Tết xa xứ

|

Có lẽ, người Việt Nam nào xa quê cũng đem theo tình yêu quê hương, xứ sở và truyền thống văn hóa trong huyết quản, nên nơi đâu cũng mong muốn tạo ra những cái Tết cho riêng mình.

Công việc đưa tôi đến Bangladesh, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Số người Việt ở đây đếm được trên đầu ngón tay, sống rải rác ở Thủ đô Dhaka và các vùng lân cận. Đại sứ quán Việt Nam tại đây là ngôi nhà ấm áp để tất cả người Việt tụ họp về mỗi dịp Tết đến. Những người trong đại sứ quán đã đem từ quê nhà sang nguyên liệu quý giá để chúng tôi cùng nhau chế biến cho một buổi tiệc chung đón chào năm mới, có sự hiện diện của đại diện ngoại giao các nước và bạn bè quốc tế. Tôi còn nhớ biết bao lời trầm trồ ngợi khen sự tinh túy của các món ăn Việt Nam.

Tôi nghĩ đến Bhutan, những dãy núi cao ngất và những dòng sông xanh vắt uốn mình chảy qua những thung lũng phì nhiêu. Ở đó, vài năm trước, tôi đã tìm gặp người Việt Nam duy nhất là anh Long. Được mệnh danh là “người câu cá giỏi nhất Bhutan”, anh Long khoe với tôi rằng, vào dịp Tết, anh luôn bắt những những con cá hồi nặng khoảng 5 kg, chế biến đủ các món ăn, rồi mời bạn bè bản xứ đến thưởng thức cùng hương vị rượu Việt. Bạn anh nói rất chân tình rằng họ không thể ngờ đàn ông Việt Nam khéo tay đến thế!

Tết đúng là dịp để người Việt xa xứ trổ tài khéo léo. Những năm qua, tôi sống và làm việc ở Manila, Thủ đô Philippines. Nhóm bạn thân của tôi là những cô bạn Việt Nam cùng một sở thích: say mê nấu nướng. Ở Việt Nam, chỉ cần chạy ra chợ hoặc siêu thị là ai cũng có thể đem về nào là mứt Tết, giò lụa, giò thủ, bánh chưng, bánh tét…, còn ở đây chúng tôi phải tự chuẩn bị tất cả. Nguyên vật liệu được vận chuyển từ Việt Nam trong những chuyến về thăm nhà từ vài tháng trước. Xếp cùng va-li quần áo của chúng tôi là bún khô, miến khô, phở khô, lạp xường, gạo nếp, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, và cả những chai nước mắm đã được quấn trong rất nhiều lớp nylon.

Từ nhiều năm trước, chị Trà My, một người con gái Hà Thành, đã đem những cây lá dong từ Hà Nội sang Manila để trồng ở vườn nhà chị. Những cây lá dong bám rễ vào mảnh vườn nhỏ nhắn, sum suê lá. Dù chị Trà My đã chuyển sang nước khác, người chủ của căn nhà nơi chị từng ở vẫn để những cây lá dong ấy tha hồ nảy nở, để rồi mỗi Tết đến lại cho phép chúng tôi ghé qua, cắt lá đem về gói bánh chưng.

Người Việt Nam ở Manila là cả một cộng đồng rộng lớn ở tản mát mỗi người một nơi, rất nhiều người chưa hề gặp nhau. Không phải ai cũng có đủ điều kiện tổ chức Tết và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines chính là ngôi nhà chung của những người Việt Nam luôn hướng về đất mẹ. Cựu Đại sứ Nguyễn Vũ Tú và đương kim Đại sứ Trương Triều Dương là những người luôn hết lòng vì cộng đồng, đã huy động mọi nguồn lực để tổ chức những bữa tiệc đủ đầy hương vị Tết cho tất cả những người Việt đang có mặt tại Manila và gia đình của họ.

Thật xúc động khi được dự bữa tiệc chào năm mới ấy, nơi một hội trường rộng lớn tràn ngập sắc áo dài, những bàn tay nắm lấy nhau, những lời hỏi thăm chúc Tết ấm tình người như thể tất cả thuộc về một đại gia đình, những tiết mục văn nghệ do các bạn sinh viên dàn dựng và trình diễn, những bài hát vui nhộn của con em cộng đồng người Việt bằng tiếng Việt đã khiến bầu không khí thêm phần sôi động.

Năm nào cũng vậy, hàng trăm chiếc bánh tét của dì Sáu, một phụ nữ Việt kiều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, luôn được bán hết rất nhanh. Dì Sáu có chồng là người Philippines, làm nghề phụ hồ, còn dì thức khuya dậy sớm gánh gồng những món bánh Việt Nam đi bán. Có cầm đôi bàn tay chai sạn của dì, mới biết dì đã thức bao đêm để gói hàng trăm chiếc bánh ấy.

Đem những chiếc bánh tét của dì Sáu về nhà, tôi như đem về cả một bầu trời của miền sông nước Cửu Long, nơi tôi đã lớn lên và nơi mỗi dịp Tết đến, những chiếc bánh tét dẻo thơm lại góp thêm vào hương vị ngày Tết. Trong những chiếc bánh của dì Sáu, tôi nếm được mùi cay nồng của niềm thương nhớ quê hương.