Hoàn thiện thể chế đón đầu tăng trưởng

|

Những chuyển động gần đây cho thấy Việt Nam đang ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới như chất bán dẫn, vi mạch, hydro/amoniac xanh như những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, để khởi động được các ngành công nghiệp mới, rất cần các cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp cho sự phát triển.

Việt Nam không phải là người đi đầu trong các ngành công nghiệp mới này, nhưng làm sao để chúng ta có được lợi thế của người đi sau, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền.

Vai trò của "bà đỡ" đặc biệt

Thể chế tốt sẽ góp phần giảm rủi ro trong đầu tư cho các ngành công nghiệp mới, nhất là đối với những người đi tiên phong. Thể chế tốt sẽ loại bỏ được các rào cản pháp lý không cần thiết, nhất là các thủ tục giấy tờ hành chính ban đầu ở các cấp độ.

Do đó để đón đầu tăng trưởng từ ngành công nghiệp mới, trong thiết kế chính sách, pháp luật cần có các cơ chế, chính sách công khai, minh bạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với không gian, thời gian cụ thể, gắn với các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh có mục tiêu và nhiều công cụ tài chính khác mang tính chất chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các gói hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học và công nghệ để giảm chi phí và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm trên diện rộng, có thể bắt đầu từ đơn đặt hàng của Nhà nước.

Nếu được sử dụng một phần vốn đầu tư công cho khoa học công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điểm mở rộng tham gia đầu tư với tư nhân theo hình thức đối tác công-tư, qua đó thể hiện vai trò bà đỡ đặc biệt quan trọng trong triển khai các chương trình nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đó cũng chính là cách Nhà nước chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro trong R&D và thu hút nguồn vốn tư nhân cho các ngành công nghiệp mới. Còn hiện nay, tỷ trọng chi từ ngân sách nhà nước hằng năm cho khoa học công nghệ so với GDP còn quá thấp, lại phân tán, dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Tỷ trọng chi trên tổng chi phí hợp lý cho khoa học công nghệ trong doanh nghiệp cũng còn bị hạn chế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chúng ta phát triển các ngành công nghiệp mới gần như từ đầu nên hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Đó không chỉ là vấn đề vốn, công nghệ mà còn là tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chia sẻ các thông lệ quản trị tốt và cơ sở hạ tầng xuyên biên giới hướng tới mục tiêu hợp tác dài hạn. Thí dụ, để chuyển đổi năng lượng sạch, bao gồm việc tích hợp một lượng lớn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, CHLB Đức quan tâm hơn đến việc nhập khẩu hydro xanh, vốn không có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và được coi là không phát thải, do đó họ phải hợp tác với Canada, nơi có nguồn hydro xanh.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng

Có vẻ như lĩnh vực giao thông, vốn là nguồn phát thải hiệu ứng nhà kính lớn, sẽ là nơi các công ty công nghệ thi nhau trổ tài. Ngành vận tải thủy chiếm tỷ trọng khí thải toàn cầu ở mức cao, cho nên các doanh nghiệp công nghệ đã tập trung vào thiết kế, chế tạo phương tiện thủy chạy bằng hydro. Đó là NepTech ở Pháp, doanh nghiệp đã chế tạo ra tàu thủy thông minh, sử dụng nhiên liệu hydro mang tên Nepshuttle, All American Marine ở Mỹ đã chế tạo phà chở 75 hành khách chạy bằng hydro trên vịnh San Francisco. Một mẫu phà chở khách bằng hydro lớn hơn đang được chế tạo ở Anh với công nghệ động cơ có thể sử dụng được cả cho tàu container.

Hydro cũng đã được sử dụng trong vận tải đường sắt với tuyến đường sắt chạy hoàn toàn bằng hydro đầu tiên trên thế giới ở Đức năm 2022 với đội 14 tàu do Alstom của Pháp cung cấp cho bang Lower Saxony của Đức. Công ty đường sắt JR Đông Nhật Bản đã giới thiệu tàu điện sử dụng nhiên liệu hydro với tốc độ tối đa lên tới 100 km/giờ với hy vọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm 46% lượng khí thải của Nhật Bản vào năm 2030.

Trong ngành ô-tô, hãng xe nổi tiếng Mercedes-Benz cùng với 18 công ty công nghệ đã thiết kế thành công xe tải chuyên dụng Unimog U-430 sử dụng động cơ đốt trong bằng khí hydro, công suất 290 mã lực và momen xoắn 1000 Nm, có thể chạy cả ngày chỉ với một lần nạp hydro. Hãng xe Toyota Nhật Bản đã dùng hydro để chạy động cơ turbo G16E-GTS của xe GR Yaris để rồi sau đó hợp tác với đội ngũ công nghệ của Yamaha chế tạo động cơ hydro V8 5.0 cho xe Lexus RC F.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, hydro có thể giúp giải quyết các thách thức năng lượng quan trọng khác nhau, đồng thời giảm khí thải, tiến tới zero carbon, nhất là trong những lĩnh vực thâm dụng năng lượng, góp phần tăng cường an ninh năng lượng bằng công nghệ lưu trữ hydro/amoniac xanh sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo và có thể lưu trữ điện trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng với chi phí thấp, có thể vận chuyển năng lượng trên khoảng cách xa. Hiện nay, chi phí sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo còn khá đắt và tới năm 2030 mới có thể giảm được 30% do chi phí năng lượng tái tạo giảm và tăng quy mô sản xuất hydro, các thiết bị công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hydro sẽ giảm dần giá thành từ việc sản xuất hàng loạt.

Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời nên chắc chắn các tập đoàn năng lượng chủ chốt của quốc gia như PVN, EVN với sự tập trung sức mạnh tài chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với các nhà đầu tư tư nhân lớn trong và ngoài nước, sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở nước ta, phát triển ngành công nghiệp mới, động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong thời gian tới.