Trong lòng Tết thường có những gì? Người bảo có mùa xuân, bánh chưng, dưa hành và những cành đào thắm. Người lại bảo thứ quý giá nhất trong lòng Tết chính là sự sum vầy. Tôi thì thấy suốt bao nhiêu năm qua Tết của mẹ và nhiều người phụ nữ khác luôn là nỗi lo toan chật vật cả kiếp người. Lúc nghèo thì lo sao có tiền trả hết các khoản nợ lớn nhỏ trong năm vì thể nào mai kia các chủ nợ cũng “nhắn nhủ” hoặc tìm đến tận nhà. Rồi thì lo cho con có manh áo mới, có bánh, có thịt để chúng khỏi tủi thân vì thiếu thốn so với bạn bè. Giàu lên tưởng đã hết lo, nào ngờ phú quý sinh lễ nghĩa xem ra còn mệt hơn cả lúc cơ hàn. Nào tiền mừng tuổi, tiền quà cáp biếu sếp và trăm nghìn thứ tiền không thể không chi đến. Cái lệ nó thế, Tết mà không chu toàn thì mất lộc, mất lòng. Nên tôi cứ mong ngóng mãi đến khi nào người ta thật sự được thanh thản nhẹ nhõm trong vài ba ngày Tết. Bạn cười bảo “tưởng gì chứ, mình sẽ dẫn bạn đến xứ bình yên…”.
Quê bạn có một bến phà, đôi ba quán tạp hóa lèo tèo, một khu chợ nhỏ lều lán xác xơ gió sông thổi phần phật bên tai kẻ mua người bán. Muốn đến xứ đó phải qua một con sông, chờ cho đủ người bên này thì phà bên kia qua đón. Phà Tết mà hàng hóa không thấy có mầu sắc Tết. Ít rau xanh, vài con gà, mấy bao cám lợn, thêm một anh chở nặng xe máy toàn bã sắn. Mãi đến lúc khách lên phà xong xuôi thì có một chị ôm mấy mớ lá dong xanh vội vã chạy đến, tôi quay sang bảo bạn “cuối cùng cũng thấy Tết đang về”. Tiếng huýt sáo của anh bạn lái phà lẫn vào tiếng máy nổ bình bịch và tiếng gió sông hun hút mà vẫn đầy phóng khoáng và đầy ngạo nghễ. Bạn huých tay tôi nói “Tết ở xứ này thật ra không nằm ở lá dong xanh, mà nằm trong tiếng huýt sáo của anh bạn trẻ, những câu chuyện tếu táo vui cười của người đi phà và sự an nhiên trên môi mắt họ”. Ừ nhỉ…
Hai bảy Tết ở xứ này vẫn không thấy sự tất bật nào hiện hữu. Họ có đi tảo mộ, có gói bánh chưng, có họp nhau mổ lợn nhưng chẳng việc gì phải gấp gáp, cứ thủng thẳng mà làm. Kiểu như sẵn đi chợ thì ghé qua tảo mộ, thấy nhà kia vật lợn ra mổ thì nhà này ghé xin ăn đụng, còn suất thì chung tiền, mà nếu không còn thì mai tạt qua chợ là xong. Dọn nhà cửa cũng chẳng cần cầu kỳ, chỗ nào có bụi thì lau, có mạng nhện thì quét, đồ vật chỗ nào cứ để yên đấy đi, mắc mớ gì phải dịch chuyển chúng chỉ vì vài ba ngày Tết. Trên đường đi ngó Tết xứ này gặp cô cắp cái rổ bung vành đựng mớ tép mới cất dưới sông, ai đó hỏi đi đâu, cô cười bảo “thì mang qua biếu mẹ, Tết chưng mắm tép chấm bánh tẻ hoặc thịt ba chỉ thì ngon nức nở”. Lại có người mang biếu nhau vài quả bưởi, ít khoai lang vàng, rổ táo mới hái trong vườn. Mấy thứ đó ăn cho đỡ ngán thịt thà, bánh kẹo. Người biếu thật thà mà người nhận cũng vui.
Ba mươi Tết còn thấy đàn bà xúm lại chuyện khuấy, đàn ông tụm nhau hút thuốc lào. Giờ này nhẽ phải làm cơm cúng tất niên cơ mà? Ôi cứ cơm canh bình thường thôi, mổ thêm con gà, rán nhanh đĩa nem là được. Cầu kỳ làm gì. Tết không phải chính là để nghỉ ngơi đấy hay sao? Bến phà người đến, người đi vẫn tấp nập như thường. Hỏi năm mới đến nơi rồi còn tính đi đâu? Ơ cái cô này hỏi gì hay nhỉ, thì đi chơi chứ đi đâu. Bên kia sông đang có chọi trâu, nghe nói có người mang rượu cần đến bán. Qua đấy mua vài bình, Tết có ai ghé chơi uống cho vui. Ờ mà nghe nói bên đó còn bán cả thuốc nam, có mấy bài thuốc trị dạ dày hiệu nghiệm lắm, tiện qua chơi thì mua về cho bà nhà tôi dùng thử. Còn thứ gì hay ho nữa không à? Chọi trâu thì dĩ nhiên phải có thịt trâu, mua cân thịt nhậu lai rai ba ngày Tết không phải quá tuyệt à? Thế cô cậu có muốn đi không mà cứ hỏi han mãi thế? Đi thì đi chứ, sợ gì. Bạn lôi tôi lên phà, anh bạn trẻ lái phà lại chúm môi huýt sáo.
Tôi trở lại xứ của mình với những lo toan tất bật. Chị dâu than Tết chẳng làm gì ra tiền còn mất toi vài triệu mừng tuổi, mừng ít thì bị chê bai mà mừng nhiều thì… Mẹ than năm nay thực phẩm đắt đỏ quá, sắm chưa tròn cái Tết mà mất cả đôi tháng lương hưu. Đứa em gái nằm lì ở nhà, hỏi ra mới biết phải một mình quay cuồng dọn dẹp bao nhiêu việc nên giờ mệt lử. Mâm cỗ mời khách nhìn món nào cũng ngấy, toàn thịt thà nên thưa thớt rau xanh. Tôi bỗng nhớ xứ bình yên của bạn với tất cả sự hồn hậu, chân chất nhất. Ở đó không có sự mầu mè, kiểu cách, không lễ nghĩa phô trương. Ở đó người ta dùng tình người để đối đáp lòng người. Tết nơi ấy mới thật sự là cái Tết đầm ấm nhất mà tôi được thấy. Bạn nhắn tin bảo “nếu năm nào cũng muốn đón Tết nơi đây thì hãy nhận lời làm cô dâu của bạn”.