Tìm về mạch nguồn quá khứ
Có thể nói, năm 2019 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trên con đường nghệ thuật của Hoàng Thùy Linh. Sau MV Bánh trôi nước với phần hình ảnh đậm chất liêu trai và hàm chứa nhiều tầng ngữ nghĩa ra đời cách đây ba năm, Linh liên tục xuất xưởng hai sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu và tâm huyết, chỉ cách nhau chưa đầy một tháng. Nếu Bánh trôi nước đưa bài thơ nổi tiếng cùng tên của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương đến với người trẻ thì không gian của Để Mị nói cho mà nghe có sự góp mặt của những nhân vật nổi tiếng nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán. Trên hành trình khao khát kiếm tìm tự do của mình, Mị múa hát và Mị đánh pao, Mị giải thoát và mang lại niềm hạnh phúc cho từ Lão Hạc đến chị Dậu, từ Chí Phèo tới Thị Nở, từ anh Tràng trong Vợ nhặt tới Xuân Tóc đỏ của Số đỏ... Quá khứ và hiện tại đan cài trong những thông điệp đầy tính ẩn dụ văn học đã khiến sản phẩm này thật sự là một MV rất đáng xem. Khi cơn sốt Để Mị nói cho mà nghe còn chưa kịp hạ nhiệt, giọng ca sinh năm 1988 lại tiếp tục trình làng Tứ phủ, với cảm hứng tâm linh chủ đạo xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong trang phục trắng tinh khôi, Linh mượn vài nét chấm phá tuyệt đẹp của Cô Bơ để tạo dựng hình tượng vị thần miền sông nước, mềm mại, thanh thoát và đậm đặc tính nữ. Chỉ với ba MV kể trên, Linh đã định hình một con đường riêng, mới mẻ và độc đáo. Khai thác yếu tố dân gian để lồng ghép những thông điệp nữ quyền mạnh mẽ, có thể nói Hoàng Thùy Linh đã dũng cảm chọn hướng đi mới mẻ đầy thách thức, khi truyền tải những tinh hoa văn hóa Việt bằng một tư duy hiện đại và hợp trào lưu, nhờ thế mà được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình.
Rapper Hà Lê cũng dũng cảm chọn một lối đi hẹp đầy áp lực, khi quyết định làm mới nhạc Trịnh bằng dự án xuyên suốt mang tên Trịnh Contemporary. Bởi từng có nhiều nghệ sĩ tiền bối muốn cách tân nhạc Trịnh trước đây nhưng hiếm ai để lại dấu ấn, hầu hết chỉ nhận về những chỉ trích nặng nề vì dám “phá” di sản âm nhạc gắn bó với nhiều thế hệ người yêu nhạc này. Nhưng chàng trai này đã cho thấy, sáng tạo của anh là một thử nghiệm nghệ thuật nghiêm túc và chất lượng.
Khép lại năm 2019 với xấp xỉ 40 lần được vinh danh, cho cả tác phẩm và cá nhân, tại nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín ở cả trong và ngoài nước như LHPQT Tokyo, LHP Sharm El- Sheikh Asian Film, Giải của Hiệp hội đạo diễn hình ảnh Australia, Giải Cánh diều, Liên hoan phim Việt Nam..., Song Lang có thể coi là điểm sáng của điện ảnh nước nhà, khi chọn nghệ thuật cải lương truyền thống làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Đạo diễn Việt kiều Leon Lê đã từng tâm sự, “càng sống trong một quốc gia đa sắc tộc, tôi càng nhận ra bản sắc riêng của mỗi dân tộc là vô cùng quan trọng. Là người Việt, tôi tự hào về gốc rễ của mình”. Vì thế, làm phim về bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc đang dần mai một này cũng là cách thức hữu hiệu để gìn giữ những hào quang rực rỡ của một thời. Và đánh giá cao từ rất nhiều BGK uy tín cho thấy nỗ lực tìm về mạch nguồn quá khứ của đạo diễn trẻ đã giúp anh chạm tới thành công ngay trong tác phẩm đầu tay.
Cũng trong năm qua, Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Chưa bao giờ, những nổi chìm trong số phận nàng Kiều được tái hiện trong nhiều tác phẩm, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật đến thế. Có thể kể tới dự án Nàng K... do Viện Goeth tại Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Tập hợp bốn tác phẩm ngắn, với dung lượng từ 20 tới 25 phút mỗi phần, góc nhìn của bốn đạo diễn trong và ngoài nước cho thấy biên độ sáng tạo nghệ thuật khi tiếp cận tác phẩm văn học kinh điển này đã được mở ra không cùng. Mới đây, nhà sản xuất Mai Thu Huyền của Tincom Media cũng khởi động dự án điện ảnh Kiều. Phim dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020, đúng dịp kỷ niệm tròn hai thế kỷ ngày mất của Nguyễn Du. Không chỉ có vậy, Thân phận nàng Kiều còn được thể hiện trong thể loại rối mặt nạ của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Giải Vàng cho vở và hai giải cá nhân xuất sắc cho đạo diễn cũng như họa sĩ trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 năm 2019 là một minh chứng cho thấy, tinh hoa trong vốn cổ sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô tận, nếu người trẻ biết trân trọng tìm về.
Thổi hồn đương đại chinh phục khán giả trẻ
Có thể nói, Hoàng Thùy Linh đã có chọn lựa thông minh, khi biết khai thác vốn cổ. Khó khăn, thách thức là tất yếu nhưng những gì nhận lại cũng rất đỗi ngọt ngào. Nếu MV Bánh trôi nước thu hút 40 triệu lượt xem thì chỉ trong thời gian rất ngắn, Để Mị nói cho mà nghe đã được 88 triệu khán giả thưởng thức. MV Tứ Phủ, dù mới ra mắt cũng đã đạt hơn 8 triệu lượt xem. Những con số chứng tỏ thành công của chị.
Thành công của Hà Lê đến từ một Diễm xưa ma mị với hiệu ứng echo (nhại giọng) trên nền nhạc đậm màu world music, được nhấn nhá bằng đoạn hòa tấu khá dài với âm thanh chủ đạo của trống. Và tiếp nối là một Mưa hồng, Hà Lê hòa giọng cùng Bùi Lan Hương trên nền nhạc điện tử EDM. Guitar, trống và đàn bầu cùng giao thoa, để truyền thống hòa trộn nhuần nhuyễn cùng hiện đại. Với hai MV trau chuốt từ hình ảnh đến hòa âm và phối khí, Hà Lê đã mở ra một hướng đi mới trong tiếp cận tác giả - tác phẩm kinh điển, khi tạo cơ hội để giới trẻ được thưởng thức theo một cách thức hiện đại và trẻ trung, vừa đã tai vừa đã mắt.
Nàng K... không đơn thuần tái hiện những đoạn trường đắng cay trong cuộc đời Thuý Kiều mà còn đề cập tới thân phận cũng như vai trò của người phụ nữ qua lăng kính đa chiều truyền thống - hiện đại. Mang đến những góc nhìn riêng cùng trải nghiệm sân khấu đa dạng, đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer đề cao bản lĩnh của phái đẹp trong cuộc sống hôm nay bằng ngôn ngữ kịch đương đại. Đạo diễn Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) chọn kịch hình thể và kịch đọc để nhấn mạnh tính tương tác cùng ngôn ngữ biểu tượng. Phong cách sân khấu biểu hiện - ước lệ đã trở thành thương hiệu giúp đạo diễn Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam) khẳng định sự mạnh mẽ và khả năng làm chủ cuộc đời của người phụ nữ sẽ giúp xóa bỏ định kiến và phân biệt giới. Còn NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân) khai thác màu sắc liêu trai trong kịch kinh dị trong một tác phẩm giàu tính giải trí. Nỗ lực giải mã Truyện Kiều trên sân khấu đương đại cho thấy cách tốt nhất để khẳng định giá trị và đắp bồi sức sống cho những tinh hoa kinh điển chính là mang đến cơ hội để tác phẩm đối thoại với những vấn đề được quan tâm của xã hội hôm nay.
Thực tế đó giúp lý giải hiện tượng Lương Huệ Trinh, khi một thạc sĩ hiếm hoi được đào tạo bài bản trong lĩnh vực âm nhạc đương đại (chuyên ngành Sáng tác đa phương tiện tại Hamburg - Đức) lại chọn vai trò của người phụ nữ dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo vào đời sống văn hóa và xã hội Việt Nam làm chủ đề cho chương trình hòa nhạc đa phương tiện mang tên Vệt. Những yếu tố truyền thống được pha trộn với thanh âm điện tử, nhiếp ảnh, video và câu chữ để làm bật lên những mối quan hệ phức tạp hàm chứa cả cô đơn lẫn dằn vặt. Vệt được giới làm nghề và khán giả đánh giá rất cao. Nó cũng cho thấy, càng đi ra thế giới, nghệ sĩ trẻ càng có nhu cầu kiếm tìm cảm hứng sáng tạo từ nguồn cội. Bởi lấy điểm tựa từ nền móng này, họ mới dễ dàng đi xa, dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu với bạn bè năm châu trên hành trình hội nhập toàn cầu hóa.
Cảnh trong phim “Song lang”.