Dùng âm nhạc truyền tình yêu cuộc sống tới cộng đồng

|

Trẻ em, người già, người khuyết tật... là những đối tượng đa dạng đã từng cộng tác với Nguyễn Thị Hải Yến (ảnh bên) trong các dự án âm nhạc cộng đồng. Nhiều năm qua, người chỉ huy hợp xướng này bền bỉ với việc đưa nhạc kịch, hợp xướng đến với đa dạng công chúng hơn, để những người hoạt động nghệ thuật không chuyên cũng được dàn tập, biểu diễn như nghệ sĩ thực thụ.

Các thành viên của Dàn hợp xướng Đa dạng chậm rãi đẩy xe lăn cho nhau để từ từ tiến vào Phòng hòa nhạc lớn của Nhạc viện Hà Nội, trong chương trình hợp xướng quốc tế Những sắc màu tình yêu vừa diễn ra cách đây ít ngày. Tiếng vỗ tay rào rào vang lên, cả khán phòng choáng ngợp vì sức sáng tạo của họ trong tác phẩm cuối cùng Circle of life với tiếng mưa, tiếng gió, tiếng bước chân chạy rầm rập của hươu nai, voi ngựa trong vòng xoay vĩ đại của cuộc đời. Sau đêm diễn, chỉ huy đêm nhạc Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ rằng mình quá đỗi hạnh phúc, dù đây không phải lần đầu chị đứng trên sân khấu với những cộng sự đặc biệt, trong những dự án âm nhạc cộng đồng vô cùng tâm huyết đã và đang theo đuổi.

Cách đây hơn chục năm, bộ môn cảm thụ âm nhạc là khái niệm rất mới mà dường như chỉ trẻ em con nhà khá giả mới có thể tiếp cận. Từng giảng dạy bộ môn mới mẻ này từ thời đó, có điều gì để lại ấn tượng không thể quên với riêng chị?

Môn học từng lạ lẫm cách đây chục năm thì giờ đây đã trở nên rất quen thuộc và phổ cập. Cảm thụ âm nhạc đã trở thành môn học không thể thiếu khắp các trung tâm âm nhạc cũng như các trường mầm non. Và đội ngũ giáo viên đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Điều này khiến cho bộ môn này mở rộng, đem đến cơ hội giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận âm nhạc với phương pháp hiện đại và có hệ thống của thế giới từ khi còn rất sớm. Đi kèm với đó là ý thức đầu tư cho việc học các môn nghệ thuật cho trẻ em cũng cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn bộc lộ nhiều kẽ hở. Chẳng hạn, chưa có quy định tiêu chuẩn rõ ràng, rằng phải đạt được những yêu cầu thế nào thì đủ trình độ giảng dạy được môn cảm thụ âm nhạc. Việc này rất quan trọng vì đó là lớp học âm nhạc đầu đời, là bộ môn phác thảo những nét vẽ đầu tiên vào bức tranh tâm hồn cho các em bé.

Hai năm gần đây, nhiều dự án âm nhạc mang đậm dấu ấn của chị đã “cháy vé” như các vở nhạc kịch Matilda và Không gia đình, đêm nhạc từ thiện Giấc mơ cho em... Điều chị nhớ nhất về các dự án đó là gì?

Khi làm nhạc kịch, điều tôi nhớ nhất là việc dạy bài hát mới cho các nhân vật chính. Tuy phải hát bằng tiếng Anh nhưng để các bé thuộc lời bài hát không phải là điều khó nhất. Cái khó nhất là dạy sao cho các bé thể hiện được đúng tính cách của nhân vật. Khi được giao vai phản diện ông bố nuôi Jerome cục cằn trong nhạc kịch Không gia đình, Hữu Bảo - một giọng ca đẹp với cách hát như thiên thần đã kiên quyết nói với tôi: “Con không thể hát như quát lên thế được. Con không hát như thế bao giờ. Con không phải người như thế”. Rồi sau đó, ông Jerome phản diện cứ tiếp tục hát dịu dàng suốt nhiều buổi tập, không thay đổi.

Trường hợp như thế không hiếm. Tôi phải dành nhiều thời gian để trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ rồi cùng các bé phân tích nhân vật, phân tích trách nhiệm với công việc mình đã nhận. Điều đó quan trọng hơn cả việc luyện hát. Sau rất nhiều nỗ lực của cô và trò, sân khấu đã được chứng kiến phần hát nói rất kịch tính của Jerome.

Giây phút các con biết kiểm soát bản thân và trở nên bản lĩnh hơn, giây phút các bé thể hiện nhân vật và bài hát nào cũng với sự say mê và tính trách nhiệm chính là lúc tôi ngập tràn hạnh phúc và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa vô cùng.

Mới nhất, chị có đêm nhạc từ thiện Giấc mơ cho em. Những người tham gia dự án với chị có gì đặc biệt?

Giấc mơ cho em cũng có những diễn viên đặc biệt. Phần lớn các em đều lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn và trong một thời gian ngắn phải làm việc với những thầy, cô giáo mới, những người bạn mới, những bài hát cùng điệu nhảy mới. Có những em phải đi từ tỉnh xa đến để tập luyện. Nhưng lúc lên sân khấu, các em đều cười rất tươi khi được biểu diễn và các em đã hiểu hơn ý nghĩa những điều mình làm có ích thế nào cho cộng đồng, xã hội. Nhiều em tham gia năm trước cũng quay lại biểu diễn năm sau. Những nhà tài trợ cũng đặc biệt vì phần lớn họ đều chia sẻ không muốn được nêu tên hay cảm ơn, tung hô ầm ĩ.

Các thầy, cô giáo dàn dựng nghệ thuật và biểu diễn cũng đặc biệt vì họ đang cùng lúc dàn dựng, tổ chức rất nhiều chương trình. Lúc đó đang trong giai đoạn hè, với dày đặc những hoạt động biểu diễn và ngoại khóa nhưng họ vẫn sẵn sàng sắp xếp và ưu tiên cho sự kiện này, như đã từng làm thế suốt bốn năm nay để có được những mùa diễn thật vui.

Tôi nhớ khi nói về việc tuyển chọn thành viên cho các dự án âm nhạc của mình, chị khẳng định không đặt yêu cầu quá cao. Liệu có gì mâu thuẫn ở đây không nhỉ?

Đó đều là dự án cộng đồng dành cho người không chuyên nên không thể đặt yêu cầu cao lúc ban đầu được. Điều quan trọng của các dự án này là đem những loại hình âm nhạc, nghệ thuật mới lạ đến gần hơn với công chúng. Dự án cũng tạo cơ hội cho nhiều người hơn được tiếp cận, thưởng thức và trải nghiệm những điều mà tưởng chừng chỉ dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau mỗi dự án như vậy, khi nhìn lại, chính các em thấy mình đã tự tin hơn, yêu âm nhạc hơn, các kỹ năng hoàn thiện hơn và trưởng thành hơn rất nhiều.

Lượng người dự tuyển mỗi năm một đông hơn. Nếu năm đầu tiên rất chật vật tìm kiếm các em yêu thích muốn thử sức thì năm nay, số hồ sơ ứng tuyển lên tới hơn sáu trăm. Điều đó chứng tỏ các dự án âm nhạc cộng đồng đã thật sự có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho các em, trong học tập và biểu diễn các môn nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, tôi nghĩ giá trị lớn nhất nằm ở chỗ, thông qua các dự án và quá trình luyện tập cùng nhau, các em đã học được tính kỷ luật, tinh thần làm việc nhóm, tình yêu thương, sự trân trọng các giá trị chung quanh mình và đắp bồi ước mơ âm nhạc. Đó cũng là những điều tôi luôn tâm niệm hướng tới, khi triển khai các dự án cộng đồng.

Có vẻ như chị đang ngày càng kiên định đi theo con đường phát triển nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng dành cho cộng đồng?

Đây chính là con đường sự nghiệp mà tôi đã chọn để theo đuổi. Thật tuyệt vì bạn đã nhận được ra điều đó. Với tôi, âm nhạc hay nghệ thuật chỉ thật sự tồn tại, thật sự có ý nghĩa nếu nó phục vụ cộng đồng và đem lại cho con người những giá trị tốt đẹp. Riêng với trẻ em, đó là những bài học kỹ năng sống thông qua cảm thụ âm nhạc, là cái nhìn cuộc sống đẹp hơn nhìn từ lăng kính âm nhạc.

Tôi muốn dùng âm nhạc, dùng những kiến thức, hiểu biết âm nhạc mà mình có để truyền tới cho mọi người tình yêu con người và tình yêu cuộc sống, sự lạc quan cùng sự tự tin và lòng dũng cảm, để mỗi người đều tự tìm thấy sự hồn nhiên, trong sáng và bình yên trong tâm hồn chính mình.

Trân trọng cảm ơn và chúc chị thành công!

Chỉ huy hợp xướng Nguyễn Thị Hải Yến:

Từng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng năm 2010, chị đã hoàn thành chương trình cao học cùng chuyên ngành tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào năm 2012.

Từng dàn dựng các nhóm hát, dàn nhạc cụ dân tộc biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Malaysia, Singapore, Hongkong từ 2014 đến 2016. Từ 2017 đến nay, chị là một trong những thành viên sáng lập và chỉ huy Dàn hợp xướng người cao tuổi đầu tiên tại Việt Nam mang tên Tuổi vàng. Từng huấn luyện thanh nhạc và hợp xướng cho các nhạc kịch thiếu nhi Matilda và Không gia đình và triển khai dự án cảm thụ âm nhạc Harmony Road Music (Mỹ) tại Việt Nam.

Từ năm 2019, chị dàn dựng hợp xướng và chỉ huy Dàn hợp xướng Đa dạng với các thành viên đến từ những cộng đồng khác nhau (LGBT, người cao tuổi, thiếu nhi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...).