Tầm nhìn xa cho công nghiệp sinh thái

|

Mô hình khu công nghiệp sinh thái đang từng bước được xây dựng, giúp giảm ô nhiễm môi trường, ít tiêu hao năng lượng. Song, về lâu dài, để có thể nhân rộng thì cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhập cuộc.

Lan tỏa xu hướng sản xuất xanh

Từ năm 2020, Amata (Đồng Nai) là một trong ba khu công nghiệp tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thí điểm xây dựng Dự án khu công nghiệp sinh thái do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Thời điểm thực hiện, trong 30 tiêu chí sinh thái theo khung quốc tế, Amata đã đạt được hơn một nửa. Trước đó, năm 1994, ngay từ khi mới thành lập, Khu công nghiệp Amata đã quy hoạch những đường cây, vườn hoa, khu nghỉ ngơi cho cán bộ, công nhân. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Amata đã giảm nhiều chi phí trong sản xuất; tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên; tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính xanh, giảm khí thải. Tham gia dự án, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai đã tiết kiệm mỗi năm 687.661 kWh điện, 4.875 m3 nước và góp phần giảm 552 tấn CO2 tương đương. Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa chia sẻ: Khu công nghiệp từng ngày cải tiến, nâng cao chất lượng và đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển bền vững.

Cũng tham gia dự án, Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) đã đặt mục tiêu trở thành khu công nghiệp vì tương lai, "khu công nghiệp công viên" với các vườn cây, hồ sinh thái tại các khu vực sản xuất, vừa để tạo môi trường lao động thân thiện, vừa là chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường sống trong nhà máy. Song đó mới chỉ là ở bề nổi, ở chiều sâu, đơn vị nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như hệ thống nhà xưởng/nhà kho được xây dựng thân thiện với môi trường, được áp dụng theo tiêu chuẩn xanh của thế giới. Nhằm bảo đảm nguồn điện dự phòng ổn định, DEEP C đa dạng hóa nguồn điện bằng việc khai thác điện mặt trời, điện gió và điện rác.

Tính đến hết tháng 10/2023, Dự án khu công nghiệp sinh thái đã hỗ trợ 68 doanh nghiệp tại ba khu công nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo, đánh giá, xác định và thực hiện khoảng 300 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, giúp tiết kiệm 23 triệu kWh điện/năm, 384.000 m3 nước/năm, tiết kiệm 3,1 triệu USD/năm và giảm 24.000 tấn CO2 tương đương/năm. Điều đáng nói, nhờ sự lan tỏa, nhiều khu công nghiệp trên cả nước tiếp tục cải tạo, chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh và bền vững, thông minh như: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu), Khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình)… Ở nhiều địa phương đã lồng ghép việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, từ đó, thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với bảo đảm yếu tố môi trường và xã hội.

Huy động nguồn lực cho phát triển bền vững

Trong quá trình chuyển đổi mô hình và quy hoạch phát triển mới, các khu công nghiệp sinh thái đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên, quá trình này cũng đối mặt không ít khó khăn. Trong đó, phải kể đến các quy định về sử dụng nguồn nước còn chưa thống nhất, nguồn vốn hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thật sự đi vào cuộc sống; nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ; một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc; thủ tục thành lập mới các khu công nghiệp sinh thái còn phức tạp và mất nhiều thời gian…

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp các ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) còn chỉ ra, việc đầu tư khu công nghiệp sinh thái vô cùng tốn kém, chậm thu hồi vốn, bởi thế, rất cần cơ chế tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, cấp phép, giải phóng mặt bằng.

Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đã quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và các yêu cầu đối với việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới nhằm định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái ngay từ bước lập quy hoạch, đề xuất chủ trương đầu tư đến thu hút các ngành, nghề đầu tư vào khu công nghiệp tại một số địa phương trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, khu công nghiệp sinh thái được coi là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tiếp tục nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới, cần sự vào cuộc với quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin của Chính phủ cũng như các nhà tài trợ quốc tế; hướng dẫn từ các bộ, ngành, đặc biệt về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và nước thải. Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.