Có lẽ trấn Kinh Bắc vẫn là vùng đất lắng đọng được nhiều nhất những nét đặc trưng của nền văn hóa châu thổ sông Hồng, một vùng quê nhỏ Quảng Minh đã có thể giúp du khách chiêm ngưỡng hàng loạt các công trình tín ngưỡng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật như: đình Mật Ninh, đình Mang, đền thờ Mẫu, đền ngõ trên, đền ngõ dưới hay di tích từ đường dòng họ Chu Bá... Chỉ tính riêng về đình và chùa thì nơi đây đã có tới bốn ngôi chùa và bốn đình làng cổ.
Mái đình làng cổ.
Quảng Minh vốn nức tiếng có làng cổ Mật Ninh, trước đây người dân sinh sống trong làng đa phần thuộc dòng họ Chu. Theo tấm bia đá có niên hiệu Tự Ðức thứ 36 (1883) hiện còn lưu giữ tại di tích từ đường dòng họ Chu Bá thì công trình được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ thứ XVIII. Ban đầu công trình là một khu nhà bằng gỗ lim nguyên khối có kết cấu theo kiểu hình chữ Nhất. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, ngày nay từ đường đã được xây dựng quy mô với ba dãy nhà và có khu lăng mộ riêng. Từ đường họ Chu Bá là nơi thờ vị thủy tổ của dòng họ là cụ Chu Ðoan Hào và các con cháu đều là những bậc tiên hiền có nhiều công lao với quê hương, đất nước. Ðiển hình là cụ Chu Danh Tể, cụ là Ðô đốc trấn Cao Bằng, có bia vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngoài ra còn có chín vị đỗ hương cống thời Lê đều làm quan to trong triều đình.
Anh Chu Bá Dự, cán bộ của UBND xã Quảng Minh tự hào nói với tôi rằng, dòng họ của anh vẫn tiếp bước truyền thống ông cha, học hành đỗ đạt. Ông Chu Bá Phượng, là cháu đời thứ năm của quan ngự sử Chu Danh Tể, là người Việt Nam đầu tiên được nhận ba bằng cử nhân khoa học kiến trúc, cầu đường, hóa học từ Pháp gửi sang. Là một nhân sĩ yêu nước có uy tín, ông Chu Bá Phượng được cử làm Bộ trưởng Cứu tế năm 1945 - 1946. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Ủy viên Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ.
Ngồi dưới mái hiên đình Mang, trong tiết trời lạnh lẽo mùa đông, du khách lại như thấm đẫm hơn cái dáng vẻ rêu phong cổ kính xưa cũ của làng quê. Nhấp ngụm trà nóng, xoa xoa hai bàn tay cho tan đi cái lạnh, anh Chu Bá Dự cẩn thận giới thiệu với chúng tôi về kiến trúc và nhiều hiện vật quý còn lưu giữ trong đình từ thời Lê, thời Nguyễn. Ngôi đình này vào tháng Giêng hằng năm vẫn đón liền chị từ bờ nam sông Cầu cùng trẩy hội quan họ. Các liền anh Mật Ninh áo the, khăn xếp, chân đi giày Ký Long lại đón các liền chị quan họ Trà Xuyên với lúng liếng ánh mắt qua vành nón quai thao để cùng nhau cất lên những làn điệu đối đáp cho thỏa tấm lòng.
Ðể rồi gửi lời hẹn ước năm sau.
"Ăn một miếng trầu gặp đây
ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy, không ăn
cầm lấy cho nhau vừa lòng"...