Dấu ấn “designed by Vietnam”
“Đánh thức truyền thống” là một chủ đề thú vị của Tuần lễ Thiết kế Việt Nam lần thứ hai. Như đề dẫn của ban tổ chức, truyền thống thường được mặc định thuộc về quá khứ nên dễ dẫn đến nguy cơ bị bỏ qua tính liên tục, thích ứng và biến đổi vốn có. Lưu giữ truyền thống trong thiết kế không đơn giản là quá trình cắt và dán. Nó phải được nhìn nhận nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử nhưng vẫn phải mạnh dạn đổi mới để bảo đảm sự tiếp nối. Một năm về trước, VNDW lần thứ nhất đã chọn chủ đề “Tái sinh”, với mong muốn thay đổi tư duy vật liệu ở mức độ tiết kiệm, bền vững và tối ưu. Đặt trong bối cảnh thế giới đang cùng nhau đối mặt với đại dịch, giấc mơ về một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết mà giải Nhất cho tác phẩm “Góc Tĩnh-Tại” của nhóm Phường Son Collective và “Eco-Đi” của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm giành giải Ý niệm là một minh chứng cụ thể.
Tròn 30, trên tổng cộng 183 thiết kế dự thi thuộc các lĩnh vực thiết kế (Truyền thông, đồ nội thất, vật dụng và trang trí, trang phục, công cộng) đã được chọn để hoàn thiện và triển lãm tại Nhà tiền đường Thái học (Văn Miếu-Quốc Tử Giám). Cùng hàng loạt hội thảo, tọa đàm, mở xưởng... với mục đích khuyến khích thay đổi tư duy khai thác, làm mới giá trị truyền thống và thúc đẩy xu hướng thiết kế bền vững đã diễn ra sôi nổi trong suốt một tuần. Trong lễ trao giải cuộc thi “Designed by Vietnam” vào tối 3/12 vừa qua, “N.A.M” - một thiết kế thời trang tái tạo của tác giả Vũ Tá Linh giành giải Nhất. Và “Khứ hồi”, với chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng được ghép khối tạo ra các họa tiết lấy từ các biểu tượng nổi bật trong kiến trúc của “trường đại học đầu tiên” như hoa sen, bia rùa rất tinh tế và cẩn trọng đã mang lại giải Nhất “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu-Quốc Tử Giám” cho tác giả Lưu Như Ngọc.
Trước VNDW, Liên hoan Sáng tạo thiết kế Việt Nam cũng đã đi qua ba mùa tổ chức, “một sự kiện ý nghĩa để tôn vinh và phát triển các tài năng và các giá trị văn hóa sáng tạo với niềm tự hào designed by Vietnam chứ không chỉ là made in Vietnam”. Dưới góc nhìn của bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine: “Những hoạt động thiết thực thế này là sự kết hợp hoàn hảo để cùng nhau thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa sáng tạo Việt thành ngành mũi nhọn, đem lại sự phát triển cân bằng và bền vững giữa kinh tế, văn hóa xã hội và cả môi trường”.
Có thể nói, dấu ấn thiết kế Việt Nam đã được tạo dựng và lan tỏa sau hàng loạt hoạt động được tổ chức khá thành công vài năm gần đây. Đó có lẽ cũng chính là lý do khiến Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (VICAS)-đơn vị tham mưu chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo cho Hà Nội chọn thiết kế-một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa làm định hướng phát triển hình ảnh cho mình. Nhưng làm thế nào để bè bạn quốc tế công nhận Thủ đô là một thành phố sáng tạo thì còn quá nhiều việc phải làm.
Hướng tới tầm nhìn kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á
Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam, việc trở thành thành phố sáng tạo là một sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội, bên cạnh danh hiệu Thành phố vì hòa bình do chính tổ chức này ghi danh từ hơn hai thập kỷ trước. Ông cũng đưa ra đề xuất, rằng từ những kinh nghiệm mà Hà Nội học hỏi được, hoàn toàn có thể thiết lập một mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trải dài theo dải đất hình chữ S.
Và từng bước đưa Thủ đô, từ thành phố sáng tạo trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, xa hơn nữa là ở tầm châu lục và thế giới như mục tiêu đề án mà UNESCO đặt ra.
Niềm tin của vị đại diện UNESCO là hoàn toàn có cơ sở, vì với bề dày lịch sử và văn hóa nghìn năm văn hiến, Hà Nội sở hữu rất nhiều thế mạnh. Theo một khảo sát “bỏ túi” của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies trên trang Facebook cá nhân, có tới 83,4% người được hỏi cho rằng Thủ đô có thế mạnh về du lịch văn hóa; 61,6% chọn mỹ thuật-nhiếp ảnh và triển lãm; 61,1% chọn kiến trúc; 52% chọn thủ công mỹ nghệ và 46,7% chọn nghệ thuật biểu diễn. Từ đó, để định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội, 84,5% thấy cần phát triển nhiều không gian sáng tạo; 70,9% chọn bảo tồn khu phố cổ; 60,5% hướng tới sự hiện diện của nghệ thuật biểu diễn; 51,4% muốn có nhiều biểu tượng nghệ thuật và sáng tạo nổi tiếng; 49,9% mong nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức và 27,6% ước có nhiều festival...
Nhưng để xây dựng thương hiệu Hà Nội-thành phố sáng tạo, ông Vinh cho rằng “phải bắt đầu từ đi tìm một bản sắc riêng biệt chứ không phải là thiết kế cho nó một cái biểu tượng (logo) để làm truyền thông. Và nếu lựa chọn giá trị dẫn dắt hay ý tưởng trung tâm là thiết kế thì phải khiến cho giá trị đó in đậm trong tâm trí, nhận thức của các đối tượng liên quan thông qua việc dẫn dắt họ trải nghiệm những hoạt động mang tính sáng tạo riêng của Hà Nội, phải thấy được cái chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề”. Và “ngoài ba yếu tố giúp định vị thương hiệu là sự khác biệt, tính phù hợp và triết lý riêng, với Hà Nội còn cần thêm các yếu tố riêng có mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, cá tính của vùng đất lịch sử nghìn năm cùng sự tương thích với chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô”.
Người yêu Hà Nội đang cụ thể hóa từng bước những đóng góp tâm huyết ấy bằng việc chung tay xây dựng xấp xỉ 120 không gian sáng tạo-nơi tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh mọi ngành nghề công nghiệp văn hóa, nơi giao lưu học hỏi của tầng lớp lao động sáng tạo, nơi giới thiệu và là nguồn phát triển cho các sản phẩm sáng tạo mới. Ơ Kìa Hà Nội chuyên điện ảnh, Hanoi Rock City chuyên âm nhạc, VICAS Art Studio chuyên nghệ thuật tạo hình, Trung tâm VCCA chuyên về nghệ thuật đương đại, Không gian văn hóa Heritage Space chuyên chiếu phim và tọa đàm chuyên đề, Cà phê Thứ bảy với những câu chuyện văn hóa chuyên sâu, Tổ hợp COMPLEX 01 biến nhà máy cũ bỏ hoang thành tụ điểm giải trí và sáng tạo của giới trẻ yêu nghệ thuật... Hà Nội cũng đã có những chương trình nghệ thuật mang thương hiệu của riêng mình như chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic-Hanoi Concert, hòa nhạc đường phố Luala Concert, Nhạc hội âm nhạc Gió mùa, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF)...
Theo kế hoạch, chỉ còn hai năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa thể triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo; hình thành diễn đàn Mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á, xây dựng Mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ... Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam Đặng Văn Bài cho rằng, thành phố cần khẩn trương thực hiện các cam kết để hoàn thành đúng hạn. “Hợp tác công-tư là một giải pháp để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học-công nghệ cho các ngành văn hóa sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa và có cơ chế tài chính thu hút vốn cho công nghiệp văn hóa...”.
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các đô thị chọn sáng tạo làm yếu tố chiến lược để phát triển bền vững. Hà Nội là cái tên thứ 246 được xướng danh vào tháng 10 năm 2019. Và thiết kế là lĩnh vực mà Thủ đô lựa chọn, trong bảy loại hình (Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Nghệ thuật Truyền thống, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc) mà Mạng lưới đề ra. Với tầm nhìn trở thành Kinh đô sáng tạo Đông Nam Á, Hà Nội sẽ tận dụng cơ sở thiết kế có sẵn từ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, được bồi đắp qua nghìn năm lịch sử để chuyển hóa văn hóa sáng tạo trở thành sức mạnh mềm, vốn hóa-nguồn lực chủ chốt để tăng trưởng kinh tế.