Lời thì thầm của ngõ đá ong

|

Làng Việt đang biến đổi. Những con ngõ quê, nơi ẩn cất nhiều ký ức làng mạc cũng đang biến đổi. Nhưng may mắn thay, xứ Đoài vẫn còn nhiều ngõ đá ong như một di sản được trao truyền. Dưới làn mưa bụi, ngõ đá ong như dài hun hút. Cái cảm giác vừa đi chúc Tết dưới mưa xuân vừa chạm tay vào bức tường đá ong ở đó quấn quýt giàn trầu không, rũ xuống mấy bông hồng gai long lanh thơm phức là thứ quà tặng quý giá, là lời chúc thì thầm của ngàn xưa vọng về…

1. Nhà văn Hà Nguyên Huyến có căn nhà ở giữa làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Cái làng Việt cổ này đã quá nổi tiếng, được du khách trong nước và quốc tế tìm về. Ngày nào cũng có khách, nhưng đông khách nhất vào những dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lễ. Nét độc đáo của làng cổ này, trong mắt nhiều người, đó là bởi chứa đựng nhiều di tích văn hóa lịch sử, chất chứa nhiều câu chuyện về Phùng Hưng, Ngô Quyền… Rồi những ngôi nhà cổ, ngôi đình Mông Phụ khang trang… Riêng tôi, lần nào về Đường Lâm, tôi cũng muốn đi quanh những con ngõ nhỏ trong làng. Những ngõ đá ong, ngõ gạch đất đượm dấu ấn thời gian, thoáng phủ những cọng rêu xanh mướt chứng thực nhiều sự đổi thay của người dân, từ cái lúc còn khó khăn vất vả cho tới hôm nay cuộc sống và sản xuất đã đổi thay nhiều.

Sở thích đi khám phá ngõ làng có lẽ chẳng riêng gì mình tôi. Vì thế, thấy nhà văn Hà Nguyên Huyến đã sắm cả chục chiếc xe đạp cho khách du lịch thuê để đi khám phá ngõ đá ong làng cổ. Đúng là với những người mới đến miền đá ong này, lại ít có thời gian lưu lại lâu, thì đạp xe thăm thú, chụp ảnh là một sự lựa chọn thú vị. Nhưng như thế, thì cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, thỏa mãn cái nhìn mà không biết được những câu chuyện ẩn cất trong những vỉa “đá ong khô nhiều ngấn lệ”. Bởi lẽ trong từng con ngõ luôn có những con người mà khi được khơi gợi, những câu chuyện trong sâu thẳm ký ức họ sẽ vang lên, kể cho chúng ta lai lịch từng ngôi nhà, thậm chí từng viên đá. Như khi lạc bước trong ngõ đá ong ở làng Đường Lâm, có thể bạn sẽ được gặp ông lang Quát. Không chỉ biết thêm một địa chỉ để khi cần mách cho người thân đến bốc thuốc, ta sẽ được nghe ông kể về những câu chuyện của ngõ, của làng; sự lo lắng, khó nhọc đắp đổi của cha ông đi trước khi tích trữ từng chục đá ong, dần dần trong nhiều năm mới đủ đá ong để xây cất những ngôi nhà mà cháu con ngày nay đang được thừa hưởng.

Vì thế, tôi mong sớm có một tour du lịch khám phá những ngõ đá ong xứ Đoài, để những câu chuyện trong ngõ làng được vang vọng thêm trong ký ức của nhiều người, dù người đó là dân thị thành hay ở một phương trời xa lạ lần đầu đặt chân tới.

2. Ngõ đá ong tất nhiên không phải là “đặc sản” riêng của dân làng Đường Lâm, cũng chẳng phải của riêng xứ Đoài. Ở nhiều nơi trên đất bắc này, đá ong đã được các cụ ngày xưa khai thác, trở thành vật liệu xây dựng tuyệt vời. Vì thế, chúng ta thấy đá ong xuất hiện khi xây dựng đình, đền, chùa… Đình đền, chùa miếu được xây bằng đá ong, cổng làng cũng được “kết” từ mấy vạn viên đá ong, rồi những ngôi nhà đá ong, những bờ tường đá ong, đến cả những bậc cầu ao, kè giếng… đâu đâu cũng thấy đá ong. Chọn đá ong, xưa là vì ít có sự lựa chọn, giá cả hợp lý và điều quan trọng đây là vật liệu có độ bền cao. Khi dựng nhà, gia đình nào điều kiện kinh tế khó khăn cũng phải cố thửa những viên đá ong tốt nhất để đặt làm móng. Sống trong những công trình xây bằng đá ong không chỉ tạo cảm giác an toàn, tươm tất mà còn giúp người ta thấy ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Đến nay, tại nhiều vùng, những ngôi nhà đá ong, những cổng làng đá ong đượm mầu thời gian trở thành những di sản mang hồn vía của làng Việt.

Lấy sức người đánh những vỉa đá thành từng viên, kích cỡ to nhỏ theo từng yêu cầu là cách người xưa đã làm. Và những ngõ đá ong cũng hình thành một cách hết sức tự nhiên, khi các gia đình cùng chọn lựa đá ong để dựng nhà, xây tường bao. Sự chọn lựa ấy vô tình tạo nên những con ngõ đá ong mà mưa nắng thời gian càng trôi qua càng lộ ra những nét độc đáo.

Nhưng có lẽ nơi còn nhiều ngõ đá ong nhất, và đá ong nổi tiếng nhất, chính là xứ Đoài. Đây là mảnh đất của đá ong, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy. Những vỉa đá ong trầm tích trong lòng đất đến nay vẫn được những người dân ở các thôn Yên Mỹ, Sen Chi, Cánh Chủ… của xã Bình Yên (Thạch Thất) khai thác. Người dân ở đây cho biết, đá ong trong khu vực này có hai loại: đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới đất. Những ngôi nhà, bờ tường nơi đây, dù được dựng mới hay đã từ lâu năm vẫn giữ được mầu sắc tươi tắn chứ không hề bị bạc mầu, thâm xỉn như đá ong ở các nơi khác.

Bước chân qua cổng làng được kết từ đá ong có tuổi đời hơn 400 năm ở Chi Quan (Thạch Thất) người ta có thể tìm thấy những bức tường đá ong cổ. Hay khi ta đặt chân đến làng cổ Hương Ngải, ngay đầu làng có quán Nghinh Hương đã thấy đá ong xuất hiện. Rồi vào sâu trong làng, dù nhiều ngôi nhà tầng xuất hiện ngay mặt trục đường chính nhưng vẫn còn nhiều ngõ đá ong mà bước sâu vào ta như lạc trong một miền cổ tích. Ở làng Bùng - quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng vậy. Những con ngõ nhỏ, sâu hun hút luôn mang lại cho người ta những ký ức nguồn cội. Có lẽ vì muốn gìn giữ lại những ký ức dân tộc ấy, nhiều người ngày nay khi dựng nhà mới cũng quyết định chọn toàn bộ vật liệu là đá ong. Như gia đình ông Nho ở Bình Yên (Thạch Thất), hay gia đình anh Thịnh dưới chân núi Thầy (Quốc Oai)…

Khác với những ngõ nhỏ xây bằng các vật liệu sành sứ, đá xếp ken lại như ở Thổ Hà (Bắc Ninh), cũng không đen xỉn mầu than như những ngõ nhỏ trong làng cổ Bát Tràng; ngõ đá ong xứ Đoài mang lại một vẻ đẹp của ngõ làng. Nó không thâm xỉn xù xì, mà thẳng thớm và tươi vàng ấm áp. Thời gian càng lâu, chất đá ong càng lộ ra, đất bám ở mặt đá không còn, cho ta một cảm giác thích thú khi chạm tay vào từng viên đá. Như khi ta đi vào những con ngõ đá ong còn sót lại ở Thạch Xá, Chàng Sơn, Cần Kiệm… chẳng hạn. Cái cảm giác vừa đi chúc Tết dưới mưa xuân vừa chạm tay vào bức tường đá ong ở đó quấn quýt giàn trầu không, rủ xuống mấy bông hồng gai long lanh thơm phức là thứ quà tặng quý giá, là lời chúc thì thầm của ngàn xưa vọng về, ta rất ít khi có được.