Hà Nội và VNPT đặt nền móng vững chắc cho thực hiện các mục tiêu chiến lược về chuyển đổi số

|

Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội khai trương ngày 6/12/2024 là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội của thành phố.

Đồng thời, đây cũng là mô hình hợp tác hiệu quả giữa thành phố Hà Nội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đặt nền móng vững chắc để Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược về chuyển đổi số toàn diện, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đáng sống và thịnh vượng.

Dữ liệu là then chốt, trung tâm dữ liệu là “xương sống”

Trong thời đại kỷ nguyên số, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý và bảo vệ dữ liệu. Trong đó, dữ liệu là yếu tố then chốt và trung tâm dữ liệu được ví như “xương sống” hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, cung cấp nền tảng cho việc lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu hiệu quả.

Vì vậy, việc phát triển các trung tâm dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp bảo đảm hoạt động ổn định và an toàn.

Theo báo cáo tại hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit, tổng dung lượng thị trường lĩnh vực Data Center (trung tâm dữ liệu) năm 2024 đạt khoảng 321 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%.

Thông tin từ Structure Research cũng cho thấy, thị trường dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ tại trung tâm dữ liệu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 13,3%/năm, dự kiến đạt 19.069MW công suất công nghệ thông tin quan trọng vào năm 2028, tương đương gấp gần hai lần so với năm 2023.

Trong báo cáo về thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Savills cũng đánh giá ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo đó, dự báo tại Việt Nam trong những năm tới sẽ bùng nổ về trung tâm dữ liệu với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%/năm.

Thực tế, chỉ trong vòng 2 năm nay, nhiều trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ra đời. Tháng 10/2023, VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam khi đó tại Hoà Lạc (VNPT IDC Hòa Lạc). Đây là trung tâm thứ 8 của VNPT, được đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, với tổng diện tích sử dụng 23.000 m2 sàn, quy mô 2.000 tủ racks, đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế, xây dựng lắp đặt.

Tháng 4/2024, Viettel cũng đã khai trương Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc với công suất 30MW, 60.000 máy chủ, hơn 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn.

Hiện Việt Nam có khoảng 33 trung tâm dữ liệu. Các trung tâm này đa số thuộc các công ty viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom. Một số trung tâm bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài như Gaw Capital, Worldwide DC Solution (Singpore),…

Bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của Thủ đô

Ngày 6/12, Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội đã chính thức khai trương tại VNPT IDC Hòa Lạc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Thủ đô.

Đáng lưu ý, để tối ưu nguồn lực, chi phí, tăng hiệu quả trong quá trình vận hành, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã áp dụng mô hình thuê dịch vụ. Trung tâm dữ liệu chính thành phố Hà Nội được đặt hạ tầng tại Trung tâm dữ liệu của VNPT khu công nghệ cao Hòa Lạc (VNPT IDC Hòa Lạc).

Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá: Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội.

Việc quản trị và khai thác dữ liệu hiệu quả không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

VNPT IDC Hòa Lạc.

Điểm nổi bật của Trung tâm là sử dụng công nghệ điện toán đám mây riêng, giúp các hệ thống dữ liệu hoạt động linh hoạt, an toàn và tiết kiệm chi phí. Hệ thống bảo mật được thiết kế với 6 lớp phòng thủ nghiêm ngặt, từ bên ngoài vào khu vực lưu trữ dữ liệu (Data Hall), bảo đảm an toàn dữ liệu ở mức cao nhất.

Đồng thời, đội ngũ chuyên gia vận hành tại trung tâm đều được đào tạo bài bản và sở hữu các chứng chỉ quốc tế như CDFOM, CDRP, CDMS, CTDC, CCNA, CCNP, sẵn sàng đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục 24/7.

Trung tâm dữ liệu này sẽ không chỉ phục vụ công việc quản lý của chính quyền mà còn là “cánh tay đắc lực” cho người dân và doanh nghiệp. Đã có hơn 300 ứng dụng công nghệ thông tin của Hà Nội được chuyển đổi lên nền tảng điện toán đám mây, từ đó giúp người dân Thủ đô dễ dàng truy cập các dịch vụ công trực tuyến, từ đăng ký hành chính đến các ứng dụng y tế và giáo dục,...

Trung tâm này cũng có nhiệm vụ bảo đảm quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố, bao gồm máy chủ tập trung và phân tán tại các đơn vị, quản trị mạng WAN kết nối tới tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, duy trì hoạt động ổn định và liên tục 24/7.

Bên cạnh đó, xây dựng, liên kết, tích hợp các phần mềm dùng chung và phần mềm chuyên ngành phục vụ chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và phục vụ công dân, doanh nghiệp.

Hiện mỗi ngày hệ thống của Trung tâm đang xử lý hàng triệu yêu cầu dữ liệu từ các ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố. Tuy nhiên, thông qua công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, mọi thứ đều được vận hành trơn tru, nhanh chóng và ổn định.

Theo các chuyên gia, Hà Nội đang đi tiên phong trong việc coi dữ liệu là “nguồn sống” của một đô thị hiện đại. Trung tâm Dữ liệu chính sẽ đóng vai trò hạt nhân trong việc xây dựng hệ sinh thái thành phố thông minh. Theo đó, dữ liệu từ các hệ thống giao thông, y tế, giáo dục, môi trường đều được kết nối và xử lý tập trung.

Điều này không chỉ giúp chính quyền quản lý hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ quyết định dựa trên phân tích khoa học, thay vì cảm tính. Dự án này được kỳ vọng Hà Nội sẽ trở thành biểu tượng của đổi mới sáng tạo và bền vững, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mô hình hợp tác hiệu quả

Trước sự kiện khai trương Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội, VNPT đã cũng đã đồng hành cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong nhiều dự án công nghệ thông tin quan trọng như triển khai Hệ thống thông tin báo cáo (VNPT-VRS) tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung (VNPT-iOffice), hỗ trợ hiệu quả cho công tác chỉ đạo và điều hành của thành phố,...

Do đó, Dự án Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội không chỉ là minh chứng cho sự tin tưởng mà thành phố dành cho VNPT, mà còn thể hiện bước đột phá trong cách tiếp cận công nghệ của Thủ đô. Thay vì tự đầu tư vận hành, Hà Nội đã chuyển sang mô hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin, một hướng đi được Chính phủ khuyến nghị nhằm tối ưu chi phí và nguồn lực.

Trung tâm không chỉ là một cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà còn là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của Hà Nội. Hệ thống sẽ giúp các cơ quan nhà nước nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Đồng thời, việc tích hợp công nghệ tiên tiến như giải pháp ảo hóa VMware và phần mềm quản trị đám mây Morpheus Data còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong vận hành.

Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội được kỳ vọng sẽ là mô hình hợp tác hiệu quả, đặt nền móng vững chắc để Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược về chuyển đổi số toàn diện, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đáng sống và thịnh vượng.