Có lẽ bởi thời điểm tôi đến đây là vào đầu tháng 9, chớm thu, khi lá những cây phong còn chưa kịp đỏ… nên những con phố ở Tokyo có mầu nâu non. Tokyo có tháp Sky Tree, có những tòa cao ốc mang mầu xám của thép. Nhưng gam mầu của những mái nhà, của gạch lát vỉa hè, của những vách tường và những ô cửa gỗ trên những con phố nhỏ vẫn là nâu non. Cái gam mầu ấy hiện diện cả trong phong cách ẩm thực của người Nhật Bản qua cách bài trí quán xá tinh tế, từ những vách ngăn ấm cúng đến chiếc khay bày sushi, những bát mì ramen… Dường như ẩn chứa trong gam mầu ấy là một nhịp đập chầm chậm của Tokyo.
Bạn cũng có thể cảm nhận được nhịp đập ấy ở giấc ngủ say của một người Tokyo trên chuyến tàu tối, ở tiếng quạ kêu mỗi sáng sớm giữa lòng thành phố, ở một con dốc lấp ló những ô cửa gỗ cũ kỹ hay một góc công viên bất chợt mình đi qua…
Hay cũng có thể đó chỉ là vòng quay của bánh xe đạp. Dân Tokyo đi lại chủ yếu bằng phương tiện giao thông công cộng với mạng lưới tàu điện tiện lợi và hiện đại bậc nhất, nhưng trên mỗi vỉa hè, con phố… đâu đâu cũng thấy bóng dáng những chiếc xe đạp. Rất dễ để bắt gặp những chiếc xe đạp thong dong dưới hàng cây trong Công viên Yoyogi, hay bánh xe có đôi chút gấp gáp giữa dòng người đi bộ đông đúc ở khu Ginza trong giờ cao điểm…
Ở đây người ta đi xe đạp trên vỉa hè, băng qua các ngã tư bằng phần đường dành cho người đi bộ. Sẽ không khỏi ngạc nhiên khi giữa một thành phố có nhịp sống công nghiệp hiện đại nhất thế giới, xe đạp lại trở thành một phương tiện phổ biến đến thế? Tiền thuê nhà ở Tokyo nổi tiếng đắt đỏ, càng ở gần ga tàu thì giá càng cao. Vì vậy, một gia đình công chức điển hình Tokyo thường thuê, hoặc mua nhà ở xa ga một chút rồi đi xe đạp tới ga, gửi xe ở ga và đi tàu đến nơi làm việc. Như vậy sẽ tiết kiệm được kha khá! Chính vì vậy, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc xe đạp trong nhà. Theo một thống kê thì ở Tokyo, cứ 100 người dân có 72 người sở hữu xe đạp.
Hai tuần ở Tokyo, sáng nào nhà hàng của khách sạn Sunroute Shimbashi cũng cho khách lựa chọn giữa hai món sandwich, một có kẹp trứng bỏ lò, một không bỏ lò có hai trứng luộc đi kèm… Ðó có vẻ là một chọn lựa dễ chịu bởi Tokyo là một thành phố đắt đỏ bậc nhất. Dàn âm thanh của nhà hàng hay mở nhạc giao hưởng. Ngồi đây, chúng tôi có thể vừa ăn sáng vừa nghe một bản nhạc cổ điển, nhìn qua cửa kính ra một khoảng không Tokyo. Ðường phố lúc ấy bắt đầu giờ cao điểm. Những dòng người vội vã đổ đến các nhà ga. Chỉ qua con đường này là một công viên nhỏ của khu Shimbashi. Ở một góc khuất công viên, sáng nào cũng có một người đàn ông vô gia cư bẻ vụn bánh mì cho chim bồ câu ăn. Tokyo có rất nhiều quạ và bồ câu...
Chiều muộn những ngày cuối tuần ở Công viên Shimbashi thường có mấy bạn trẻ đến chơi nhạc. Những nghệ sĩ đường phố chơi violon đến nửa đêm. Người Nhật Bản yêu nhạc cổ điển. Người ta từng thống kê rằng Nhật Bản là đất nước có tỷ lệ người dân nghe nhạc cổ điển nhiều nhất thế giới. Tokyo năm nào cũng tổ chức một chương trình hát chung với nhau. Khi ấy, hàng nghìn người sẽ cùng hát nhạc phẩm Ode to Joy từ tác phẩm Ninth Symphony của nhà soạn nhạc người Ðức Ludwig van Beethoven.