Đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục

|

Hàng triệu học sinh rời khỏi các mái trường, tỏa đi mọi miền đất nước, đã và đang trở thành những cán bộ chủ chốt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, không bao giờ quên những bài giảng cảm hóa, lay động lòng người; những lời chỉ bảo ân tình định hướng lý tưởng, lẽ sống làm người.

Kể từ khi triển khai Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về phát triển giáo dục và đào tạo (năm 1996), chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển nhất định. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Trong thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng đó, có sự đóng góp tích cực về công sức, trí tuệ của đội ngũ cô giáo, thầy giáo và các cán bộ quản lý giáo dục.

Những thành tựu nêu trên bắt nguồn từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, truyền thống hiếu học của dân tộc ta, đạo lý “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”... Hàng triệu học sinh rời khỏi các mái trường, tỏa đi mọi miền đất nước, đã và đang trở thành những cán bộ chủ chốt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, không bao giờ quên những bài giảng cảm hóa, lay động lòng người; những lời chỉ bảo ân tình định hướng lý tưởng, lẽ sống làm người... được thu nhận từ các cô giáo, thầy giáo tâm huyết, mẫu mực trong cách dạy cũng như cách sống, tạo nên hành trang quý giá để học sinh bước vào đời, trở thành những công dân có ích cho quê hương, đất nước. Ít ai có thể quên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, đã và đang là điểm tựa quan trọng cho mỗi học sinh, nhờ tiếp nhận tri thức và phương pháp tư duy của các thầy giáo, trên cơ sở đó biến thành nội lực và sự sáng tạo trong quá trình công tác. Đó là nền tảng tạo nên những chiến công oanh liệt của nhiều thế hệ học sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà hình ảnh người thầy giáo yêu người, yêu nghề luôn là sự khích lệ, cổ vũ họ vượt lên mọi gian truân, thử thách; không ít người đã trở thành anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi toàn xã hội, trước hết là đội ngũ giáo viên phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hơn lúc nào hết, vai trò của các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ quản lý giáo dục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng rất cao. Suy cho cùng, đội ngũ thầy giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, mà sự tâm huyết với nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc “trồng người”, ý thức thường xuyên tự tu dưỡng đạo đức, bồi đắp tri thức chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật- đó là những yêu cầu không thể thiếu. Trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, người “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo” (lời Bác Hồ), cần bồi đắp lòng tự trọng, vượt qua mọi cám dỗ vật chất đời thường, luôn tự nhắc mình đề cao nhân cách và phẩm hạnh, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn xã hội tỏ lòng biết ơn và trân trọng đánh giá cao những cống hiến to lớn của các cô giáo, thầy giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng, với truyền thống tốt đẹp được tạo dựng trong 70 năm kể từ ngày lập nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo sẽ có bước phát triển tích cực, đáp ứng sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.