Viết việc tốt

|

Xã hội còn nhiều tiêu cực, nhưng chuyện tốt cũng không thiếu. Đầu năm nói chuyện tốt, hỏi chuyện những bạn đang viết việc tốt cho “hên” cả năm.

Là người làm báo, tôi ủng hộ các bạn đồng nghiệp tích cực phát hiện và đấu tranh chống tiêu cực, nhất là tệ tham nhũng, quan liêu, nhưng tôi cũng luôn ủng hộ và quý trọng các bạn kiên trì viết “người tốt, việc tốt”. Trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn, tiêu cực tràn lan, những người kiên trì phản ánh những việc tốt thật đáng trân trọng. Một số người khích bác họ, cho họ là những người bảo thủ, không thức thời. Họ không cố chấp và có lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình rất đàng hoàng.

Đúng là đất nước còn nhiều khó khăn, tiêu cực chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi, nhưng đất nước vẫn đứng vững ổn định và phát triển (tuy có chậm lại) trong một thế giới đầy biến động thì chắc chắn người tốt không lẻ loi, đó là hiện thực lớn, không thể bối rối. Cho dù trong bóng đêm (nhưng cũng chưa đến nỗi là đêm tối) nhưng mỗi người cùng thắp lên một ngọn lửa cho dù le lói thì ít nhất cũng thấy đường mà đi. Vả lại, trong trải nghiệm, đọc chuyện xấu, nghe mãi chuyện xấu thì thêm buồn bực, cáu gắt, thậm chí bi quan mất phương hướng, nhưng chứng kiến hoặc đọc chuyện tốt thì có thể rơi nước mắt, khơi dậy sự tốt đẹp trong mỗi con người và thấy yêu đời hơn.

Họ có lý do sâu sắc để tin tưởng vào việc làm của họ. Nhớ lại, từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã viết đại ý, nêu một tấm gương tốt có hiệu quả xã hội hơn một trăm bài diễn thuyết. Rồi ngay từ xa xưa, học giả Thales của thời cổ Hy Lạp đã từng nói đại ý, trẻ con thường bịt tai trước các lời khuyên nhưng sẽ trố mắt ngắm nhìn các việc tốt. Do đó, nêu gương người tốt, việc tốt hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ là hướng phấn đấu kiên trì của những ngòi bút đầy tính nhân văn.

Tuy nhiên, chung quanh chuyện bếp núc nghề nghiệp, có lần, một hai bạn đồng nghiệp trẻ tâm sự với tôi, mở ra một cuộc trao đổi ý kiến nhỏ:

- Xem ra viết điều tốt thì an toàn, có nói quá lên cũng không ai trách phạt, không gây thù oán?

- Ấy chết, sao lại nghĩ như thế ! Nói quá cái xấu hay cái tốt đều không nói thật; nói dối nào cũng là nói dối, đều là sự lừa dối bạn đọc. Tôi nghĩ nói cái xấu sai có khi làm tổn thương một vài người, một tổ chức, cũng là mắc tội. Còn nói cái tốt sai, thổi phồng lên thì có khi hại rất nhiều người, có khi đưa tới đánh giá sai con người rồi cất nhắc, đề bạt sai một số người vào vị trí lãnh đạo, quản lý gây hại cho nhiều người, có khi làm hại đến cả đất nước.

- Thì cũng ghi nhận ý kiến bác. Cũng biết bác đã từng viết nhiều chuyện tốt. Khi viết các chuyện tốt có điều gì bác băn khoăn?

- Sợ đánh giá, biểu dương sai như tôi đã nói ở trên, mà tôi cũng không chỉ một lần sai đâu. Nhưng còn nhiều điều sợ nữa, bài đã đăng, đã phát trên sóng mà có yên thân đâu!

- Điều gì ám ảnh vậy?

- Là theo dõi việc đứng vững và phát triển của những việc và người mình ca ngợi. Không nói đâu xa, một số anh hùng thời kỳ đổi mới đã bị phá sản, có người vào tù đó thôi! Không biết những bạn từng viết và phát sóng tung hô họ có thấy băn khoăn gì không?

- Thật khó mà tính đường dài như thế!

- Ngòi bút có trách nhiệm với xã hội thì cũng phải suy nghĩ chứ! Đấy là chưa kể thời buổi này có rất nhiều cạm bẫy từ sự ham hố quyền lực, danh vọng, tiền tài làm cho con người biến đổi nhanh lắm. Có thể khi mình viết thì họ tốt và tốt thật sự nhưng sau đó hư hỏng do thiếu bản lĩnh, không chế ngự được lòng tham mà rơi xuống hố. Rồi cũng có khi mình ca ngợi quá lời, thổi thành “Sao”, thành “Hậu” gây cho họ ảo tưởng về sự “vĩ đại” sinh ra kiêu ngạo, coi thường mọi người, coi thường pháp luật. Nhìn những nhân vật có thời báo chí ca lên mây xanh bây giờ ngã xuống bùn đen, những người viết dính vào chuyện đó chẳng day dứt lắm sao! Đấy là mối lo lớn và dài đấy bạn ạ!

- Bác nói có lý, nhưng chỉ những người viết có trách nhiệm thì mới day dứt như bác nói, còn bây giờ, nhiều bạn viết bài xong dựng phim xong, báo đăng, đài phát, lĩnh nhuận bút là coi như xong mọi chuyện.

- Nói về những người như thế làm gì! Một hôm tôi thấy trên đài một nhà báo nổi tiếng đã nức nở ngậm ngùi khi xin lỗi khán giả vì mình đã giới thiệu nhầm một tấm gương tốt nay thành người hư hỏng mà thấy những cây bút có trách nhiệm với xã hội như thế đâu có ít!