Quản lý chồng chéo, bất cập
Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy còn nhiều tồn tại, yếu kém về ATTP. Đó là chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý chưa được thường xuyên; kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế; chưa chú trọng kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; phân tích, đánh giá và quản lý nguy cơ đối với ATTP còn nhiều bất cập; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện; chưa có biện pháp quản lý ATTP hữu hiệu đối với sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công; vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức...
Bức tranh ATTP qua báo cáo vốn ít điểm sáng lại càng trở nên ảm đạm khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Hoàng Mai đưa ra thống kê cho thấy hiện có 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm và trong ba triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thì hơn 20% vi phạm pháp luật về ATTP. Cũng theo đại biểu này, con số 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 20.395 người mắc, 164 người chết trong năm năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng. Hàng loạt bệnh tật nguy hiểm phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hằng ngày thông qua thực phẩm không an toàn. ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng: "hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt không chừa một sản phẩm nào" và dẫn chứng hằng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau và 90% nhập từ Trung Quốc; riêng hai tháng đầu năm 2017, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, chưa kể số lượng thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới không thể kiểm soát hết được. "Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình. QH nghĩ gì khi báo cáo của đoàn giám sát cho rằng mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết vì ung thư và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn", đại biểu Nhân nhấn mạnh.
Từ thí dụ điển hình về quản lý chất lượng bún mà có ba bộ chịu trách nhiệm: Bộ NN&PTNT quản lý nguyên liệu, bột gạo ướt làm bún, Bộ Công thương quản lý sản phẩm, tinh bột còn sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc Bộ Y tế cũng đủ hình dung về bất cập, chồng chéo trong quản lý ATTP. Có thể khẳng định đó cũng là một trong những tác nhân khó giải quyết triệt để, căn cơ thực trạng mất ATTP vốn gây nhức nhối trong xã hội. Ý kiến của nhiều ĐBQH cũng gợi mở nhiều cách thức tháo gỡ khả thi. Đề cập con số khảo sát gần 65% người tiêu dùng cho rằng công tác quản lý ATTP của nhà nước chưa đạt yêu cầu, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) phân tích xu hướng tiên tiến trên thế giới tiếp cận trên góc độ là thực hiện, đánh giá, phân tích, quản lý các nguy cơ trong chuỗi ATTP theo hướng toàn diện, xây dựng được năng lực, cải thiện được sự phối hợp giữa các bên và nhà sản xuất chế biến đến nhà quản lý nhằm tăng cường hiệu quả và đề xuất cần có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực và uy tín để giải quyết. Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về một đầu mối duy nhất, không nên để ba Bộ cùng quản lý như hiện nay nhằm khắc phục tình trạng đan xen, giao thoa, không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm dẫn đến buông lỏng quản lý. Một số đại biểu khác kiến nghị các tỉnh, thành phố xem xét tiêu chí môi trường và ATTP trong xây dựng nông thôn mới; đưa việc thực hiện vấn đề ATTP vào cơ chế tự quản trong hương ước, quy ước làng, xã ở các vùng nông thôn. Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sau khi QH ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát, sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết từ hoàn thiện tiếp các thể chế, các nghị định để trình Chính phủ, mặt khác tăng cường sự phối hợp liên ngành, phối hợp địa phương để thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công quản lý còn ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) kiến nghị bên cạnh đề ra những định hướng, giải pháp mang tính chất định tính Nghị quyết của QH cần có những mục tiêu định lượng với thời hạn cụ thể để Chính phủ chủ động thực hiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác giám sát.
Xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe
Giai đoạn 2011-2016 chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP, quá ít so với thực trạng vi phạm ATTP vốn đã ở mức báo động đỏ như hiện nay. Xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, thiếu quyết liệt, chủ yếu xử lý hành chính nên chưa bảo đảm răn đe. Sở dĩ nhiều vụ "lọt lưới" có phần bởi lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, hầu như không có vũ khí trong tay, một năm chỉ "khua chiêng gõ trống" vài lần, chủ yếu kiểm tra giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh ATTP mà chưa chú trọng hậu kiểm, làm rõ có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Nhiều ĐBQH cho rằng đã đến lúc cần coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm độc hại trong kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thực phẩm là tội ác đầu độc con người, ảnh hưởng đến giống nòi và đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng nâng mức hình phạt để giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Cơ sở nào tái phạm, vi phạm lớn thì phải xử lý thật nghiêm khắc để làm gương. Tăng cường lực lượng thường trực về ATTP phối hợp cơ sở, kiểm tra giám sát chặt chẽ thực phẩm ở các chợ đầu mối, kêu gọi người dân phát hiện, tố giác, lập đường dây nóng dễ nhớ như 113,115 để người dân gọi báo vi phạm ATTP… là những biện pháp thiết thực nhiều ĐBQH đề cập. Về chế tài hình sự, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh khi làm hành vi vi phạm ATTP, trộn chất cấm là có ý thức, là cố ý gây hại cho sức khỏe cộng đồng nên không cần đợi đến khi có hậu quả, chỉ cần cấu thành tội phạm là có thể xử lý được. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn đề cập thực trạng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp còn xử phạt quá nhẹ vi phạm ATTP, mức phạt quá thấp, không đủ răn đe, kể cả trường hợp để xảy ra chết người, theo Bộ Luật Hình sự cũng chưa thể truy tố được và sắp tới Bộ sẽ kiến nghị nâng cao hình phạt.
Tuy nhiên, hình phạt cao nhất đối với nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn chính là sự kiên quyết tẩy chay của khách hàng. Truyền thông có tác động thay đổi hành vi do đó để phòng ngừa tốt phải đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, cách sản xuất, chế biến thực phẩm để người dân tránh thực phẩm bẩn, ủng hộ thực phẩm sạch và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tự giác nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận định "đây là cuộc chiến giữa cái đúng và cái sai, trung thực với lòng tham, cái thiện và cái ác, chắc chắn còn cam go, chỉ thành công khi cả xã hội vào cuộc".
Sau giám sát tối cao lần này "bệnh đã được chỉ ra, thuốc sẽ được kê". Vấn đề đặt ra là chính sách pháp luật về ATTP có được thực hiện một cách nghiêm túc từ thực tế sản xuất, lưu thông, tiêu dùng đến các báo cáo của các cấp, các ngành hay không? Thực phẩm không an toàn có được ngăn chặn và đẩy lùi hay không?". Băn khoăn của ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cũng là nỗi lo của nhiều ĐBQH và người dân. Câu trả lời phụ thuộc vào sự vào cuộc trách nhiệm và công tâm của cơ quan chức năng, người dân được trang bị đầy đủ kiến thức và thông tin để trở thành người tiêu dùng thông thái và lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi cả sức khỏe cộng đồng.