Bồng bềnh Cấm Sơn

|

Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) chỉ cách Hà Nội chừng hơn 100 km, nhưng chúng tôi lạc tới mãi vùng giáp ranh với đất Lạng Sơn mới tìm được đường vào. Mục đích là đi cắm trại dã ngoại, nên cả đoàn nhanh chóng thuê thuyền máy của người dân chở ra một đảo lớn và bằng phẳng giữa hồ. Vừa vặn kịp để hạ trại trong lúc ngắm nhìn hoàng hôn lộng lẫy buông xuống một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất miền bắc.

Mùa hè năm nay vẫn chưa mưa nhiều, nhưng nghe anh lái thuyền bảo nước dâng thế này là dồi dào rồi đấy, chỗ sâu nhất cũng phải hơn 40 mét. Dòng Cấm Sơn xuất phát từ Hữu Lũng (Lạng Sơn), đến Lục Ngạn thì được chặn lại thành hồ, diện tích mặt nước lên đến gần 3.000 héc-ta, làm công trình thủy nông tưới tiêu cho cả mấy tỉnh.

Lúc này nắng chiều loang loáng. Gió thổi tung làn tóc rối các cô gái. Một chốc, lại bắt gặp những chiếc thuyền khác tỏa về nhiều hướng ven bờ, chắc là của những người đánh cá quanh đây đang trở về mái ấm sau một ngày vất vả. Rồi đến một đoạn lòng hồ rộng mênh mang có tới cả trăm hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô, in bóng xanh thẫm xuống mặt nước đang chuyển mầu tím hồng, ai nấy đều ồ lên vì cảnh tượng đẹp đến siêu thực. Có người còn liên tưởng đến một vịnh Hạ Long phiên bản nhỏ hơn và nằm trên núi.

Dựng trại xong, màn đêm thăm thẳm đã ập xuống bốn bề. Cấm Sơn vẫn là vùng đất hoang sơ, hầu như chưa có dịch vụ du lịch, nên giống như một thế giới khác mà dân phượt như chúng tôi cứ thèm khát lao đến mỗi khi muốn tạm trốn cuộc sống đô thị ồn ào, bụi bặm. Ngồi bên đống lửa chuyện trò mê mải, rồi thì người vác cần đi câu, người ra ngâm mình trong nước mát, người nằm lặng im ngắm sao. Khuya dần, chỉ còn nghe tiếng sóng nước vỗ bờ ì oạp, tiếng động cơ thuyền đánh cá đèn phả từ phía xa…

Buổi sớm mai trên hồ bình yên đến nao lòng. Từ tờ mờ sáng, thuyền đánh cá, thuyền đi chợ đã tấp nập qua lại. Hai bên bờ chung quanh hồ là những bản làng thưa thớt của đồng bào Sán Chỉ, Tày, Nùng, Dao… Người dân nơi đây muốn đến trung tâm xã hoặc từ nhà nọ sang nhà kia đều phải sử dụng thuyền nan, thuyền máy. Với họ, thật chẳng dễ dàng nhưng cũng phải quen thôi. Còn với du khách, hình ảnh ấy lại chỉ mang đến cảm giác lãng mạn, thơ mộng. Chả thế, mà vẻ đẹp của trời, mây, non, nước Cấm Sơn đã là nguồn cảm hứng cho bao áng thơ, văn trữ tình.

Có một chuyện thú vị không nhiều người biết, đó là năm 1972, nhạc sĩ Phó Ðức Phương trong chuyến đi thực tế ở đây định viết một bài hát làm nhạc nền cho phim tài liệu, nhưng quá xúc cảm trước cảnh sơn thủy hữu tình đã nâng tầm một bản "địa phương ca" thành ca khúc "Hồ trên núi" cực kỳ nổi tiếng được nhiều thế hệ yêu thích, thuộc lòng: Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi/ Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc…

Ðã bao đời nay, hồ Cấm Sơn bao la không chỉ như chiếc "điều hòa nhiệt độ" cực kỳ quý báu của cả vùng, mà còn là vựa thủy sản thiết yếu cung cấp cho cuộc mưu sinh của biết bao gia đình. Anh Trưởng, một trong những người đầu tiên có công khai hoang mở đất ở khu vực lòng hồ này, bảo rằng mấy năm trước đây chuyện dân bắt được cá nặng 20 - 30 kg là bình thường. Giờ thì thỉnh thoảng mới có con 10 - 15 kg sa lưới, nhưng cơ bản là cá tôm vẫn đủ ăn.

Hiện tại, mọi hoạt động du lịch sinh thái tại Cấm Sơn như: vãn cảnh, chèo thuyền, cắm trại, leo núi, bơi lội… vẫn chủ yếu là tự phát. Giá mà ngành du lịch địa phương quan tâm phát triển hơn một chút, hẳn là sẽ có lợi cho cả cư dân, cả du khách. Bởi tôi dám chắc rằng, chẳng ai có thể không rung động, xao lòng nếu một lần được bồng bềnh trên dòng Cấm Sơn.