Rất nhiều tư liệu phong phú và có giá trị về mặt pháp lý và lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được lựa chọn trưng bày tại đây. Có thể kể đến các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 (trong đó có bộ sưu tập châu bản triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đến thời Bảo Đại), sưu tập bản đồ, tư liệu, hình ảnh, bốn cuốn atlas do Trung Quốc xuất bản và bộ atlas Thế giới gồm sáu quyển liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai hòn đảo, sưu tập 102 ấn phẩm xuất bản tại châu Âu từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 có thông tin liên quan đến hai quần đảo và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Trong các tư liệu này, bản đồ Việt Nam đều được thể hiện gắn liền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi bản đồ Trung Quốc không hề đề cập đến hai quần đảo này.
Triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh, tư liệu phong phú về Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, những hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo của Việt Nam, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”.
Đây là Triển lãm lần thứ 43 được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các điểm đảo, Quân khu, Quân đoàn, Vùng cảnh sát biển 1. Triển lãm diễn ra từ ngày 20-11 đến ngày 24-11.