Hai nền y học Đông - Tây gặp nhau ở đỉnh cao mới

|

NDO - PGS,TS,BS Phan Toàn Thắng từng làm sửng sốt giới y học thế giới khi phát hiện được một lượng tế bào gốc lớn từ màng dây rốn, mở ra một hướng đi trong nghiên cứu phát triển công nghệ tế bào gốc. Hiện ông là chuyên gia công nghệ tế bào gốc tại Đại học Quốc gia Xin-ga-po và Bệnh viện Đa khoa Xin-ga-po. Mới đây phóng viên Nhân Dân hằng tháng đã gặp và trò chuyện PGS,TS,BS Phan Toàn Thắng với chủ đề: Công nghệ tế bào gốc và sự gặp nhau về nguyên lý giữa hai nền y học Đông - Tây.

* Thưa ông, cơ duyên từ đâu mà ông đã phát hiện ra được tế bào gốc từ màng cuống dây rốn?

- Tôi vốn là bác sĩ ngoại khoa ở Viện Bỏng Quốc gia và rất say mê công nghệ tế bào gốc. Đầu năm 2004, tình cờ có một người bạn gửi tới phòng thí nghiệm của tôi một màng cuống dây rốn. Trong tôi lóe lên suy nghĩ: xa xưa lương y tiền bối từng dùng “nhau thai” làm bài thuốc bổ dưỡng đặc biệt “Tử hà sa”. Thật hữu duyên sau một thời gian nghiên cứu tôi đã phát hiện trong màng dây rốn có lượng tế bào gốc rất lớn với độ tuổi rất trẻ gần như “bằng không”. Với hai loại tế bào gốc biểu mô và tế bào gốc trung mô này ta có thể nuôi dưỡng trong ống nghiệm để biệt hóa thành tế bào da, xương, sụn, mỡ... Khi cần có thể dùng điều trị nhiều loại bệnh về da, xương, cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson... và chăm sóc sắc đẹp. Đặc biệt tôi không vấp phải vấn đề y đức, do màng dây rốn chỉ được xem là một “rác thải y học”...

Tôi đã đăng ký bản quyền phát hiện tế bào gốc từ màng cuống rốn tại Cục Sở hữu bản quyền Hoa Kỳ và 43 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Cách đây bốn năm tôi đã chuyển giao công nghệ “Phân lập và tách chiết tế bào gốc từ màng dây rốn” cho Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar để xây dựng ngân hàng tế bào gốc (MekoStem) đầu tiên ở nước ta.

* Cả hai nền y học Đông và Tây đều đang đến với phương thức “chữa bệnh sinh dược”. Phải chăng công nghệ sinh học tế bào gốc cho thấy rõ xu hướng chữa bệnh văn minh - hạn chế dùng hóa chất của nhân loại trong tương lai?

- Y học phương Đông có lịch sử hình thành và phát triển hơn 5.000 năm trên cơ sở của lý thuyết “tạng tượng” và “kinh lạc” với phương thức chữa bệnh dùng thuốc (chủ yếu từ thực vật và động vật...) và không dùng thuốc (châm cứu, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công...).

Y lý của y học phương Đông dựa trên nền tảng duy vật cổ với học thuyết âm dương, ngũ hành... Theo ngôn ngữ hiện đại thì việc chẩn trị của y học phương Đông là: cân bằng điều hòa tạng phủ trong cơ thể, giữa cơ thể với môi trường sinh hoạt; kích thích khả năng tái tạo, khả năng đề kháng của cơ thể; tăng cường vi tuần hoàn (micro-circulation) nuôi dưỡng tạng phủ, giúp tái tạo các mô, tế bào bị tổn thương; trung hòa, đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể; bảo vệ các mô, tế bào lành chống lại các nội, ngoại độc tố...

Y học phương Tây trong nhiều thế kỷ qua đã sử dụng các thuốc hóa dược, được tổng hợp hay tách chiết từ hóa chất để chữa bệnh.

Tuy nhiên những hóa chất này đa phần không tương thích với cơ thể con người và không phải là thành phần của cơ thể do vậy hiệu quả hạn chế và thường gây ra tác dụng phụ, thậm chí nếu lạm dụng kéo dài có thể gây ra các rối loạn bất thường, suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể... Thí dụ như thuốc hóa chất trị ung thư đã gây tổn hại ghê gớm tới các tế bào lành. Bệnh nhân phải chịu “cực hình tra tấn” khi dùng hóa trị khiến rụng tóc, nôn ọe, thiếu máu, mất ngủ... Các nguyên liệu sử dụng hóa polymer hay các vật liệu phi sinh học trong tái tạo vết thương của nội, ngoại tạng đều để lại các khiếm khuyết như hình thành sẹo xấu.

Nhận thức được sự hạn chế của hóa chất trong trị liệu, bắt đầu từ thế kỷ này công nghệ y dược đang dần bị thu nhỏ và được thay thế bởi thuốc chế tạo từ công nghệ sinh dược. Ở đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ý tưởng dùng sinh dược điều trị chứng bệnh nan y như ung thư còn bị coi là “điên rồ” thì ngày nay, các thuốc sinh dược như vaccine, kháng thể đơn dòng (MAB - Monoclonal Antibodies) đang được áp dụng rất rộng rãi trong y học điều trị. Các thuốc sinh dược có tác dụng điều trị đặc hiệu, giảm tác dụng độc hại và giảm biến chứng bất lợi cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị...

* Ông có thể cho biết nền tảng của công nghệ tế bào gốc trong việc chăm sóc sức khỏe?

- Đơn giản là tất cả chúng ta đều sinh ra từ một tế bào gốc - hay gọi là tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells). Nhóm tế bào gốc này tạo ra khi tinh trùng thụ tinh với trứng - trong giai đoạn nằm trong tử cung của mẹ, nó được điều hòa, phân chia, tăng về số lượng, biệt hóa tạo thành các mô tạng khác nhau, tạo ra một cơ thể hoàn chỉnh.

Sau khi chào đời, mô tạng của cơ thể chúng ta đều chứa các tế bào gốc chuyên biệt cho mô, tạng đó - hay được gọi là tế bào gốc trưởng thành. Cơ thể con người được tạo bởi hơn 60 nghìn tỷ tế bào. Các tế bào này trẻ khỏe, chúng ta trẻ khỏe. Các tế bào này già đi, chúng ta già đi. Một khái niệm mới được đưa ra gần đây “lão hóa là suy giảm tế bào gốc”.

Tế bào gốc có ba thiên chức lớn: Thay thế (replacement), tái tạo (regeneration), sửa chữa (repair). Thay thế các tế bào chết giúp cho mô tạng trẻ khỏe. Tái tạo, sửa chữa các tế bào bị tổn thương, giúp làm lành lại mô tạng, phục hồi sức khỏe.

Công nghệ sinh học tế bào gốc đang phát triển thành một chuyên ngành y khoa mới: y học tái tạo (Regenerative Medicine) ứng dụng tế bào gốc giúp tái tạo mô tạng, làm lành tổn thương. Các tế bào gốc tạo máu thu hồi từ tủy xương hay dây rốn dùng chữa bệnh ung thư, máu ác tính và gần đây là căn bệnh nan y thế kỷ HIV/AIDS. Nuôi cấy, kích thích các tế bào miễn dịch tăng cường khả năng của cơ thể chống “thù trong - tế bào ung thư”, “giặc ngoài - vi sinh vật gây bệnh”. Điều này tương đồng với bản chất trị liệu của y học phương Đông là “phù chính, khu tà” (nâng sức cơ thể, đẩy lùi bệnh).

* Có nhà khoa học cho rằng ứng dụng công nghệ tế bào gốc ở thế kỷ 21 là sự gặp nhau giữa hai nền y học Đông - Tây? Ông nhận định thế nào về sự “lồng ghép” Đông - Tây trước ngưỡng cửa nền y học tái tạo đang hình thành trên thế giới?

- Việc hình thành tế bào gốc phôi trong tử cung của người mẹ tạo ra một cơ thể con người: Tinh trùng thụ tinh với trứng tạo ra một tế bào gốc phôi rồi phân chia thành hai, bốn, tám tế bào gốc phôi để tạo ra cơ thể hoàn chỉnh với hàng tỷ tỷ tế bào. Điều này tương ngộ với nhận thức về thế giới vật chất: “nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản” (một gốc chia ra vạn nẻo, vạn nẻo lại quy về một gốc) của phương Đông.

Theo thuyết “Dược vật quy kinh” trong đơn thuốc của y học phương Đông có “Quân - Thần - Tá - Sứ”. Khi áp dụng công nghệ sinh học tế bào gốc cũng thấy điểm tương đồng bởi tế bào cũng bao gồm nhiều thành phần và chế tiết ra nhiều sinh chất quan trọng cho tái tạo tổn thương. Trong “đơn thuốc” áp dụng công nghệ sinh học tế bào gốc, việc “hợp lực” nhiều tế bào gốc có chức năng khác nhau được đặc biệt quan tâm. Đỉnh cao của công nghệ sinh học tế bào gốc là chế tạo mô, tạng nhân tạo có chức năng sinh học cao thay thế mô, tạng bị hư hỏng, tổn thương...

Nhiều nhà khoa học nay đề cập tới thuật ngữ “Nguyên lý phương Đông và kỹ thuật phương Tây”. Nguyên lý “vạn vật lấy cân bằng làm mốc” y học phương Đông luôn tìm đến cách chữa bệnh tự nhiên, phát huy yếu tố “nội sinh” “tự điều chỉnh và tự hoàn thiện” của chính cơ thể, cũng gợi ý cho quá trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc. Cùng đó những “bí mật” về kinh lạc, huyệt và cơ chế tác dụng của châm cứu cũng được nhìn nhận từ lý luận của công nghệ tế bào gốc. Trên thực tiễn ở một số nước đã bước đầu ứng dụng thuốc sinh dược công nghệ tế bào gốc để tiêm vào huyệt chủ trị nhiều bệnh rối loạn chức năng, tổn thương thực thể ở giai đoạn đầu. Xu thế áp dụng công nghệ sinh y dược từ tế bào gốc là giao điểm của hai nền y học tại đỉnh cao mới để tiếp cận “vũ trụ nhỏ”: Con Người.

* Vài thập kỷ qua những thành công có ý nghĩa đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc đã mở ra một tiền đồ lớn lao trong việc chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Ở nước ta, Bộ Chính trị đã đưa công nghệ tế bào gốc vào chương trình ưu tiên phát triển công nghệ cao do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chỉ đạo. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế.