Kế hoạch trồng một tỷ cây xanh
Trồng cây gây rừng là hoạt động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm khuyến khích trong nhiều năm qua. Tết trồng cây vào mùa xuân ngày càng trở thành phong tục đẹp rất cần được nhân rộng. Kể từ Tết trồng cây đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào năm 1959, đến năm 2000, bình quân cả nước trồng 200 triệu cây/năm. Giai đoạn 2000 - 2010, bình quân trồng 400 triệu cây/năm. Từ năm 2011 đến nay, bình quân trồng 480 triệu cây/năm. Theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2021 - 2025, bình quân trồng xấp xỉ 700 triệu cây/năm, trong đó có 200 triệu cây gia tăng để triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động.
Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ trong 20 năm lại đây được tổ chức tại 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động này có ý nghĩa rộng lớn và mang lại giá trị về nhiều mặt, mang hơi thở cuộc sống và lâu bền cùng xu thế thời đại. Đã từng có nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán, nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã trồng được hơn 1.134 nghìn ha rừng và 330 triệu cây phân tán các loại (bình quân mỗi năm trồng 227 nghìn ha rừng và 66 triệu cây xanh phân tán); đưa diện tích có rừng đạt 14,6 triệu ha (gồm 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 4,3 triệu ha rừng trồng); nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm 2020. Qua đó đã tích cực góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản, phát triển kinh tế đất nước.
Đề án trồng một tỷ cây xanh do Bộ NN&PTNT xây dựng tập trung vào ba lĩnh vực: trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất và trồng cây phân tán. Đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, căn cứ Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đăng ký kế hoạch trồng rừng của các địa phương, trong những năm tới, dự kiến mỗi năm trồng mới sáu nghìn ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Kinh phí thực hiện đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021-2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,... Với việc trồng mới một tỷ cây xanh góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người; tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh...
Bảo đảm hiệu quả, thiết thực
Nhằm thực hiện hiệu quả việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng. Kế hoạch thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.... Chỉ tiêu này không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn, thực hiện đề án trồng một tỷ cây xanh phải rà soát kỹ, không nên chạy theo chỉ tiêu, phong trào. Các địa phương tổ chức cần rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất trồng cây xanh nông thôn...; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực thực hiện. Đối với diện tích đất công, các công trình công cộng, đường sá, bờ kênh mương thủy lợi... thì chính quyền địa phương tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể quần chúng trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây phân tán.
Để việc trồng cây hiệu quả, thiết thực, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng. Phát triển cây xanh đô thị và nông thôn, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước. Cây trồng xong cần liên tục kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; phát huy nhiệt tình và nhận thức của cộng đồng, những người tự nguyện tham gia phong trào.
Giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ trồng 30 nghìn ha rừng phòng hộ, đặc dụng (tương đương khoảng 70 triệu cây). Đối với trồng mới rừng sản xuất, căn cứ đăng ký kế hoạch của các địa phương, dự kiến trồng mới khoảng 150 nghìn ha rừng sản xuất, bình quân khoảng 30 nghìn ha/năm (tương đương với khoảng 240 triệu cây). Còn lại khoảng 690 triệu cây trồng phân tán trong các khu đô thị, vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đường giao thông, công sở, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo và các công trình công cộng khác,...
Nguồn: Bộ NN&PTNT
Vũ Thành