
- Anh đừng bao giờ bán chiếc bình vôi của em nhé.
Hóa ra, hôm bán nó cho hắn, cô định kèm theo yêu cầu ấy, nhưng sợ hắn đổi ý nên không dám nói. Sau này, lúc thân tình hơn, cô kể, trong ký ức của mình, mẹ cô không rõ hình dáng, dung nhan, chỉ có một mùi trầu cay thơm nồng trong cả các giấc mơ. Thời mẹ cô, các bà các chị không ăn trầu nữa. Song, cái mùi trầu thơm như ngấm cả vào bình vôi ấy khiến cô cứ nhớ đến mẹ là lại như ngửi thấy cay cay, nồng nồng. Chả gì thì nó cũng được truyền tay con gái trưởng dòng họ ngoại nhà cô bao nhiêu thế kỷ rồi. Dù sao cô cũng không tiếc. Chỉ mong những lúc nhớ quá, hắn cho cô ngắm lại một chút thôi. Hắn gật đầu ngay lập tức. Những lần “nhớ” ấy của nàng cứ dày dần lên. Nếu nàng không nhớ thì hắn lại nhắc, bảo bà hắn mời nàng về chơi, bảo giàn trầu của bà cần người tưới nước, bảo hàng cau mới ra hoa, đêm nở thơm lắm...
Kết quả, hắn có được cả vật quý lẫn vợ đẹp và cả chiếc bụng đang lớn dần.
Còn người đẹp thì vẫn được sở hữu kỷ vật của mẹ mà lại được chồng ngoan.
Bố nàng thì bảo chiếc bình vôi vẫn vượng. Mẹ nàng phù hộ cho nàng nữa.
Bà hắn thì đinh ninh hắn được các “Ông Vôi” phù hộ độ trì.
Đến lúc vợ hắn biết chắc mình mang bầu con gái đầu lòng, mỉm cười đe: “Hai chục năm nữa lại phải chia tay “Ông Vôi” cho con gái về nhà chồng rồi. Cấm cãi”. Hắn giật mình đánh thót. Tiếc. Nhưng truyền thống của nhà vợ rồi. Chỉ mong con gái hắn cũng được “Ông Vôi” phù hộ cho lấy được người chồng tốt như hắn.