Tự chủ hay bị tước quyền tự chủ?
Thực ra, gợi ý về một kỳ thi quốc gia từng xuất hiện cách đây nhiều năm. Nhưng đề án đó đã bị phá sản khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương cứ năm sau đội cao hơn năm trước. Thậm chí, có vị giáo sư còn chua cay nói rằng, chúng ta không chỉ có một “Đồi Ngô” mà còn có cả “rừng Ngô”. Những hoài nghi trong dư luận về kết quả thi tốt nghiệp và căn bệnh thành tích ăn sâu là có cơ sở. Giữa bối cảnh nhộn nhạo đó, các trường ĐH, CĐ quyết liệt phản pháo, không chấp nhận kỳ thi “hai trong một” khi việc tổ chức thi phổ thông còn hình thức, nặng nề, kém thực chất. Công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ vốn được xem là hai khía cạnh tách bạch, khác hẳn nhau, khó để “đồng sàng một lứa”. Xét tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ căn cứ duy nhất vào điểm thi có thể dẫn đến tình trạng thiếu công bằng đối với người học và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực...
Rút kinh nghiệm từ nhiều va vấp trước, đề án kỳ thi quốc gia đang gây sự chú ý sâu rộng trong xã hội đã được thiết kế mới hơn, sáng tạo hơn với cả loạt thuật ngữ có phần còn lạ lẫm như “bài thi tích hợp”. Tuy nhiên, phía các trường ĐH, CĐ vẫn chưa thôi lo lắng, còn chất chứa nhiều nỗi niềm băn khoăn, khúc mắc... Có Giáo sư, Viện sĩ khi trao đổi với chúng tôi đã thẳng thắn: “Một kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sợ rằng dẫn đến tình trạng sẽ có một chức năng được làm tốt, một chức năng làm không tốt. Vậy nên chọn chức năng tuyển sinh hay chức năng tốt nghiệp THPT? Nếu chọn chức năng tốt nghiệp thì kết quả sẽ không đủ tầm để tuyển sinh đại học. Ngược lại chọn chức năng chính là tuyển sinh thì mâu thuẫn quyền lợi, bởi các trường lại bị tước mất quyền tuyển sinh”. PGS,TS Lê Trọng Thắng, ĐH Mỏ Địa chất và nhiều lãnh đạo trường ĐH khác đều chung suy nghĩ: Kết quả kỳ thi quốc gia được sử dụng để xét tốt nghiệp và bắt buộc tất cả các trường đại học lấy làm căn cứ tuyển sinh là một sự đổi mới hoàn toàn. Vậy sẽ xử lý quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH như thế nào? Nếu các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển, có thể làm kết quả sơ tuyển hoặc không sử dụng kết quả thi, thì về hình thức lại trùng với phương án bỏ kỳ thi “ba chung” mà Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai từ năm 2017. Một Giáo sư, Hiệu trưởng một trường ĐH lớn phía bắc cho hay, nếu kỳ thi quốc gia được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi thì trường ông chắc chắn sẽ phải tổ chức một kỳ “test” phụ. Theo vị Giáo sư này những trường “tốp ba” có thể sử dụng ngay kết quả của kỳ thi quốc gia, nhưng nhiều trường ĐH danh tiếng vì không an tâm nên sẽ tự thiết kế phương án kiểm tra riêng. Khi đó, cũng rất tốn kém, căng thẳng và mục đích của kỳ thi quốc gia làm giảm áp lực xã hội, giảm gánh nặng chi phí chưa chắc đã bao quát được đến từng trường ĐH, CĐ.
Kỳ thi quốc gia phải như một kỳ thi đại học
Vậy năm 2015 nếu áp dụng một kỳ thi quốc gia có gấp gáp không? Cách thức tổ chức như thế nào để mục đích xét tuyển vào ĐH, CĐ thành hiện thực, không xa vời? PGS,TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho hay, cần nhìn nhận từ ba yếu tố: Đối tượng dự thi (là học sinh); Phương án tổ chức thi (nhà quản lý giáo dục); các trường đại học, cao đẳng (sử dụng kết quả thi). Về đối tượng dự thi: Với học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2015, việc phải thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn như kỳ thi THPT 2014 cũng sẽ không có vấn đề gì (vì số lượng môn thi so với các môn học ít hơn nhiều). Còn lâu dài cần có sự đánh giá kiến thức và năng lực toàn diện của người học ở kỳ thi này (kiến thức tổng hợp của các nhóm môn học) thì cần phải đưa ra lộ trình thực hiện, để học sinh không bị bỡ ngỡ (giống kỳ thi SAT của Mỹ). Đối với phương án tổ chức thi, theo PGS,TS Lê Hữu Lập, phương án ra đề thi cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và cho tuyển chọn thí sinh vào ĐH, CĐ cũng không khó khăn gì. Nhưng khâu tổ chức thi lại là vấn đề băn khoăn của rất nhiều người. Do vậy, theo ông đề xuất, Bộ GD&ĐT cần xin ý kiến rộng rãi của đội ngũ giáo viên, chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngược lại, một Giáo sư, Hiệu trưởng một trường ĐH phía bắc lại bày tỏ quan điểm, hoàn toàn ủng hộ chủ trương của một kỳ thi quốc gia. Theo ông, tổ chức tốt được phương án thi tích hợp thì quá tuyệt vời, khi đó sẽ triệt tiêu tình trạng học lệch, học tủ. Nhưng việc này cần thời gian, có khi phải mất vài năm để cả học sinh lẫn giáo viên quen dần bởi thi cử gần như là khâu cuối cùng sau một quá trình đổi mới dạy và học, nên các trường phổ thông buộc phải có độ lùi để thích ứng. Điều vị Giáo sư này lo lắng nhất là chúng ta cần phải thay đổi cái gốc là “từ triết lý giáo dục và văn hóa học đường”. Vấn đề văn hóa học đường còn quá nhiều hạn chế, đó là tình trạng gian lận thi cử, quay cóp, xin điểm, như thế hệ thống đánh giá không chuẩn từ bậc phổ thông: “Tất nhiên bao giờ cũng phải bắt đầu, phải có sự đổi mới đầu tiên thì mới có kết thúc, nhưng rõ ràng, nên tính toán cẩn thận để không gây tổn thất thêm cho xã hội”, ông cho hay.
Là một trường ĐH khá “kén” đầu vào với điểm chuẩn cao gần như nhất toàn quốc, ĐH Y Hà Nội chắc chắn sẽ không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi quốc gia. PGS,TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội chia sẻ, hiện nay thi đại học tạm coi là “bằng chứng” khách quan nhất, tin cậy nhất, do đó không có giải pháp nào thay thế được việc tổ chức một kỳ thi công bằng, đúng tầm. Nói cách khác, phải làm sao tổ chức kỳ thi quốc gia được như một kỳ thi ĐH. Nhiều tiếng nói quan ngại, nếu để địa phương tổ chức thì lại như kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, hệ quả là gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT lẫn các trường ĐH. Ở phía bên kia, giao hẳn cho các trường ĐH sẽ dẫn tới vướng mắc, nhiều trường không đủ cơ sở vật chất để tổ chức thi vì lúc đó, số lượng học sinh sẽ đông hơn rất nhiều.
Tổ chức tốt được phương án thi tích hợp thì quá tuyệt vời, khi đó sẽ triệt tiêu tình trạng học lệch, học tủ. Nhưng việc này cần thời gian, có khi phải mất vài năm để cả học sinh lẫn giáo viên quen dần bởi thi cử gần như là khâu cuối cùng sau một quá trình đổi mới dạy và học.
Sinh viên tình nguyện giữ gìn trật tự giao thông tại Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách Khoa.