Ðánh tráo khái niệm về hàng sản xuất trong nước
Trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, không ít mặt hàng Việt Nam đã được tin dùng, đạt giá trị xuất khẩu cao, đưa sản phẩm trong nước đến người tiêu dùng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của nước ta. Trên thị trường có nhiều sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, bao bì mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, thực tế cũng tràn lan hàng giả, hàng lậu, có hiện tượng lợi dụng để trục lợi dưới nhiều hình thức, như quảng cáo sai sự thật, bày bán sản phẩm có chất lượng thấp, nhập nhèm về nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, đã có hiện tượng hàng trong nước gắn mác hàng nước ngoài nhằm bán với giá cao hơn, hoặc hàng nước ngoài chất lượng thấp gắn mác hàng trong nước, hay chính hàng trong nước nhái hàng trong nước, thật-giả lẫn lộn, gây nhiễu loạn thị trường.
Thí dụ năm 2017, vụ việc sản phẩm Khaisilk gắn mác "Made in Vietnam" mà thực chất là trà trộn hàng nước ngoài đã được xử lý nghiêm khắc. Tháng 10/2021, Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) phải nhận trách nhiệm về việc chọn lựa vải gấm đến từ nước ngoài để thể hiện ý tưởng "Cảm hứng tự hào miền trung-Hoa trong đá" của Việt Nam.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp trong nước thuê đối tác nước ngoài lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất sản phẩm, còn mình chỉ lắp ráp, đóng gói, phân phối. Ðiều này tuy không trái với quy định pháp luật nhưng đã đánh tráo khái niệm về hàng sản xuất trong nước. Như trường hợp Công ty Excel có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã nhập khẩu 100% linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam, chỉ lắp ráp rồi gắn nhãn "Made in Vietnam". Điều đáng nói, tình trạng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc được gắn nhãn hiệu trong nước xảy ra khá phổ biến ở lĩnh vực hàng thực phẩm, như hoa quả, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm, gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân Việt Nam.
Lại nữa, sự phát triển của việc mua bán qua mạng giúp thanh toán điện tử trở nên ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu như khách mua hàng qua sàn thương mại điện tử không tránh khỏi chuyện mua phải hàng kém chất lượng. Nguyên do là người tiêu dùng đã quá tin vào những lời quảng cáo, không được kiểm tra kỹ, thử sản phẩm trước khi mua hàng, nhưng khi nhận được sản phẩm không như mong muốn, lại nảy sinh tâm lý hoang hoang, mất niềm tin đối với việc mua bán trên mạng.
Nâng cao trách nhiệm của các bên
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về chất lượng hàng hóa, các nhà sản xuất, kinh doanh càng phải đặt người tiêu dùng vào đúng trọng tâm để chinh phục, phục vụ. Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo chọn lựa, mua bán sản phẩm.
Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nêu giải pháp: Để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người Việt tin dùng hàng Việt, cần sự tham gia từ người sản xuất, người bán, người tiêu dùng. Tất cả cùng phải có trách nhiệm trong cuộc chiến này. Đồng thời, phải ưu tiên những hoạt động mang tính phòng ngừa; tuyên truyền để làm sao thay đổi suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng theo hướng tích cực; cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu để nhận biết hàng giả. Và doanh nghiệp phải chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong phát hiện vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, việc xử lý vi phạm liên quan phải được làm nhanh, nghiêm hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Không ít thương hiệu lớn tại Việt Nam thường phàn nàn rằng, đôi khi, họ về tận nơi sản xuất hàng giả rồi báo các cơ quan chức năng, nhưng việc xử lý diễn ra rất chậm chạp, thậm chí rơi vào quên lãng.
Một thị trường nội địa lành mạnh, phát triển bền vững là nơi mà người tiêu dùng tự hào khi thương hiệu nội địa phổ biến, chiếm ưu thế. Để có sự phát triển lành mạnh ấy, sản phẩm phải đạt yêu cầu để người tiêu dùng cảm thấy tự tin khi mua sắm và sử dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận người dân cần thay đổi tâm lý tiêu dùng, tránh dễ dãi đối với hàng giả, hàng lậu bởi đó là hoạt động phi pháp, tước đoạt cơ hội của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) đã và đang nghiên cứu triển khai cácgiải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tỷ lệ "bom" hàng, "bùng" hàng, đồng thời giảm tình trạng kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật.