Người anh hùng của trẻ em đường phố

|

Những ngày cuối năm 2013, người ta thấy trên mạng xuất hiện một chiến dịch kỳ lạ: Quyên góp tiền để làm giấy khai sinh cho trẻ em đường phố. Chiến dịch ấy là của Blue Dragon (Rồng Xanh Dương) - một tổ chức đã âm thầm giúp đỡ trẻ em đường phố Việt Nam trong suốt nhiều năm.

Michael Brosowski gặp những người Việt Nam đầu tiên trên quê hương anh, Australia, khi làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho người lao động mới nhập cư, và có ấn tượng với Việt Nam từ lúc đó. Chính Michael cũng không ngờ rằng một thập kỷ sau, những ấn tượng ban đầu ấy khiến anh trở thành một người hùng. Năm 2011, hãng thông tấn CNN đưa Brosowski vào danh sách “Người hùng CNN” - vì những điều mà chàng trai người Australia này làm cho trẻ em đường phố Việt Nam.

Năm 2004, Michael đến Việt Nam với dự định dành nhiều tuần lễ trên những bãi biển của thiên đường nhiệt đới này. Nhưng rồi trong chuyến đi ấy, anh bị cuốn vào cuộc sống của những đứa trẻ đường phố. “Chúng ở khắp nơi. Nếu chưa gặp trẻ em đường phố nghĩa là bạn chưa đến Việt Nam” - anh kể. Rồi Rồng Xanh được thành lập. Con rồng luôn là một biểu tượng cao quý trong văn hóa Việt Nam, và trong mắt Michael, đất nước này cũng mang hình dáng của một chú rồng. “Cái tên nói rằng chúng tôi gắn bó với đất nước nơi chúng tôi làm việc”.

Những đứa trẻ đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, và xuất hiện trên đường phố với những trạng thái khác nhau, nhưng Michael gọi chúng là “trẻ em đường phố”, một khái niệm chung với ý niệm đơn giản là “những đứa trẻ cần sự giúp đỡ”. Những câu chuyện được chia sẻ trên blog của anh thường bắt đầu theo một cách hơi giống nhau. Phần lớn là như vậy. Nhưng để giúp đỡ chúng, cần đối mặt với nhiều thử thách rất khác nhau. Chẳng hạn: Làm sao để làm giấy khai sinh cho một đứa trẻ lang thang? Ði tìm người mẹ của một đứa trẻ, để rồi phát hiện ra rằng chính người mẹ này cũng sinh ra trên đường phố và tất nhiên cũng không thể có giấy tờ của riêng mình. Mọi thứ tưởng như tuyệt vọng. Nhưng rồi bằng một nỗ lực phi thường và sự giúp đỡ của các luật sư, Rồng Xanh làm giấy tờ cho cả hai mẹ con. Ðấy chỉ là một trong những thử thách mà Rồng Xanh phải đối mặt, trong hoạt động mà họ đang đẩy mạnh: làm giấy tờ cho những đứa trẻ đường phố. Họ đang thực hiện một chiến dịch quyên góp mang tên “Chiến dịch tất đỏ”. Những chiếc tất vốn là để đựng những món quà Giáng sinh, và món quà của Rồng Xanh là giấy khai sinh hoặc chứng minh thư cho các em, để chúng được đi học, được đi làm. Rồng Xanh không chỉ muốn các em no, mà còn muốn chúng có một thân phận, và một tương lai.

Các hoạt động của Rồng Xanh không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho các em chỗ ăn, chốn ở, cho chúng một danh tính và đưa đến trường. Họ đi xa hơn thế: Michael Brosowski tổ chức những chuyến truy tìm và giải cứu các em nhỏ bị bán qua biên giới.

Những chuyến giải cứu đầy chất điện ảnh, nhưng là thực tế. Như một câu chuyện được chia sẻ trên blog của Michael. Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) bị bắt cóc và bán cho một nhà chứa bên kia biên giới từ tháng 1-2013. Ngày qua ngày, cô gái 17 tuổi bị cưỡng ép làm gái trong suốt nửa năm. Cho đến một ngày, cô làm thân được với một cô gái trong nhà chứa đó, vốn có quyền đi lại tự do và mang điện thoại di động. Hạnh mượn được điện thoại trong hai ngày. “Hai ngày đó là tất cả những gì chúng tôi có để giải cứu em” - Michael viết. Thông tin duy nhất mà đoàn Rồng Xanh có được là mặt tiền của căn nhà mầu đỏ và nhà chứa nằm dưới lòng đất. Trong trường hợp đó, gọi cảnh sát địa phương là một lựa chọn tốt. Nhưng Hạnh đã từng được cảnh sát giải cứu bất thành. Những tên chủ chứa đã chờ Hạnh ở sẵn bên kia biên giới, để bắt lại ngay sau khi cảnh sát trả em qua cửa khẩu. Michael quyết định họ sẽ tự thực hiện việc giải cứu.

Họ tìm được đúng địa điểm sau một ngày. Qua điện thoại, Hạnh nói rằng ở đây còn một em gái người Việt nữa, Thi, cũng đang bị giam. Cả hai cùng quyết định bỏ trốn. Bên cạnh nhà chứa có một cửa hiệu làm tóc, hai cô gái xin những tên bảo vệ được đi làm đầu. Ngay bên ngoài cửa hiệu, đoàn Rồng Xanh chờ trong một chiếc xe nổ máy sẵn. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng năm giây. Hai cô gái chạy băng qua đường và họ phóng vụt đi mà không kịp đóng cả cửa xe.

Họ đổi xe tới hai lần trên đường về Việt Nam, với Hạnh và Thi run rẩy trên băng ghế sau.

Ðó chỉ là một trong những câu chuyện của 303 thanh, thiếu niên mà Rồng Xanh đã giải cứu từ bên kia biên giới, từ các nhà chứa, các xưởng bóc lột sức lao động trở về trong suốt một thập kỷ qua. Sau khi đưa các em trở về, họ lại bắt đầu một quá trình giúp các em có một cuộc sống bình thường.

Khi hỏi Michael rằng điều gì đã khiến anh bắt đầu công việc này tại Việt Nam, Michael không đừng được việc thốt ra câu trả lời: “Sự ngớ ngẩn”. “Cuối cùng thì, ai có lý trí mà lại thành lập một tổ chức ở một quốc gia khác, giải cứu các em gái khỏi nhà chứa, cung cấp chỗ ở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi trên phố chứ? Tôi chắc chắn không biết tại sao tôi thành lập Rồng Xanh. Tôi rất mừng là mình không biết. Nhưng nếu cho tôi chọn lựa, tôi sẽ vẫn làm như thế”.

Mở blog của Michael ra những ngày này, sẽ thấy thông tin về đám cưới của Duy, cậu bé đánh giày mà anh gặp năm 2003. Giờ thì Duy đã trở thành một đầu bếp có tiếng nhờ sự giúp đỡ của Rồng Xanh, và có tổ ấm riêng. Không nhiều người chia sẻ được với Rồng Xanh về lý do họ thực hiện sứ mạng “điên rồ” của mình. Nhưng hẳn nhiều người có thể chia sẻ niềm hạnh phúc của Michael khi đọc những câu chuyện ấy.

Michael Brosowski. Nguồn: VIMEO.COM