Bản romance sơn cước

|

Khi tiếng chiêng quyện với tiếng trống, khèn và các thiếu nữ Chu Ru bước vào vòng múa, đấy là lúc dấy lên một cảm giác rất rõ rệt về sự bất lực của ống kính máy ảnh trước dòng âm thanh huyền thoại làm nền cho những vũ điệu uyển chuyển.

Hòa cùng vũ điệu Tamja

Mọi người Chu Ru đều biết Tamja. Tamja có nghĩa là múa. Người Chu Ru gọi các điệu múa là Gram-ptơ-rô-pô, gồm ba vũ điệu chính, mà người Chu Ru ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia.

Vũ điệu chính đầu tiên, Aria, xuất hiện từ các lễ hội cúng bái trong đền, về sau nó trở thành điệu múa dân gian mở đầu cho hội thi múa, lễ cắm nêu, lễ xây mộ, lễ cầu mưa… Âm thanh của đồng la và trống làm nền cho vũ điệu này tiết tấu chậm, dứt ra từng tiếng một… dưới ánh trăng các cô gái hóa thân vào vũ điệu và âm thanh tạo cho người xem một niềm tôn kính thiêng liêng với quá khứ, hiện tại, tương lai… Các cô gái giải thích Aria có nghĩa là múa cho vui, các chàng trai lại gọi đó là điệu múa mời uống rượu. Còn già làng bảo rằng Aria có nghĩa là múa cung đình.

Nếu Aria là điệu múa của các vũ nữ thì Đăm Tơ-ra là vũ điệu “trai gái kết lại”. Đăm có nghĩa là thanh niên, Tơ-ra là thanh nữ. Người Chu Ru cứ lớn lên là biết múa Đăm Tơ-ra. Động tác múa là giống nhau, nhưng nam đi nhanh hơn, nữ đi chậm hơn. Khi bắt đầu vào điệu múa, chủ lễ dành hai ché rượu quý, một ché choàng sợi dây cườm, ché kia để chiếc nhẫn bạc. Sau điệu múa dân làng bình chọn một chàng trai múa giỏi nhất và một cô gái múa đẹp nhất, cặp đôi trong điệu múa Đăm Tơ-ra dị bản. Họ có quyền được “chế” thêm những động tác trong một nhịp của tiết tấu và vũ điệu cổ truyền. Ché rượu quý được thưởng cho thiếu nữ múa đẹp cùng với sợi dây cườm. Sau điệu múa Đăm Tơ-ra, các chàng trai múa giỏi phải thi đấu vật, đấu sĩ nào giỏi nhất, thông minh nhất sẽ được tặng ché rượu và chiếc nhẫn bạc từ tay chủ lễ.

Paki Năng là vũ điệu mà xưa kia dùng để chào mừng các quý tộc đến dự lễ cầu mưa, lễ cắm cây nêu, lễ xây mộ, hội đấu vật… Ngày nay, người Chu Ru múa điệu Paki Năng chào mừng những người khách quý, người khác tộc… Nếu vũ điệu Aria và Đăm Tơ-ra điệu múa đi theo vòng tròn nhịp nhàng, uyển chuyển - thì ở điệu múa Paki Năng người Chu Ru dàn thành hàng ngang, nhún chân, đưa hai tay về phía trước, tiến và lùi rất đều đặn, trịnh trọng. Lúc này, tiếng chiêng, trống trở về nốt trầm làm đệm cho bè của tiếng khèn bầu nổi lên dìu dặt, quyến rũ, đầy ma lực…

Già làng người Chu Ru. Ảnh: Lê Minh

Tìm nhau trong tiếng ca

Người Chu Ru không chỉ múa Tamja trong các nghi lễ, họ hát trong mọi hoàn cảnh: Khi lên rẫy, lúc xuống ruộng, trong hôn lễ và tang lễ… Có hàng nghìn bài hát do người Chu Ru tự sáng tác lời, quy về bốn điệu hát chính, đó là điệu: Ha Ri, Ơ Đó, Ka Tha và Chó Hea.

Ha Ri là điệu hát phổ biến nhất mà người Chu Ru nào cũng biết. Điệu hát này dùng để hát đối giữa hai người. Nếu trong đám cưới, nhà chồng muốn gửi gắm chàng trai về bên vợ, mẹ chồng sẽ hát điệu Ha Ri - Lời ca kể về những ngày xưa, khi chàng trai còn là một cậu bé, kể về những ưu điểm, khuyết điểm của con mình và nhờ nhà gái giúp đỡ con rể những lúc đau ốm, khó khăn… Mẹ vợ hoặc bà ngoại sẽ đối đáp lại những điều mà nhà trai gửi gắm cũng bằng điệu Ha Ri. Người Chu Ru cũng dùng điệu Ha Ri để khuyên bảo nhau trong trường hợp: Người chồng (hoặc vợ) có ý nghi vợ (hoặc chồng) đi ngoại tình. Trong tình huống này, người đàn ông (hoặc người đàn bà) sẽ dùng điệu Ha Ri để hát như một hình thức để báo cho vợ hoặc chồng hãy nhớ về gia đình, để nếu người vợ hoặc chồng không từ bỏ ngoại tình thì sẽ báo cho dòng họ, già làng. Dòng họ có trách nhiệm theo dõi để phân tích và quyết định xem hai người sẽ ở với nhau hay bỏ nhau. Lời hát này như sau: “Ngủ đêm nay, nằm mơ thấy con trăn nhỏ bằng bắp tay nằm ngang trên đầu giường - Ngủ đêm nay, nằm mơ thấy con trăn bằng cối giã gạo trên đầu giường”. Ha Ri là điệu hát không nhất thiết phải hát đối, vì thế già làng Chu Ru thường dùng điệu Ha Ri để kể lại chuyện xưa.

Ơ Đó là một điệu hát có tiết tấu nhanh, vui vẻ; không kéo dài giọng như Ha Ri. Lời ca của điệu Ơ Đó thường hát về tình yêu giữa con người, tình yêu sông suối, núi rừng, cây cối và chim thú… Với tiết tấu nhanh, người Chu Ru thường vừa đi vừa hát theo điệu Ơ Đó.

Ka Tha là điệu hát về mùa màng, người Chu Ru không dùng điệu Ka Tha để hát đối. Lời ca của điệu Ka Tha như đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất. Các già làng thường truyền miệng theo điệu Ka Tha để cho con cháu dễ ghi nhớ lịch của mùa vụ: Tháng nào gieo lúa, trồng cà, tra bắp…

Người Chu Ru còn hát, múa trong tang lễ và trong lễ xây mộ. Khi có người chết, người Chu Ru hát chia buồn theo điệu Chó Hea. Người Chu Ru gọi điệu Chó Hea là điệu hát của âm phủ. Muốn hát theo điệu của âm phủ phải có Pa Sa đốt, tức bộ đồng la bốn hoặc sáu chiếc và Kkoao, tức là khèn bầu (trong những lễ nghi khác đồng la chỉ đánh hai chiếc). Khi hát điệu hát của âm phủ, những người đánh đồng la đi chung quanh người chết. Âm thanh điệu hát như vọng về từ cõi âm làm nhiều người trong buôn rợn tóc gáy.

Bao năm rồi, những điệu múa ấy, lời hát ấy vẫn còn. Âm thầm thôi nhưng mạnh mẽ. Một đất nước 54 dân tộc anh em chung sống, biết để bảo tồn chẳng bao giờ là thừa...