Những mùa xuân đoàn kết

|

Chiến tranh tại Việt Nam đã khép lại được mấy chục năm, nhưng ngày nay, mỗi độ Tết đến, Xuân về, bà con Việt kiều cao tuổi ở Pháp vẫn vẹn nguyên những cảm xúc khó quên về Tết xưa, nhất là giai đoạn từ năm 1968 đến 1975.

Dù đã nhiều năm được cùng chung vui Tết với cộng đồng người Việt ở Pháp, nay nghe các bác Việt kiều kể lại, chúng tôi thấy Tết xưa của bà con thật nhiều ý nghĩa. Ðó không chỉ là dịp để bà con gặp gỡ, cùng nhau vui Tết cổ truyền để vơi bớt nỗi nhớ nhà, giữ gìn và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống quý báu của người Việt, mà còn để chia sẻ với bạn bè Pháp và quốc tế về cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước.

Ông Cấn Văn Kiệt, qua Pháp gần 50 năm, nhưng mỗi lần đến Tết lại bồi hồi cảm xúc: “Vào những dịp Tết khi đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh, bà con ở bên này thường xuyên quây quần bên nhau để bàn cách giúp quê nhà, đồng thời vận động bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta. Vui Tết ngày ấy cũng chính là một hoạt động hướng về đất nước”.

Nói là tổ chức Tết Ðoàn kết hướng về Việt Nam nhưng với bà con Việt kiều khi đó, việc này không mấy dễ dàng. Các hội đoàn người Việt, trong đó có Liên hiệp người Việt tại Pháp, không được phép hoạt động công khai cho tới năm 1969. Bà con phải nghĩ ra nhiều cách để vừa có thể đón Tết lại vừa thu hút được sự tham gia ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Ðể có được một chương trình Tết phong phú, mọi người phải chuẩn bị tập dượt nhiều tháng. Hơn 40 năm đã qua, nhưng những Việt kiều Pháp có tuổi như bà Bích Liên, bà Thu Lê, ông Hưởng, ông Xuân vẫn nhớ như in. Mấy chục năm trước, họ sang Pháp theo học những ngành nghề khác nhau và hầu hết đều không biết ca hát. Ấy vậy sau một thời gian, ban văn nghệ Việt kiều có thể tổ chức được những buổi biểu diễn thu hút đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế.

Chương trình văn nghệ có thể xem là mang đậm hồn cốt Tết Cộng đồng Việt Nam ở Pháp. Nhiều người Pháp và các nước không biết nhiều về Việt Nam cho tới khi xem các tiết mục văn nghệ Tết của Việt kiều. Bà Bích Liên kể lại “hiệu ứng” những buổi biểu diễn mà bà tham gia ở Pháp và một số nước: “Hồi trước, nhiều người nước ngoài thậm chí còn không hiểu Việt Nam như thế nào. Khi thấy tà áo dài thướt tha, tiếng hát dân ca, quan họ…, họ rất ngạc nhiên vì tận mắt chứng kiến, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và phong phú. Một phụ nữ Mỹ sau khi xem chương trình mới thú thật rằng bà có con trai tham gia quân đội Mỹ vì được tuyên truyền là đến Việt Nam để giải phóng người dân. Nay chứng kiến nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam mới biết sự thật không phải vậy. Bà nói về nước sẽ kể lại cho mọi người biết Việt Nam không phải như những gì họ được tuyên truyền”…

Có được những buổi biểu diễn thành công để bà con vui Tết và thu hút sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, phải kể đến sự đóng góp của kiều bào tại Paris và các thành phố khác ở Pháp. Mỗi người một việc, từ khâu chuẩn bị sân khấu, hậu cần cho đến việc xây dựng chương trình Tết. Ông Xuân học kiến trúc nên tham gia thiết kế, trang trí sân khấu thật ấn tượng như buổi biểu diễn của đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bà Thu Lê “chạy vòng ngoài” bán vé, nhưng cũng gắng hết khả năng huy động bà con và bạn bè quốc tế tới càng đông càng tốt. Có như vậy mới đủ tiền trả nhà hát và ủng hộ trong nước… Mỗi người làm hết sức mình với ý thức đây là hoạt động vì đất nước. Khi đó ở bên này, nhiều người xa quê đã lâu nên rất khao khát nghe tiếng hát quê hương. Tết xa quê được nghe, xem tiết mục mang đậm sắc mầu Việt Nam thật không còn gì vui hơn. Mục đích chính của đêm văn nghệ Tết là giúp bà con vơi bớt nỗi nhớ nhà, đồng thời thôi thúc mọi người hướng về đất nước, nơi vẫn chìm trong bom đạn.

Nhà hát Maubert-Mutualité có hơn 3.000 chỗ ngồi nhưng năm nào cũng chật kín người xem các tiết mục, từ dân ca, tuồng, chèo, kịch, thơ đến múa. Chủ đề của những Tết từ 1968-1973 đều làm sáng tỏ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của Việt Nam, gồm những bài hát kháng chiến, hợp xướng Phù Ðổng Thiên Vương, Tổ quốc ta, múa Hai Bà Trưng, kể chuyện Ngô Quyền, chiến thắng Bạch Ðằng, nhạc cảnh Lửa Diên Hồng, cải lương Lam Sơn tụ nghĩa, nhạc cảnh Cách mạng Tháng Tám, những bài hát ca ngợi đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Sau Tết, ban văn nghệ Việt kiều tiếp tục đi diễn ở các tỉnh khác để giới thiệu văn hóa Việt Nam tới người Pháp. Trong suốt mấy năm diễn ra đàm phán Hiệp định Paris, ban văn nghệ Việt kiều liên tục có lịch biểu diễn.

Nhiều Việt kiều lớn tuổi còn nhớ những câu trong bài thơ “Mừng Xuân Ðoàn kết” của Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy sáng tác tại Paris, tặng kiều bào nhân dịp Tết Tân Hợi 1971:

Tuy xa cách vẹn một niềm chung thủy

Mang tâm hồn giàu đất mẹ quê cha

Nhớ cam ngon bưởi ngọt nước non nhà

Ta gom sức cho vườn hoa Thắng Lợi

Từ năm 1968 đến 1973, Tết nào cũng thật vui vì có sự tham dự của hai đoàn đàm phán Hiệp định Paris cùng các nghệ sĩ từ Việt Nam sang góp vui. Nhưng vui nhất vẫn là “Tết Hòa bình - Xuân Thắng lợi” ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Ðêm đó có rất đông bà con, hai đoàn đàm phán Việt Nam và bạn bè quốc tế tới chia vui. Ông Kiệt nhớ lại: “Ðón Tết đó mới thấy người Việt thật đoàn kết, gắn bó. Ai cũng chung niềm tự hào, xúc động khó tả vì tinh thần của đất Việt thật mãnh liệt, tỏa sáng ở Paris”.

Tết xưa là dịp để kiều bào tại Pháp chung vui, giữ gìn bản sắc dân tộc, tự hào là người Việt Nam dù ở xa Tổ quốc vẫn góp phần vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ðến nay, bà con Việt kiều ở Pháp vẫn mong tất cả người Việt cùng vui Xuân, đón Tết theo phong tục, truyền thống, coi đó là dịp để nhắc nhở thế hệ trẻ góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh.