CÁC em học sinh thường hào hứng với giờ học về an toàn giao thông, cả trên lớp và giờ ngoại khóa. Đó là thực tế ở nhiều ngôi trường mà phóng viên tìm hiểu được. "Đối với lớp 1, lớp 2, theo chương trình, nội dung về an toàn giao thông được đưa vào các tiết dạy lồng ghép với yêu cầu cơ bản như: đi bên tay phải, sát lề đường, đúng hướng đường, làn đường dành cho mình; đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, tuân thủ đèn xanh đèn đỏ,…" - cô Nguyễn Thùy Dương, chủ nhiệm Lớp 2A2, Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng ở ngôi trường nay, nhìn ở tầm bao quát hơn, thầy Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng cho biết: "Ở khối lớp 1, 2 nội dung về an toàn giao thông được dạy lồng ghép. Lên đến lớp 3, 4, 5 các học sinh được học kỹ hơn. Cùng với các nội dung dạy và học trên lớp, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các giờ ngoại khóa, kết hợp với Cảnh sát giao thông khu vực tuyên truyền về luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Nhờ giảng dạy theo chương trình mới, có sự tích hợp bộ sách an toàn giao thông vào chương trình dạy học, ý thức của phụ huynh và các em học sinh khi tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt".
Nhìn nhận rõ những chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm sự an toàn cho học sinh khi đến trường và về nhà, song, thầy hiệu trưởng vẫn muốn nhắn nhủ: "Giáo dục cần được thực hiện từ nhỏ để học sinh có thể hình thành ý thức, dần dần trở nên tự chủ trong các hành vi tham gia giao thông của mình. Chính các cháu nhỏ thường tiếp thu bài học và ý thức chấp hành rất tốt, vấn đề là người lớn chúng ta, các bậc phụ huynh cần làm gương mọi lúc mọi nơi".
Theo các chuyên gia, giáo dục về an toàn giao thông, nhất là với trẻ nhỏ, lứa tuổi mầm non, tiểu học,… phải được tích hợp đa dạng dưới mọi hình thức. Đề cập vấn đề ứng dụng khoa học-công nghệ trong giảng dạy, TS Lưu Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và công nghệ số (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, nội dung dạy và học cần được hình ảnh hóa một cách sinh động, gắn với thực tế, giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu, được biên soạn riêng cho từng lớp, mỗi lớp có nội dung chủ đề khác nhau, hoặc có cùng chủ đề nhưng khác nhau ở nội dung bài học cũng như các câu hỏi và bài tập, phù hợp từng độ tuổi học sinh.
THỰC hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua đã phối hợp ngành giáo dục và các bậc cha mẹ học sinh triển khai đến đại đa số học sinh việc ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý nghiêm các học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông; sau khi xử phạt vi phạm hành chính, đã gửi thông báo về nhà trường để xem xét, xếp loại hạnh kiểm.
Cùng đó, nhiều địa phương cũng đã có những sáng kiến hiệu quả, như Trường cao đẳng Gia Lai vừa ra mắt mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" dịp đầu năm 2024 này. Em Vi Đức Thắng (sinh viên Khoa Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Trường cao đẳng Gia Lai) chia sẻ: "Em thường xuyên tự lái xe máy đi học vì nhà khá xa. Nhờ có các Tổ tuần tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông luôn thực hiện nhiệm vụ trên đường, nên em cảm thấy an tâm hơn nhiều. Thời gian tới, em sẽ tham gia Tổ tự quản an toàn giao thông do trường thành lập, cùng góp sức thực hiện mô hình ý nghĩa này".
Thượng tá Phạm Quốc Khái, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đối với học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn thiếu chặt chẽ và chưa mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nhất là, đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường xây dựng, nhân rộng các mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Đội cờ đỏ" tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm; bố trí nơi dừng, đỗ xe phù hợp cho phụ huynh đưa, đón học sinh, bảo đảm trật tự, không để xảy ra ùn tắc giao thông trước cổng trường và phòng ngừa tai nạn giao thông.