“LỘT” TÊN, “XÀO” SÁCH
Năm học 2010 - 2011, nhằm hỗ trợ học sinh ôn thi vào lớp 10 THPT, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng biên soạn và cho ra đời hai cuốn sách “Tài liệu ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên môn Ngữ Văn” và “Bộ đề ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên môn Toán”.
Cuốn Văn do nhóm tác giả “NGƯT Nguyễn Kim Thư (Phó phòng THPT), Th.S Phan Thanh Hà (Chuyên viên phòng GDPT), Hồ Minh Thông (GV trường THCS Lê Văn Thiêm), Võ Xuân Lạng (chuyên viên phòng GD-ĐT Kỳ Anh), Đặng Thị Hảo (chuyên viên phòng GD-ĐT Nghi Xuân), Th.s Nguyễn Trọng Đức và Th.s Đậu Quang Hồng (giáo viên Trường THPT Năng khiếu Hà Tĩnh)” thực hiện. Cuốn Toán do nhóm tác giả “Nguyễn Viết Phú (chuyên viên phòng GDPT; Th.s Lê Phi Hùng (giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh), Phạm Quốc Phong (giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh), Đặng Hải Giang (giáo viên Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên), Nguyễn Huy Triển (chuyên viên Phòng GD-ĐT Hồng Lĩnh), Bùi Hải Bình (giáo viên Trường THCS Lê Văn Thiêm)” thực hiện.
Cả hai cuốn sách nói trên đã được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, có mã số lần lượt là 2L-21ĐH 2011, 1L-35ĐH 2011, và Quyết định xuất bản số 13LK-XH/QĐ-NXBĐHQGHN, số 19 LK-TN/ QĐ-NXB ĐHQGHN. Cả hai cuốn sách in xong đều được nộp lưu chiểu quý 1 năm 2011. Sau khi được xuất bản, hai cuốn sách đã được phát hành rộng rãi, nhanh chóng thuộc diện sách “bán chạy” trong năm 2012 và được giáo viên học sinh phản hồi tích cực, yêu cầu tái bản.
Nhưng sách chưa kịp tái bản thì vào thời điểm ôn thi vào lớp 10 THPT năm 2012 - 2013, trên các quầy sách tại địa bàn tỉnh Nghệ An lại xuất hiện hai cuốn sách “Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10THPT năm học 2012 - 2013 môn Toán” và “Bồi dưỡng học sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012 - 2013 môn Ngữ văn” do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm chịu trách nhiệm xuất bản với cùng mã số: 02.02.983/1181-PT2012, đăng ký KHXB số 78-2012/CXB/983-43/ ĐHSP cấp ngày 13-1-2012, in và nộp lưu chiểu tháng 3 năm 2012.
Khi mua cuốn sách này về, phụ huynh học sinh và một số giáo viên tỉnh Nghệ An phát hiện nội dung giống y chang so với cuốn đã xuất bản tại tỉnh Hà Tĩnh. Riêng môn Ngữ Văn chỉ có thêm vào phần: “Văn học địa phương” với hai bài “Thăm lúa” và “Nghệ An trong lòng Tổ quốc Việt Nam”. Sự khác nhau chủ yếu chỉ ở trang bìa, tên của cuốn sách được sửa lại và bị lột hết tên tác giả thật, thay vào đó là những cái tên lạ hoắc: T.S Nguyễn Đức Khương - Th.s Nguyễn Lan Anh (tác giả cuốn Ngữ văn) và PGS.TS. Trần Văn Tân - Th.S Lê Thị Hương (tác giả môn Toán).
Không chỉ học sinh, phụ huynh trên địa bàn tỉnh Nghệ An bức xúc mà ngay chính những người biên soạn hai cuốn sách của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng bất ngờ vì họ không hề được xin phép tái bản, lại còn bị lột hết tên, mất bản quyền đối với công trình sách của mình. “Cảm giác lúc đầu khá bất ngờ, sau đó chúng tôi hết sức tức giận vì thái độ coi thường nhóm biên soạn và hơn hết là sự lừa dối học sinh. Rất may nội dung hai cuốn sách chúng tôi biên soạn rất tốt, còn nếu không thì ngành giáo dục Nghệ An đã ăn một quả đắng”, một thành viên trong Hội đồng biên soạn hai cuốn sách vẫn chưa hết bức xúc nói.
Trước việc vi phạm đạo đức và pháp luật nói trên, lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Tĩnh vào cuộc và bất ngờ phát hiện một bản hợp đồng kinh tế do ông Nguyễn Ngọc Lạc, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh ký với Công ty cổ phần sách, thiết bị GD Nghệ An do bà Bùi Thị Trầm - Trưởng phòng kinh doanh đại diện. Tại bản hợp đồng này, bên A là ông Nguyễn Ngọc Lạc ký và bên B do bà Bùi Thị Trầm ký. Sai phạm tại bản hợp đồng này là điều khoản trắng trợn : “Bên A đồng ý cho bên B thay đổi tên chủ biên và tác giả; bên B đã đặt cọc trước cho bên A 22 triệu đồng; Số còn lại sẽ trả vào ngày 30-8-2012”. Trước sự việc rõ ràng như vậy, ông Lạc đã xin lỗi các tác giả hai cuốn sách và đã bị Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh phê bình, khiển trách.
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ ĐẠO SÁCH LÀ AI?
Đằng sau câu chuyện này, dư luận còn đòi hỏi làm rõ tác giả đạo sách (T.S. Nguyễn Đức Khương - ThS. Nguyễn Lan Anh và PGS.TS.Trần Văn Tân - Th.S Lê Thị Hương) là ai? Nhóm phóng viên chúng tôi đã cất công tìm hiểu qua nhiều nguồn, cũng như hỏi một số giáo sư, nhà viết sách giáo dục nhiều năm nhưng tất cả đều lắc đầu không hề biết về những “nhà đạo sách” lạ hoắc này. GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định là người biên soạn nhiều cuốn sách Ngữ Văn nhưng ông cũng chưa bao giờ nghe tên T.S. Nguyễn Đức Khương và coi đây là một vụ vi phạm bản quyền tác giả trắng trợn, Nhà xuất bản ĐHSP phải trả lời cho dư luận. Còn PGS, TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân lập Lương Thế Vinh cũng cho rằng: “Là người hoạt động trong lĩnh vực toán học, nhiều lần biên soạn sách toán nhưng tôi không hề nghe tên PGS.TS. Trần Văn Tân bao giờ. Phải làm rõ người này là ai, đạo sách vì tiền hay không, nhưng tôi nghĩ không có ông PGS.TS nào lại làm cái việc bậy bạ như thế”.
Đem câu hỏi này tới Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản hai cuốn sách tai tiếng nói trên, phóng viên được giám đốc Nhà xuất bản - PGS.TS Đinh Ngọc Bảo cho biết: “Sau khi sự việc bị phát hiện, chúng tôi thấy mình cũng có phần liên đới trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm chính ở đây thuộc về Chi nhánh công ty cổ phần Kỹ thuật mới tại Hà Nội, đơn vị liên kết xuất bản chịu trách nhiệm về nội dung, bản quyền. Về tác giả hai cuốn sách là ai, ông Bảo và những biên tập viên trực tiếp biên tập hai cuốn sách trước khi xuất bản cũng “bó tay” vì chưa bao giờ nghe thấy. Tuy nhiên, sự thật phần nào được hé lộ khi ông Bảo cho biết, lúc đầu bản thảo được gửi đến nhà xuất bản với tên tác giả môn văn là TS Nguyến Đức Khuông, trùng với tên của một thầy giáo chuyên viết sách của Đại học Sư phạm. Thấy ngờ ngợ, Nhà xuất bản đã hỏi ngay Giám đốc Chi nhánh công ty cổ phần Kỹ thuật mới tại Hà Nội hai tác giả này có phải là một hay không thì phía Chi nhánh khẳng định không phải và xin rút bản thảo về sửa lại thành một cái tên giống na ná là TS Nguyễn Đức Khương.
Theo chúng tôi, trong việc này, Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm chính vì theo Luật Xuất bản thì khi xuất bản sách, yêu cầu phải có hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật để bảo đảm tác quyền. Mặt khác, cũng theo qui định thì tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản chỉ liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với xuất bản phẩm liên kết.
Hiện tại, phía Chi nhánh Công ty Kỹ thuật mới tại Hà Nội và Công ty cổ phần sách, thiết bị GD Nghệ An vẫn “khất” câu trả lời cuối cùng về tác giả đạo sách. Tuy nhiên, với những gì nhóm phóng viên điều tra được, có thể nhận định, các PGS,TS đề trên bìa hai cuốn sách là những cái tên bịa đặt hoàn toàn của những người làm sách với mục đích câu khách, lừa dối phụ huynh, học sinh. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền cần phải được xử lý nghiêm minh. Đồng thời Nhà xuất bản cần phải thu hồi số sách đã phát hành, công khai xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các đơn vị và cá nhân bị thiệt hại.