Sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số điểm lạc hậu, không theo kịp dòng chảy sáng tạo đang thay đổi nhanh chóng. Vậy để bắt kịp và đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần phải tập trung thay đổi những điểm mấu chốt nào, thưa bà?
Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009 được Quốc hội thông qua cách đây hơn chục năm, chưa phải là quá lâu so với nhiều bộ luật khác. Thế nhưng, nếu ở thời điểm ban hành, điện ảnh đang tồn tại ở định dạng truyền thống - phim nhựa thì từ năm 2013, định dạng kỹ thuật số "lên ngôi" khiến những quy định trong bộ luật trên cơ sở "hoạt động điện ảnh phim nhựa" không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển.
Bộ luật trước đây chủ yếu xây dựng trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật nên các điều khoản chủ yếu điều chỉnh hoạt động sáng tác - phát hành - phổ biến tác phẩm điện ảnh mà chưa quan tâm tới khía cạnh phim là loại hàng hóa đặc biệt và luật phải điều chỉnh thị trường cho loại hàng hóa này. Nhưng trong thực tế, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Bởi thế, để có thể tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, Luật phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để vừa tái sản xuất vừa tạo ra các tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh vừa có hiệu quả kinh tế xã hội.
Trào lưu làm phim chiếu mạng (web drama) cùng sự lên ngôi của phim trực tuyến vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đặt ra những vấn đề mới, khi nhiều website cùng các nền tảng cung cấp phim (cả miễn phí lẫn thu phí) nhưng không được các cấp có thẩm quyền cấp phép phổ biến dễ dẫn đến những sai phạm khó lường. Vậy thực tế hoạt động thẩm định nội dung phim hiện nay ra sao, thưa bà?
Hiện, có ba hình thức phổ biến phim: trong hệ thống rạp chiếu - trên hệ thống truyền hình và trên không gian mạng. Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim của Cục Điện ảnh chịu trách nhiệm thẩm định nội dung, cấp phép toàn bộ phim chiếu rạp, cả tác phẩm sản xuất trong nước lẫn phim nhập khẩu. Các địa phương được thẩm định và cấp phép phổ biến phim tài liệu và phim hoạt hình. Để phim có thể xuất hiện trên màn ảnh nhỏ phải có quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Còn quản lý phim trên không gian mạng hiện đang là khoảng trống, khi chưa có sự phân cấp hoặc chỉ định rõ đơn vị hoặc hội đồng nào sẽ đảm nhận công việc này. Bởi thế, các nhà mạng đang tự thẩm định, tự đưa lên và tự chịu trách nhiệm về những web drama, những bộ phim trực tuyến do mình trực tiếp phát hành.
Trong thực tế cũng đã từng nảy sinh một số vấn đề liên quan tới nội dung, bản quyền được dư luận phản ánh nhưng với lượng phim quá lớn phổ biến trên mạng internet cùng các nền tảng OTT, có thể gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần số phim chiếu rạp thì hội đồng nào duyệt cho xuể? Bởi thế, quản lý phim chiếu mạng theo phương thức truyền thống là điều không thể. Chỉ với 200-300 phim chiếu rạp mỗi năm mà các thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia đã đều cảm thấy quá tải, vì vậy "hậu kiểm" là phương án mà tất cả các nước đã và đang làm.
Cả hai hướng "tiền kiểm" và "hậu kiểm" đều đã được Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra để lấy ý kiến. Nhưng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính công bằng giữa hai phương án này, bà nghĩ sao?
Trong nội dung Dự thảo, phim chiếu rạp và phát trên truyền hình sẽ theo hình thức "tiền kiểm" cấp phép phân loại. Còn phim chiếu mạng sẽ theo hướng "tự phân loại và hậu kiểm" tức là nhà mạng tự dán nhãn và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu vi phạm sẽ có chế tài nghiêm khắc để xử lý. Bảo đảm thật sự công bằng là rất khó nhưng không còn cách nào khác. Đã có những ý kiến cho rằng phim chiếu rạp có quy trình thẩm định chặt chẽ trong khi phim trên truyền hình dễ qua cửa kiểm duyệt hơn nhiều. Cùng chung hình thức "tiền kiểm" mà còn thế, việc "hậu kiểm" trông vào bộ lọc của nhà mạng thì tất nhiên càng khó đạt tới sự "công bằng" tuyệt đối.
Đúng là nan giải khi đòi hỏi một phương án tối ưu, nhưng từ góc nhìn của một người đã đồng hành cùng điện ảnh nước nhà nhiều năm, cần làm gì để "hậu kiểm" đạt tính khả thi như mong muốn, thưa bà?
Yêu cầu đầu tiên là cần có quy định thật chi tiết và cụ thể, rõ ràng và minh bạch, tránh những ngôn từ có thể gây suy diễn hoặc "cố ý" hiểu nhầm về các nội dung bị cấm trong phim cũng như tiêu chí phân loại phim với từng độ tuổi. Thí dụ, theo Điều 20 quy định việc phổ biến phim trên không gian mạng có điểm c - khoản 1, "phim chưa có giấy phép phân loại thì tổ chức cá nhân tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại phim". Căn cứ để "lọc" phim là Điều 8 quy đinh "những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh", tuy có sửa đổi, bổ sung ít nhiều nhưng cơ bản vẫn chung chung, nhiều chỗ "định tính" một cách rối rắm hoặc sơ sài. Trong khí đó, một số chỗ thừa và trùng lặp, nhắc lại quy định trong các bộ luật khác (Luật Dân sự, Luật An ninh mạng...), nhưng lại thiếu hẳn những quy định chi tiết. Theo tôi, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm phân loại phim của các nước để đưa ra những quy định dễ hiểu, dễ áp dụng để các nhà mạng có thể áp vào "ba rem" đó mà tự "lọc" và phân loại, đồng thời tránh được những tranh cãi, phản ứng trong quá trình phân loại phim sau này.
Ngoài ra, với những tác phẩm được phân loại cao nhất (như C18) thì cần phải kèm theo quy định về hạn chế chiếu phim (số lượng rạp chiếu, số buổi chiếu, giờ chiếu) bởi nếu phổ biến tràn lan thì cái nhãn C18 dễ trở thành tác nhân kích thích người xem. Thêm vào đó, cũng cần bổ sung quy định về việc thẩm định nội dung các sản phẩm quảng cáo đi kèm (teaser, trailer, poster...) nhằm tránh xu hướng câu khách, kích động và phản cảm.
Để quản lý hiệu quả nội dung, yêu cầu đặt ra cho Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải chặt chẽ nhưng cũng phải phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh, môi trường sáng tạo điện ảnh hiện nay, bởi với những nền tảng xuyên biên giới, việc quản lý hành chính sẽ rất khó khăn nếu không nói là bất khả thi. Tóm lại, luật phải đúng - đủ nhưng cũng cần có sự phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của điện ảnh theo quy luật cuộc sống, nếu duy ý chí và đưa ra những biện pháp quản lý hành chính cứng nhắc thì sẽ không hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn bà!
Sau nhiều năm thực thi, một số quy định của Luật Điện ảnh 2006 đã trở nên lỗi thời hoặc chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong công tác quản lý và phát triển ngành. Luật chưa quy định cụ thể đến phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên internet đối với các nhà phát hành có máy chủ đặt tại Việt Nam, cũng chưa đề cập đến phương thức phát hành phim xuyên biên giới hay phân định rõ trách nhiệm quản lý phát hành và phổ biến phim trong môi trường số, qua vệ tinh, trên internet và các phương tiện truyền thông khác. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, kiểm soát phim phát hành trên các nền tảng OTT (over-the-top app) rất phức tạp và đang còn tồn tại khá nhiều bất cập nên cần phải siết chặt quản lý hơn nữa. Tuy nhiên, quản lý không đơn thuần là kiểm soát mà phải tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để các nhà sản xuất, các đơn vị phát hành có thể đầu tư và khai thác tốt nhất trong lĩnh vực mới mẻ này. Đó cũng là cái đích mà Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang hướng tới, trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo.