Cách đây mấy hôm, một quảng cáo trên mạng khiến tôi chú ý, sản phẩm “Lá rửa mặt tân niên” và “Lá xông tắm tất niên” của một nơi có tên gọi là Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Thuốc nam Việt (VietHerb) với các thành phần mùi già, lá bưởi, lá quế, lá sả, xuyên tâm liên, lá tía tô... Những mùi hương rất đỗi thân thuộc của làng quê Việt. Có thể hình dung ra nồi nước tắm tất niên ấy thơm như thế nào và cũng có lợi cho sức khỏe nữa. Nhưng rồi, tự dưng thấy ngần ngừ, bởi lá nào cũng thơm cũng quý, nhưng... thừa quá. Chỉ cần lá mùi già thôi là đủ. Chỉ riêng hương lá mùi già thôi, mọi phiền não năm cũ cũng như thênh thang mà gột rửa được rồi.
Bởi hương mùi già tuyệt vời lắm, chẳng cần thêm một thứ hương phụ trợ nào. Một nồi nước lớn sôi trên bếp, để mùi hương tỏa ra khắp nhà. Một không gian Tết thật sự là phải có mùi hương ấy. Tết xưa nay được gọi bằng hình ảnh thì nhiều: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ... Nhưng hương Tết, ngoài nồi bánh chưng ngạt ngào hương nếp cũng rất ấn tượng, mà giờ không mấy nhà còn có, thì hương lá mùi già chính là hương Tết, hương của thời gian. Người ta có thể cô nó vào đâu đó, những lọ tinh dầu hạt mùi (đúng ra là quả mùi, bé li ti) hay những sản phẩm như vừa kể trên, dùng quanh năm lúc nào cũng được, nhưng chỉ có Tết thôi, hương lá mùi già quanh quẩn đâu đó trong không gian mới nhắc người ta ý niệm thật sự về thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới... Chỉ có vào cữ gần Tết, cây rau mùi mới đủ già để đun nước tắm. Những cành thanh mảnh đơm đầy những chùm hoa trắng như những chấm bụi, thở mạnh có khi cũng bay mất và những quả nhỏ xíu. Vậy mà thơm đến lạ lùng. Một mùi hương nhẹ nhõm khác tất cả những hương hoa khác. Suốt mùa lạnh, trước đây chỉ mùa lạnh miền bắc mới có rau mùi, thì lá mùi làm rau gia vị, chẳng mấy khi không đi kèm với những món đồ xào nấu, thơm cách khác. Nhưng đến Tết, thì bỗng riêng hẳn ra, như chẳng liên quan các món ăn vật chất nữa, mùi già hẳn nhiên bước sang thế giới khác, thế giới tinh thần, những cành mùi già tỏa hết mùi hương chín chắn sâu sắc của mình, mùi hương thanh thản lạ lùng khiến người ta có cảm giác nhờ mùi hương ấy mà thanh lọc được bao muộn phiền đã qua. Cái sự tắm lá mùi già ngày cuối năm thế rồi trở thành một thứ nghi lễ lúc nào không hay. Một mùi hương mơ hồ (mùi hương tinh khiết nào chẳng mơ hồ) mà làm được chỗ dựa cho bao tâm hồn cần thanh tẩy.
Nói đến lá mùi già, lại nhớ một bức tranh của họa sĩ Trần Duy. Ông thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sinh năm 1920, ông vừa mất năm ngoái, thọ 95 tuổi. Trong hàng nghìn bức tranh ông để lại, có bức tranh lụa vẽ hoa mùi năm 1988. Một bức tranh đáng được ghi nhớ về mọi nghĩa. Chỉ có trên chất liệu lụa, mới tả được hết những hoa mùi li ti như một ngôn ngữ đầy biểu hiện. Người ta nhìn bức tranh mà cảm thấy được mùi hương thầm lặng tỏa ra từ những cây hoa. Một mơ hồ sống động. Rất ít những ai tả bằng lời mùi hương của hoa mùi mà làm được vậy...
Rồi có lẽ, cũng chỉ hoa mùi, chỉ hương mùi già, mới làm người ta nhớ những câu thơ của Đoàn Phú Tứ, như nhớ một không gian thanh sạch mỗi mùa xuân về trên quê hương Việt Nam, một thuở nào.
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát...