Thực trạng vẫn đáng… báo động
Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2024, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, thậm chí nhiều vụ có tính chất liên hoàn, phức tạp. Chiều 7/1 trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, đoạn qua xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang) xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa bốn xe ô-tô, ùn tắc giao thông kéo dài. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng khiến phương tiện bị hư hỏng nặng nề. Một số vụ tai nạn khác như: Sáng 16/1 trên Quốc lộ 6 đi qua tỉnh Sơn La xảy ra vụ tai nạn làm một người tử vong. Cũng trong sáng 16/1, tại phường Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã va chạm giữa xe mô-tô và ô-tô, làm một người tử vong. Hay tại Nghệ An, chiều 17/1, trên địa bàn xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu), xe khách giường nằm xảy ra va chạm với xe đạp điện, làm hai ông cháu tử vong. Trước đó, chỉ trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, toàn quốc xảy ra 155 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 131 người.
Cũng trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.598 trường hợp vi phạm; tạm giữ 315 xe ô-tô, 9.594 xe máy, 105 phương tiện khác; phạt tiền hơn 58 tỷ đồng; tước 5.269 giấy phép lái xe. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 7.570 trường hợp; vi phạm về ma túy 35 trường hợp; vi phạm về tốc độ 5.103 trường hợp... Cục Cảnh sát giao thông xác định có 80% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, không chú ý quan sát… Một số khác có nguyên nhân từ việc phương tiện, đường sá không bảo đảm an toàn kỹ thuật.
Nhìn vào con số mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê, năm 2023 toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người sẽ thấy mức độ nghiêm trọng và tình hình tai nạn giao thông vẫn rất đáng báo động. Theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023 tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể giảm 1.285 vụ (5,5%), giảm 1.922 người chết (14,18%). Tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tai nạn giao thông do nồng độ cồn đã giảm 25% về số vụ, điều đó nhờ vào sự nỗ lực trong xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn. Về phía lực lượng cảnh sát giao thông, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm.
Không được phép đùa giỡn với tử thần
Dù tai nạn giao thông liên quan đường sắt diễn ra thường xuyên, song rất nhiều người vẫn thiếu ý thức khi di chuyển qua đường sắt, vượt đèn tín hiệu báo dừng, vượt thanh chắn… Qua tìm hiểu ở dọc các tuyến đường sắt đi qua thành phố Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương… nhiều người dạo chơi, trồng cây, sửa xe máy, làm đồ gỗ… ven hoặc trên đường sắt. Đáng lo hơn, dọc tuyến đường sắt chạy song song Quốc lộ 1 từ khu vực ga Hàng Cỏ đi qua huyện Thanh Trì, ga Tía, ga Phú Xuyên (Hà Nội) còn có hiện tượng người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc ván gỗ qua đường sắt và rào chắn để chuyển hàng hóa, đồ đạc. Lái tàu nhiều năm, ông Nguyễn Cảnh Dương, thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) tâm sự: "Ý thức của nhiều người rất kém. Rất nhiều người bất chấp còi tàu, phi xe máy vượt qua. Mặc dù nhân viên trực gác ghi đã kéo rào chắn, nhưng vẫn có người cố tình lách qua. Nhân viên có nhắc nhở thì bị người đi đường chửi mắng, thậm chí đánh đập. Còn nhiều vụ, tôi thấy khi tàu gần tới nơi, người lớn mới lo kéo con em đang mải chơi ra khỏi đường ray. Đúng là đùa giỡn với tử thần".
Những năm gần đây ở nhiều nơi còn diễn ra cảnh người dân lấn chiếm đường quốc lộ, tỉnh lộ để phơi thóc, rơm rạ hoặc tổ chức đám cưới, như trên Quốc lộ 32, đoạn từ Cầu Diễn đi thị xã Sơn Tây; Quốc lộ 1A từ huyện Thanh Trì đến hết địa phận huyện Phú Xuyên, Quốc lộ 21B từ Hà Đông đi Vân Đình, tình trạng cũng diễn ra thường xuyên, liên tục. Một hướng khác là Quốc lộ 1A (cũ) từ Cầu Đuống lên Đình Bảng (Bắc Ninh) cũng xảy ra hiện tượng không ít rạp lấn đường vào mùa cưới. Đó là chưa kể đến hàng trăm tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã bị lấn để bắc rạp. Đã có những tai nạn liên quan đến dựng rạp đám hiếu, hỷ lấn đường, các phương tiện đâm vào người tham dự hoặc va quệt vào người ngồi trong rạp, gây ra những cái chết thương tâm.
Tại Điều 261, Bộ luật Hình sự, quy định về "Tội cản trở giao thông đường bộ", người nào có một trong các hành vi: Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm… Quy định như vậy nhưng việc xử lý vi phạm là điều chẳng dễ dàng, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, bảo đảm an toàn giao thông, song hiệu quả không được như mong muốn. Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, chúng ta thấy tai nạn giao thông rất khó lường, số vụ của năm 2023 còn cao, cho thấy cần các biện pháp hiệu quả hơn để kéo số vụ, số người chết xuống thấp hơn nữa. Ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh-An toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị, lực lượng chức năng cần phối hợp tốt với ngành đường sắt xử lý triệt để hành vi vi phạm, đẩy nhanh tiến độ xóa lối đi tự mở; tổ chức tốt công tác cảnh giới an toàn tại các vị trí giao cắt đường bộ-đường sắt dễ xảy ra tai nạn; tuyên truyền để người dân tự đề cao cảnh giác, không đùa giỡn với tử thần.