Thơ từ “Mách bảo của trái tim”

|

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh lại ra sách mới, tập thơ: “Vang âm tiếng sóng” (NXB Văn học) vào những ngày cuối năm 2022. Như một người lao động luôn có sẵn công cụ trong mình - chữ nghĩa - ông dường như chưa bao giờ ngơi nghỉ, năng lượng luôn tràn đầy, luôn nhiệt tình để đi - ngẫm ngợi và viết...

Theo chính Nguyễn Hồng Vinh tự bạch, “Vang âm tiếng sóng” là tập thơ thứ 11 của ông, và cũng là cuốn thơ thứ 2 chỉ riêng trong năm 2022 nhiều biến chuyển. Có lợi thế là một nhà báo tên tuổi, từng là một nhà quản lý báo chí ở những cấp bậc cao nhất, Nguyễn Hồng Vinh luôn giữ được con mắt nhìn tỉnh táo, thực tế và lạc quan trước sự vật, đời sống. Con mắt ấy cũng được chuyển hóa vào thơ, để thơ ông luôn có nhịp thở thời cuộc, luôn đau đáu với muôn nẻo đường đời: “Anh viết theo ngọn lửa, Mách bảo của trái tim, Cả khi ngồi câu cá, Nghĩ về điều buồn phiền, Đang làm Dân khốn đốn”. Ông dường như không chủ ý làm thơ, chỉ là đi giữa những ngày thường ồn ã, “bệnh” nghề nghiệp của một nhà báo khiến ông chăm chú quan sát, lắng nghe mọi thay đổi, nhận biết được những cục cựa của cuộc sống chung quanh mình và ông dùng sự nồng nhiệt của tâm hồn, trái tim ghi lại những trạng thái cảm xúc đó. Nói tiếng lòng mình, nên thơ Nguyễn Hồng Vinh thường chân chất, tự nhiên, bởi đó là những lời chân thành được lẩy nhịp từ chính cuộc sống. Đó cũng có thể là những suy tư được bật ra trong mỗi khoảnh khắc bất kỳ: “Bạn hớt hải hỏi: Anh vừa gọi máy tôi, Hay do lỡ chạm tay. Tôi tỉnh khô: đúng là chạm tay, Vì chẳng còn chi để nói, Khi những tin đồn thổi, Cứ quay như đèn cù. Tôi mong cấp trên, Chạm tay máy anh, Nếu là việc vô tình, Cũng là niềm an ủi”. Cảm giác hẫng hụt này, cái ước muốn đắng ngắt này hình như đã từng diễn ra ở không ít người. Thơ Nguyễn Hồng Vinh, thảng hoặc có những phát hiện thú vị như thế...

Vì không dụng ý làm thơ, để thơ tự đến như một thói quen thường ngày, nhiều lúc thơ đã đến với nhà báo Nguyễn Hồng Vinh thật điệu đà, xinh xẻo: “Ngỡ em nhả tơ từ kiếp trước, Để anh ám ảnh một kiếp tằm, Kìa sông chảy xuôi, cá lội ngược, Đôi mình như mắc lưới tình duyên”; hay “Hoa sưa trắng nỗi niềm xưa, Sáng trưa chiều tối đón đưa em về, Hoa sưa bừng nở còn nghe, Tiếng chim líu ríu đầu hè nhắc ai”... Và nữa “Tưởng gói kỹ lá xanh, Giữ hương tình vẫn thắm, Đông tàn rồi xuân sang, Cứ vời xa thăm thẳm”..., trong “Vang âm tiếng sóng” đã gặp không ít những tự tình trong trẻo, dễ đồng cảm như thế. Hồng Vinh vẫn đi nhiều, đi để sống và viết - cái kỹ năng được tôi luyện cả đời của một nhà báo nhiều thành công - đắm mình vào thực tế - thúc đẩy nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh liên tục cho ra những tập thơ dày dặn. Khi đã có một sự nghiệp đủ đầy, thơ với Nguyễn Hồng Vinh có lẽ để vui, để ông được thủ thỉ với chính ông sau những tháng ngày dành cho thế sự...