- Thưa ông, thực tế tại các địa phương cho thấy, hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện chưa đáp ứng nhu cầu, vừa thiếu hệ thống cảng cá, khu neo đậu, vừa yếu về chất lượng. Vậy đâu là những nguyên nhân chính?
- Tồn tại của hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tựu trung có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, tổng nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí đầu tư cho việc quy hoạch, xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản chưa đúng theo quy định và chưa đáp ứng được nhu cầu. Thứ hai, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng, khu neo đậu chủ yếu thuộc dạng công ích, không thu hút được đáng kể nguồn lực tư nhân. Đã thế, với các cảng hiện hữu, đã xây dựng và hoạt động nhiều năm, đang xuống cấp lại thiếu vốn duy tu, sửa chữa. Điều đó càng khiến mức độ xuống cấp trầm trọng hơn. Đó là chưa kể đến tình trạng cảng bị bồi lắng do thời gian, biến đổi khí hậu, lũ lụt, càng gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại.
Thứ ba, nguồn nhân lực quản lý cảng cá hiện nay rất thiếu và chưa được đào tạo bài bản, do vậy công tác điều hành việc ra vào cảng chưa đáp ứng được nhu cầu. Cũng phải nhấn mạnh thêm, lực lượng trực tiếp tham gia vận hành dịch vụ nghề cá, quản lý cảng cá quá yếu. Đội ngũ nhân lực này nhiều năm làm việc theo mô hình manh mún, nhỏ lẻ, nhưng nay nước ta bước vào hội nhập quốc tế, việc xuất-nhập khẩu thủy hải sản diễn ra thường xuyên, mà nguồn nhân lực đang bị "hổng kiến thức", thiếu người có thể vận hành được máy móc, công nghệ hiện đại.
- Ông vừa nhắc đến chuyện hội nhập, xin hãy chia sẻ thêm về kinh nghiệm quản lý, vận hành ở những nước có biển và khai thác thủy, hải sản?
- Ở nhiều nước có biển trên thế giới, họ xây dựng hệ thống cảng rất hiện đại. Theo xu thế, tàu cá khai thác trên biển nhưng lại được quản lý tại cảng bằng hệ thống máy móc hiện đại. Nhờ công nghệ, kỹ thuật viên của họ tại cảng vẫn có thể giám sát tốt công việc khai thác của ngư dân ở xa ngoài khơi, nhờ thế chống được việc khai thác bất hợp pháp. Đây là điều chúng ta cần học tập, bởi khi áp dụng công nghệ, có sự hợp tác tốt giữa các nước trong việc kiểm tra chéo thông tin, truy xuất nguồn gốc hải sản, chúng ta mới bỏ được tư duy làm ăn manh mún. Tất nhiên muốn có được đội ngũ quản lý trình độ là cả một quá trình dài, bởi chúng ta đang trong quá trình thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng kiến nghị, Nhà nước có chính sách đặc thù, đầu tư đào tạo nhân lực cho ngành khai thác thủy sản.
- Việt Nam là nước có bờ biển dài, để phát triển ngành thủy sản theo hướng chuyên nghiệp, bền vững cần có sự đầu tư, quy hoạch bài bản hệ thống cảng cá với tầm nhìn dài hạn. Nhưng, công tác quy hoạch hiện cũng chưa đáp ứng tốt đòi hỏi thực tế?
- Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2016-2020 cả nước phải có 125 cảng cá và 146 khu neo đậu tránh trú bão. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có 68 cảng cá và 76 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện và được công bố mở theo quy định.
Nhìn vào những con số đó, dễ dàng nhận thấy hạ tầng không phát triển theo kịp số lượng và kích thước của tàu khai thác. Trước đây chúng ta chỉ có tàu 400-1.000 CV thôi, nhưng bây giờ là 3.000-5.000 CV. Có thể ví von là người lớn nhanh, nhưng áo thì quá chật. Nên thực tế, chúng ta đang bị lãng phí về hạ tầng, tiền của và thời gian. Cụ thể hơn, chúng ta chủ yếu có các cảng nhỏ đang hoạt động, bị bồi lắng, tàu lớn không vào được. Hay trước đây, việc xây dựng cảng chỉ để phục vụ cho một đến hai tàu vào bốc dỡ, nay nhu cầu tàu cần vào bốc dỡ nhiều hơn cả chục lần, nhưng cảng không đáp ứng được nên tàu phải mất nhiều thời gian chờ đến lượt.
Vấn đề khác là thiếu các trang thiết bị phục vụ cho việc bốc dỡ hàng hóa của cảng; hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, phòng chống cháy nổ... chưa đáp ứng được nhu cầu nên việc quản lý, công bố mở cảng cá gặp nhiều khó khăn. Ta cũng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với cảng cá, khu neo đậu; thiếu cơ sở dữ liệu về các cảng cá cho tàu cá, thiếu phần mềm kết nối hệ thống cảng cá, chia sẻ thông tin giữa các cảng cá để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi cần thiết.
Ngư dân phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) khai thác cá ngừ tại vùng biển Trường Sa. Ảnh: XUÂN HIẾU |
- Vậy theo ông, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cảng, khu neo đậu tàu thuyền, phát triển hạ tầng nghề cá cần được điều chỉnh như thế nào?
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (giai đoạn 2021-2030), tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, toàn quốc sẽ có 152 cảng cá (trong đó 33 cảng loại một, 73 cảng loại hai, 46 cảng loại ba), đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản 2.691.000 tấn/năm; 150 khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng nhu cầu neo đậu khoảng 85.917 tàu cá. Để tiến tới một quy hoạch đồng bộ, lãnh đạo ngành tập trung xác định hai vấn đề: Thứ nhất, mô hình cảng cá nào là chuẩn và có triển vọng đầu tư cho tương lai. Thứ hai, thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước như thế nào để có thể xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các công trình xây dựng.
Chúng ta cần thống nhất nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của kinh tế biển và đầu tư đúng mức cho hạ tầng nghề cá. Cần phải xác định lại, trong tương lai hệ thống cảng cá không đơn thuần là nơi bà con mưu sinh, hay neo đậu tàu thuyền, mà còn là không gian sống, không gian phát triển của hàng chục triệu ngư dân. Chúng ta không thể chỉ quy hoạch phần cứng, tính toán số bê-tông cốt thép, mà cần chuyển tư duy khai thác tự phát sang chuyên nghiệp, đưa thủy sản thành một ngành công nghiệp hiện đại. Việc quy hoạch hệ thống cảng cá thời gian tới phải góp phần thay đổi diện mạo ngành, đồng thời, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cường độ khai thác, tránh việc khai thác trái phép. Bởi thế, cả hệ thống chính trị, các địa phương có biển cần quan tâm phát triển đời sống, an sinh xã hội người dân ven biển, quan tâm hơn nữa đến lực lượng khai thác, bởi ngư dân chính là những cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!