Tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường

|

Tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường luôn là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp. Những biến động bất thường từ bên ngoài là phép thử khả năng chống chọi và vươn dậy của mỗi doanh nghiệp. Nó đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp luôn phải sâu sát thị trường, tìm kiếm các thị trường điểm tựa cũng như có chiến lược đa dạng thị trường.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Thị trường trong nước phải là một điểm tựa

Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông - Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế đã làm cho thị trường Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Theo tôi, biện pháp cấp bách trong ngắn hạn là hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch, đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này...

Còn về dài hạn là thật sự coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào. Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Với 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia.

Không ai có thể bảo đảm rằng trong tương lai không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc..., khi gặp khó khăn sẽ không tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa. Chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này. Đồng thời, chúng ta cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hóa thị trường.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại, đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA... đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông - Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Nếu doanh nghiệp còn khó trong nước thì khó có thể tận dụng cơ hội bên ngoài

Mục đích tham gia các hiệp định thương mại FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài..., mà còn coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chệch hướng thương mại... Nhưng phần lớn các mục tiêu này là công việc tự thân của chúng ta. Hàm ý của điều này là, các đối tác của Việt Nam, kể cả trong EVFTA hay các FTA mà Việt Nam đã ký kết, chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các cam kết đã ký, còn hiệu quả thế nào thì lại là mối quan tâm của ta. Và đây chính là chìa khóa trả lời các câu hỏi vẫn treo lâu nay rằng, Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ các FTA như thế nào.

Phải nhắc lại, trong lần rà soát chính sách thương mại đầu tiên trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được thực hiện theo kỳ bảy năm một lần, WTO đánh giá Việt Nam tuân thủ tốt các cam kết. Tuy nhiên, cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam khai thác được từ WTO lại được nhìn nhận là không cao, chưa kể nhiều cơ hội đã bị biến thành thách thức khi khu vực đầu tư nước ngoài đang trở thành trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam... Vấn đề không chỉ là những thách thức với xu hướng mới, yêu cầu mới của các FTA, mà với cả những câu chuyện truyền thống, những nút thắt thể chế đã tồn tại lâu nay chưa được gỡ hết. Nếu doanh nghiệp còn khó ở trong nước, thì khó có thể tận dụng cơ hội ở bên ngoài.

Ông Lưu Tiến Chung - Tổng giám đốc Tổng công ty may Bắc Giang LGG: Xây dựng chiến lược khách hàng cân bằng hơn

Với hiệp định EVFTA có khả năng có hiệu lực ngay trong tháng 7-2020, Bangladesh đang bị hủy các đơn hàng từ EU do vấn đề trách nhiệm xã hội, Campuchia bị EU tạm ngừng ưu đãi phổ cập thuế quan, các doanh nghiệp dệt may cần mở rộng sản xuất để đón đầu lượng hàng chuyển về. Tuy nhiên, theo tôi vẫn cần duy trì cân bằng tỷ trọng các thị trường (Mỹ, EU, Nhật, Hàn...) để tránh rủi ro. Đồng thời áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến như LEAN, máy tự động để giảm thiểu chi phí bảo đảm có hiệu quả kinh doanh trong điều kiện chi phí lao động tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tuân thủ trách nhiệm xã hội đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn của các đối tác lớn.

Về lâu dài, sau dịch Covid-19 này thế giới sẽ nhận ra việc phụ thuộc vào một nguồn cung từ Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược khách hàng cân bằng hơn. Ngoài việc tìm kiếm và hợp tác với những đối tác có nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, hay các nước khác ngoài Trung Quốc. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc mở rộng nguồn cung nội địa. Đây là cơ sở để thuận lợi cho việc khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh làm FOB, chủ động sớm được nguồn nguyên phụ liệu. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ đứng vững hơn trước biến động thị trường. Tại LGG, hiện tại chúng tôi đã chủ động được 50% lượng nguyên phụ liệu hàng UNIQLO sản xuất từ nội địa và hướng tới sẽ nội địa hóa từ 80% đến 90%. Đây là mục tiêu quan trọng để ổn định sản xuất và khai thác tốt lợi ích từ các hiệp định nêu trên.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO): Tìm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để sản xuất

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng tươi như rau, củ, quả. Chính vì vậy, muốn tránh rủi ro cho những mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn thì ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu tươi, còn cần phải đặc biệt chú trọng đến khâu chế biến sâu. Chẳng hạn như đối với công ty chúng tôi, phần lớn sản phẩm được đưa vào chế biến thì dịch bệnh không gây biến động mạnh về giá cả cũng như lượng hàng xuất khẩu. Sản phẩm sản xuất ra của nông dân ở các vùng nguyên liệu của công ty cũng không bị tồn ứ. Các sản phẩm chiến lược của công ty là dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt... vẫn được tiêu thụ đều đặn ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện chúng tôi đã đầu tư nhà máy chế biến rau quả ở Ninh Bình, Bắc Giang. Và mới nhất là khánh thành một trung tâm chế biến rau quả ở Gia Lai. Sau khi đi vào hoạt động thì trung tâm chưa dừng buổi nào. Với các tổ hợp sản xuất, mỗi năm, trung tâm sẽ thu mua hàng trăm nghìn tấn rau quả và nông sản các loại của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật... Đến nay, những lô hàng đầu tiên do Trung tâm sản xuất đã được xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Israel, Mỹ, Nhật Bản... Ngoài ra, sản phẩm của Công ty cũng có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn ở Việt Nam. Năm nay chúng tôi sẽ khởi công xây dựng thêm một Trung tâm chế biến ở Sơn La, sau đó là Tiền Giang để bảo đảm thu mua rau quả cho bà con trong vùng. Vì thực tế, khách hàng trên thế giới còn rất nhiều, vấn đề quan trọng là chúng ta phải có đủ năng lực chế biến sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của họ.

Tăng cường chế biến sâu giúp nông sản có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới. Ảnh | QUANG HIẾU

Ngoài việc tập trung chế biến, thì để chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường có cùng chủng loại sản phẩm thì phải tìm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để sản xuất. Thí dụ như Brasil vốn là một đất nước sản xuất và xuất khẩu chanh leo rất mạnh, nhưng hiện vẫn nhập các sản phẩm chanh leo của chúng tôi. Lý do là vì chanh leo Việt Nam có khả năng cạnh tranh rõ nét khi trồng ở các vùng có địa hình cao so với mực nước biển như toàn bộ vùng Tây Nguyên hay một số vùng ở tỉnh Sơn La, đó là lợi thế tạo ra chất lượng vượt trội mà nhiều quốc gia khác không có, chúng ta cần tận dụng triệt để nhằm tạo ra sự khác biệt cho từng sản phẩm.