Thế giới phía sau họ

|

Bóng đá Italia một lần nữa lại chao đảo với vụ án một số cầu thủ chơi cá cược bóng đá. Những lời khai đã được đưa ra, những bản án cũng được tuyên, những số phận ngôi sao bắt đầu bị đày ải trong một quãng thời gian bi kịch không bóng đá. Nhưng phía sau họ, phía sau cuộc sống của họ, đó là một thế giới chẳng giống bình thường.

1. Những cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới mà chúng ta thấy hằng tuần trên truyền hình là những hình mẫu đáng mơ ước. Họ giàu có, sang trọng, được ngưỡng mộ, đá bóng giỏi và hào quang vây quanh. Nhưng chẳng có gì là đơn giản. Thế giới của các cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ nổi tiếng ẩn chứa nhiều điều ít ai tưởng tượng ra. Nói đơn giản, nó không giống như chúng ta. Khi ta còn trẻ, ai cũng có đôi lần thử làm những điều ngu ngốc, những điều đáng lẽ không được phép xảy ra. Rồi khi trải qua, lớn lên mới thấy có những thứ thuộc về kỷ niệm, là bài học để trưởng thành. Vậy mới cần giáo dục, vậy mới có những trường học ở Italia, Đức, Pháp... tổ chức cho học sinh tham quan... nhà tù. Giá trị của hình ảnh, thực tiễn quyết định khá nhiều ý thức. Những sai lầm và nhận ra sai lầm khiến người ta tốt hơn.

Những cầu thủ bóng đá dù nổi tiếng, giàu có đến mấy cũng có những va vấp, song va vấp của họ lại phần lớn đến từ cuộc sống mà họ nỗ lực hướng tới để thành công. Nicolo Fagioli, cầu thủ bị bắt trong vụ cá cược vừa rồi đã khai với công tố viên, trong đó có đoạn: “Một cầu thủ bóng đá có nhiều thời gian rảnh rỗi, lại trải qua cảm giác hồi hộp khi đánh cờ bạc và nó là cách để vượt qua sự nhàm chán. Và cứ theo thời gian, nó trở thành nỗi ám ảnh”. Cuộc sống của những cầu thủ bóng đá rất khác cuộc sống của chúng ta, chẳng có nhiều màu sắc hay những trò đùa dại dột. Và có lẽ, sự buồn chán của một cuộc sống nhạt nhẽo còn đáng sợ hơn những trò nghịch dại. Họ không thể và không có thời gian để đi chơi, giao du, phiêu lưu với bạn bè, không thể trốn học, đi chơi game, hay đơn giản chỉ là một buổi picnic ven sông.

2. Rất nhiều những câu chuyện được kể. Từ Beckham, Oezil đến Messi hay Ronaldo... Tất cả đều tập bóng đá từ nhỏ, thậm chí cuộc sống của những đứa trẻ ấy xoay quanh trái bóng, sân tập, thậm chí những lớp học cũng hướng ra sân vận động. Nhưng không dừng lại ở đó. Cả thế giới đều biết đến những cầu thủ ngổ ngáo, ngỗ ngược kiểu như Mario Balotelli, anh chàng từng lấy đồng đội làm bia để phi tiêu, đốt pháo hoa trong nhà tắm, đua xe trong vườn khi vừa nổi tiếng ở tuổi ngoài 20.

Mario Balotelli được biết đến với biệt danh như "ngựa chứng", "cậu bé hư"...

Khi anh nổi tiếng, có nghĩa anh là miếng mồi của truyền thông. Người ta tạo nên một Balotelli như thế. Nhân cách bị xóa và đè lên bởi yếu tố giải trí. Cơ cấu truyền thông và thương mại được tạo ra chung quanh hoạt động bóng đá và ngành nghề giải trí nói chung, nó còn hơn cả một trò đùa. Cộng với cuộc sống tẻ nhạt trước đó, một thế giới lạ lùng tạo ra những con người lạ lùng, đi ngược với cái gọi là... bình thường. Nó tạo ra tội lỗi, khi thực tế con người họ bị bóp méo.

Khi các công tố viên Italia tuyên bố những ngôi sao như Fagiolo, Tonali, Zaniolo đã từng đặt cược hàng triệu euro vào các trận bóng đá, câu chuyện bị đẩy đi xa, dù họ có thể chỉ đặt cược những thứ kiểu như: ném biên, phạt góc, thẻ vàng, thay người... Nhưng tội lỗi vẫn là tội lỗi và nó là kết quả của cuộc sống nhàm chán, trong khi túi quá nhiều tiền. Và bởi, thế giới của họ chỉ có bóng đá mà thôi. Bóng đá để làm việc kiếm tiền, bóng đá để trốn chạy và bóng đá để phạm sai lầm. Những người chỉ biết về bóng đá thì không giỏi đá bóng và những người chỉ biết chơi bóng đá thì chẳng biết gì về cuộc sống.

Những cầu thủ được lập trình cuộc sống tuân theo một chương trình cô lập từ năm 6, 7 tuổi với tôn chỉ là sự giàu có, vinh quang, cống hiến. Ở châu Âu, nơi bóng đá phát triển, cầu thủ không đến trường học thông thường mà có trường riêng dành cho họ. Cũng không có giờ giải lao quen thuộc, không có phiếu điểm hay sau giờ học cũng không học thêm hay làm bài tập về nhà. Họ tập luyện. Dĩ nhiên ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt. Họ đơn giản đến... nhàm chán.

Vậy nên thời nào cũng có những kiểu Balotelli. Xưa có G.Best uống rượu đến mức lương đá bóng, quảng cáo... khủng khiếp vẫn không đủ. P.Gascoigne cũng đến mức suy sụp. Có những sai lầm tha thứ được, những sai lầm thuộc về cá nhân và cả những sai lầm không thể cứu vãn.

Thí dụ như thủ thành tuyển Đức R.Enke, tuyển thủ xứ Wales Gary Speed... Họ đều tự vẫn. Áp lực, sự chán nản, chứng bệnh trầm cảm và những ám ảnh cuộc sống.

Tonali bị treo giò dài hạn vì tội cá cược bất hợp pháp.

3. Không thể phủ nhận rằng vụ việc của Tonali, Fagiolo là sai trái và họ đã nhận án treo giò. Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế. Các chuyên gia tâm lý xã hội ở Italia thậm chí đã nghiên cứu về vấn đề tâm thần học đối với cầu thủ và tạo ra thuật ngữ “nghiện cờ bạc” và đó là một trong những kết quả của vấn đề xã hội học. Hội chứng này được đưa vào nhóm chẩn đoán rối loạn kiểm soát xung động, những rối loạn đặc trưng khi xuất hiện các hành động không kiểm soát được. Đặc biệt, ở những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này hành vi có vấn đề dai dẳng hoặc tái diễn liên quan đến cờ bạc, dẫn đến ám ảnh hoặc suy giảm chức năng cá nhân đáng kể về mặt lâm sàng.

Để chứng minh, các nhà xã hội học đã nghiên cứu và công bố năm 2020, tổng khối lượng cờ bạc tại Italia có giá trị 88,38 tỷ euro, trong đó có 42% trẻ em từ 14-19 tuổi từng tham gia ít nhất một lần. Và không trùng hợp khi bóng đá Italia là nơi chứng kiến quá nhiều bê bối dàn xếp hay các hoạt động phạm pháp trong bóng đá liên quan đến cá cược, phạm pháp.

Và cuối cùng, ở sâu thẳm nguyên do, đó là những vấn đề xã hội, ý thức, nhận thức và một thế giới riêng, khác biệt luôn ẩn sâu phía sau mỗi cầu thủ!